Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội song vẫn ưu tiên cho xe "luồng xanh" hoạt động để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kép, đồng thời không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nhiều tài xế lại lợi dụng "luồng xanh" để chở người thu tiền vi phạm quy định, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Liên tiếp phát hiện xe “luồng xanh" chở người, trục lợi
Ngày 4/9/2021, Công an huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính tài xế Trần Văn Đông (SN1985, trú tại TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) với số tiền là 7,5 triệu đồng về hành vi “không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”, tại khoản 2, điều 14, Nghị định số 117 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trước đó, tài xế Trần Văn Đông có hành vi lợi dụng xe "luồng xanh" chở thuê 2 người, và thu phí 3,5 triệu đồng/người.
|
Những người đi trên xe container trái phép bị lực lượng công an phát hiện, xử lý tại tỉnh Tiền Giang.
|
Tại TP. HCM, ngày 10/8, Công an Quận 1 phát hiện một ô tô có dán nội dung “Bếp Cơm Thiện Nguyện Mãn Tự VeGan, xe hỗ trợ phòng chống dịch” nhưng thực chất là nhận chở người từ TP. HCM về quê.
Tài xế Hồ Lê Tấn Phát (31 tuổi) khai nhận dán tấm bảng “xe thiện nguyện” để qua mặt các chốt kiểm soát COVID-19. Người đi xe phải trả từ 5 triệu đồng/người tùy thuộc tỉnh gần hay xa. Tại thời điểm bị phát hiện, năm người được chở trên xe đều không xuất trình được các giấy tờ ra đường có lý do chính đáng theo quy định.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc các tài xế lợi dụng xe "luồng xanh", xe ưu tiên để chở người thu tiền. Tuy nhiên, hành vi này chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo các chuyên gia pháp lý, chế tài xử lý hiện nay chưa đủ sức răn đe, cần có chế tài nặng hơn để ngăn chặn hành vi vi phạm như trên.
"Cần tăng mức xử phạt hành vi vi phạm"
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc cấp thẻ “luồng xanh” ưu tiên có thể đúng đối tượng nhưng tài xế lại không sử dụng đúng mục đích, vận chuyển hàng hóa, người không được phép chở. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ trường hợp thẻ ưu tiên “luồng xanh” vận tải được làm giả.
Luật sư Cường cũng cho biết, trường hợp xác định được lái xe sử dụng giấy từ giả có thể khởi tố hình sự với tội làm giả và sử dụng giấy tờ giả theo Điều 341 Bộ Luật hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, nếu xác định được trách nhiệm của chính quyền, phải kỷ luật cán bộ.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp quản lý lái xe, luật sư Cường cho rằng, nếu xác định được lỗi của doanh nghiệp sẽ xử phạt với mức phạt gấp đôi so với lái xe. Cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm khi lái xe sử dụng giấy tờ giả.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, hiện nay Sở GTVT TPHCM và một số địa phương đang có dịch chỉ phối hợp và cấp phép đưa người dân về quê đối với trường hợp được UBND các địa phương đồng ý tiếp nhận người có nhu cầu cấp thiết về quê. Do đó, việc nhiều tài xế lén lút chở người từ vùng dịch là hành vi vô cùng nguy hiểm trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Với hành vi vi phạm này, tài xế điều khiển xe và cả các cá nhân tự ý thuê xe về quê có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020 với mức phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Nếu xe có người mắc COVID-19 dẫn đến lây lan dịch bệnh thì người điều khiển phương tiện chở người từ vùng dịch về quê không đúng quy định và cả người bị nhiễm COVID-19 có thể bị xử lý hình sự theo Điều 240 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp