Số vụ tai nạn lao động chết người trong ngành than đáng báo động
Vụ tai nạn lao động tại công ty Than Hòn Gai – TKV xảy ra tại đường lò mức -135, phân xưởng 2, Cao Thắng vào khoảng 18/40 ngày 17/9 làm hai người tử vong, một người bị thương đã khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa, nhưng xảy ra tai nạn lao động trong ngành than không làm nhiều người ngạc nhiên. Bởi vụ tai nạn ở công ty Than Hòn Gai chỉ làm dày thêm danh sách những vụ tai nạn lao động ngành than tại Quảng Ninh.
Thống kê của Phòng An toàn, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), từ đầu năm 2016 đến ngày 17/8, toàn Tập đoàn xảy ra 12 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 14 người tử vong. Thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2016 đến nay (tháng 8/20160, các doanh nghiệp ngành than hoạt động trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn, làm 15 người chết. Chỉ trong tháng 8 đã xảy ra 5 vụ tai nạn lao động khiến 6 công nhân tử vong. Trước đó, theo thống kê, năm 2015, tỉnh Quảng Ninh đã xảy 17 vụ TNLĐ tại các mỏ thuộc ngành than làm chết 20 người. Năm 2014 là 22 vụ và 27 người chết, năm 2013, ngành than đã xảy ra 26 vụ tai nạn lao động, làm chết 30 công nhân. Năm 2012 là 30 vụ và 34 người chết.
Biết rằng, hoạt động khai thác than trong hầm lò luôn tiềm ẩn những rủi ro và những vụ tai nạn lao động đều không ai mong muốn. Nguyên nhân có muôn hình vạn trạng như do khai thác trong hầm lò, nơi nguồn tài nguyên nằm sâu hơn trong địa tầng, cấu trúc địa chất phức tạp... Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn lao động trong ngành than lại xuất phát từ nguyên nhân chủ quan do người lao động và cán bộ chỉ huy sản xuất chưa chấp hành nghiêm túc nội quy kỷ luật lao động; vi phạm quy định, quy trình sử dụng vận hành thiết bị khi làm việc, tổ chức sản xuất chưa hợp lý, chưa thực hiện tự chủ an toàn khi đi lại, làm việc trong hầm lò.
|
Nhiều vụ tai nạn ngành than đã xảy ra. |
Vụ tai nạn mới đây tại đường lò mức -135, phân xưởng 2, Cao Thắng (công ty Than Hòn Gai – TKV) xuất phát từ nguyên nhân mà theo báo cáo của lãnh đạo Công ty là khá bất ngờ: “Ca 2 ngày 17/9, nhóm công nhân được giao nhiệm vụ đào gương DV -135. Đến khoảng 18h30, nhóm công nhân cùng Phó quản đốc và thanh tra viên an toàn ngồi nghỉ ăn cơm giữa ca tại đường nối mức -135 thì bất ngờ có một khối lượng nước, đất đá ở đoạn thượng mức -130/-50 trôi xuống gây tai nạn”.
Vụ tai nạn tại Công ty Than Mạo Khê vào lúc 19h30 ngày 2/8, tại khu Tây Bắc II, ở mức – 230 cũng đặt ra nhiều vấn đề về công tác an toàn trong lao động: “Khi nhóm thợ Phân xưởng Đào lò 4 của Công ty gồm 3 công nhân Vũ Đình Khanh, Đỗ Thành Luân và Đinh Xuân Khánh đang củng cố, xúc đá gương lò xuyên vỉa quay nam khu Tây Bắc II mức -230 đã cuốc phải mìn còn sót lại lẫn trong đất đá. Mìn nổ khiến anh Khánh tử vong tại chỗ, anh Luân và anh Khanh bị thương phải đưa đi cấp cứu”.
Vụ tai nạn xảy ra tại công ty Than Mông Dương vào ngày 30/7 lại đặt ra vấn đề về sự chủ quan trong lao động của chính công nhân, khi tại công trường đào lò 2, công nhân Nguyễn Văn Định bị ngạt khí khi đi vào ngã ba giữa cúp tời và lò thượng bán xiên mức -115 đến -60. Đường lò này đã ngừng hoạt động có rào lưới hẳn hoi nhưng không hiểu sao công nhân này vẫn bước chân vào.
Nhiều nguyên nhân xuất phát từ việc chủ quan của người lao động dễ dàng nhận thấy qua các vụ tai nạn lao động xảy ra tại phân xưởng Khai thác 6, Công ty Than Hạ Long, công nhân bị thương vong do tuột tời trục kéo vật liệu khiến tích phía sau và các thanh ray lao tự do từ trên đường trục xuống dưới, vượt qua barie chân trục và đập vào đầu 3 công nhân. Hay vụ tai nạn xảy ra tại khai trường Công ty CP than Núi Béo ngày 26/8 khiến một công nhân tử vong, nguyên nhân do công nhân khi tiến hành sửa chữa điện thì bất ngờ bị ngã xuống moong khai thác than bị đuối nước và tử vong.
Đáng chú ý nhất là vụ tai nạn xảy ra tại mỏ than Cao Sơn (Công ty CP than Cao Sơn) vào ngày 8/5/2016 khiến hai công nhân tử vong. Nguyên nhân do hai công nhân trên đang ngồi trên máy xúc xúc đất đá lên ô tô thì tầng đất ở trên bị sạt lở; đất đá đổ xuống chèn ép làm biến dạng cabin máy xúc dẫn đến hai công nhân tử vong ngay trong cabin của máy xúc. Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động này, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chỉ đạo ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với những cán bộ có liên quan: Ông Phạm Quốc Việt - Phó Giám đốc kỹ thuật; Bùi Phi Hùng - Trưởng phòng an toàn; Nguyễn Ngọc Dũng - Trưởng phòng kỹ thuật và cán bộ kỹ thuật trực tiếp lập, ký duyệt hộ chiếu thiết kế; cùng các quản đốc phân xưởng, phó quản đốc phân xưởng; phó quản đốc trực ca và cán bộ kỹ thuật phân xưởng... để phục vụ công tác điều tra. Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Ninh trong quá trình làm việc cũng nhận thấy những vi phạm về quy trình kỹ thuật khai thác lộ thiên, tuân thủ an toàn bị buông lỏng và rất nhiều sai phạm liên quan bị phát giác. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và kiến nghị lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh chuyển Công an tỉnh, sớm điều tra và khởi tố vụ việc gây mất ATLĐ ở Công ty CP than Cao Sơn.
Khi nào lãnh đạo ngành than hết đau đầu vì các vụ TNLĐ?
Bên cạnh việc khó khăn trong vấn đề thị trường tiêu thụ, vấn đề khiến các lãnh đạo ngành than đau đầu khi có tháng phải nhận thông tin đến 5 vụ tai nạn khiến 6 công nhân tử vong (tháng 8/2016). Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành than trong công tác an toàn lao động. Khi xảy ra các sự cố tai nạn, TKV cũng đã nhiều lần họp rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác an toàn. Nhiều giải pháp được đưa ra như chỉ đạo các đơn vị hầm lò phải tổ chức phổ biến cụ thể diễn biến, nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa sự cố gây tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra đến tất cả người lao động. Các đơn vị để xảy ra TNLĐ nghiêm trọng phải tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh, xử lý kỷ luật những người có liên quan... Đặc biệt, đầu tư nhiều cho công tác an toàn lao động như trong 6 tháng đầu năm, 42 đơn vị thuộc TKV đã đầu tư trên 461,66 tỷ đồng (đạt 50,5% kế hoạch năm) cho công tác an toàn vệ sinh lao động.
Trao đổi với PV Kiến Thức, nhiều lãnh đạo công ty Than cũng quả quyết “Trong sản xuất khai thác, công tác an toàn luôn được đặt lên hàng đầu”.
Mới đây, ngày 19/9 khi làm việc với PV Kiến Thức, ông Đàm Đức Hân, Phó giám đốc Công ty than Hòn Gai cũng khẳng định rằng: “Phía công ty làm về vấn đề khảo sát và an toàn mỏ rất kỹ. Chúng tôi có phòng ban kỹ thuật chuyên trách về an toàn mỏ”.
|
Những vụ tai nạn lao động làm ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất của nhiều công nhân. |
Trong một lần trả lời phỏng vấn PV Kiến Thức sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động tại công ty, ông Phạm Hồng Lương, Bí thư Đảng ủy, Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần than Cao Sơn từng quả quyết: “Công tác liên quan biện pháp an toàn chúng tôi phải làm thường xuyên, hàng ngày, chứ không phải đến lúc xảy ra rồi mới làm như các cụ nói là "Mất bò mới lo làm chuồng" thì không phải. Bởi chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền, giao ban chúng tôi vẫn có nhắc, về đơn vị vẫn triển khai. Tuy nhiên, tai nạn vẫn xảy ra và trách nhiệm vẫn thuộc người quản lý".
Ông Nguyễn Xuân Thụy, Chánh văn phòng Công ty than Vàng Danh cũng từng khẳng định, việc sản xuất của công ty luôn phải đặt vấn đề an toàn lao động lên hàng đầu.
“Hiện nay công ty có 6.200 lao động và 58 đầu mối phòng ban phân xưởng. Một năm, chúng tôi, tổ chức tập huấn 2 lần về an toàn lao động cho các công nhân lò, khám sức khỏe 2 lần cho các công nhân, nếu trường hợp không đủ điều kiện sức khỏe, chúng tôi sẽ đưa ra ngoài lò. Hàng năm, công ty đầu tư nhiều tỷ đồng về an toàn lao động như hệ thống cảnh báo khí, phòng cháy chữa cháy, quần áo bảo hộ lao động... Làm nghề mỏ thì rất nguy hiểm”, ông Thụy cho hay.
Nhưng tiếc rằng, liên tục trong thời gian qua, Công ty Than Vàng Danh cũng là đơn vị xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nhất.
Nỗ lực của ngành than trong việc đầu tư thiết bị giám sát, đồ bảo hộ lao động, các cảnh báo an toàn sẽ không đủ để giải quyết bài toán tai nạn lao động nếu không chú ý chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao ý thức người lao động cũng như tư duy quản lý trong công tác an toàn lao động.