Làng resort ven biển
Lão ngư Nguyễn Đức Tâm, nhà ven biển Điện Dương, kể, khu resort ven biển từ Đà Nẵng vào Hội An dài hơn 30 km cách đây 18 năm là khu rừng dương phòng hộ chắn sóng biển và chắn gió mỗi mùa mưa bão.
Đất mặt biển nhanh chóng được cấp cho các đại gia. Hàng nghìn hộ dân phải nhường đất, lùi sâu vào các khu dân cư. Toàn bộ chiều dài đất mặt biển với những bãi cát trắng và rừng dương được các đại gia ồ ạt xây khu nghỉ dưỡng 5 sao. Dự án resort nhiều đến nỗi được phân lô mặt biển giống như những khu tái định cư. Khác chăng là diện tích mỗi lô giao cho nhà đầu tư hàng chục ha và mặt biển dài hàng nửa km.
|
Chính quyền Hội An chi hàng chục tỷ đồng để kè chắn nhưng sóng vẫn đánh tan. |
Để phục vụ du lịch, một tuyến đường ven biển nối Đà Nẵng - Hội An cũng được đầu tư xây dựng. Nó được mệnh danh là con đường 5 sao, bởi dọc đường huyết mạch đó là rất san sát resort, khách sạn 5 sao hoành tráng.
Chỉ tính riêng địa phận Quảng Nam, khu vực giáp Đà Nẵng (thuộc huyện Điện Bàn kéo dài đến Cửa Đại, Hội An) là hàng chục resort hạng sang, với số tiền đầu tư lên tới hàng chục triệu USD.
Khi các khu resort hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, thì cũng là lúc các ông chủ ăn ngủ không yên. Đó là bởi, mỗi khi tới mùa mưa bão, sóng biển bắt đầu càn quét và tấn công xâm thực, cuốn trôi cả nhà cửa đất đai.
|
Kè chắn bằng bê tông bị sóng biển xé toạc, cuốn trôi hàng trăm tỷ đồng ra biển. |
Ném tiền qua Cửa Đại
Để cứu bờ biển Cửa Đại và những khu resort hàng trăm triệu USD, chính quyền tỉnh Quảng Nam và những ông chủ bắt đầu cuộc chạy đua xây kè chắn sóng ven biển. Nhiều người dân Hội An cho rằng họ đang ném tiền tỷ ra biển mà không hề tính toán hiệu quả.
Cuộc đua xây kè chắn ven biển bắt đầu từ năm 2009 đến nay. Mạnh ai nấy làm. Các ông chủ resort, khu nghỉ dưỡng đầu tư hàng chục tỷ đồng thuê xe chở đá tảng đổ xuống bờ biển để chắn sóng tự cứu mình. Còn chính quyền Hội An bắt đầu chạy theo con nước, cứ thế cọc tre, bao tải cát sạt đâu làm kè ở đó.
Giờ, nhìn bờ biển Cửa Đại chẳng khác gì chiếc áo vá chằng vá đụp, rách đâu vá đó. Sạt lở vẫn cứ lan dần, và sau mỗi đợt mưa bão, bờ biển Cửa Đại lại bị sóng biển xé toang. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, máy móc chở cát xây kè chắn sóng mà kết quả thu được giống như dã tràng xe cát lấp biển.
Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Dũng cho biết chính quyền Hội An đã đầu tư xây kè bằng bê tông để gia cố bờ biển, sau đó là kè mềm bằng bao địa mua từ Hà Lan.
Theo ông Dũng, nhẩm tính việc đầu tư xây kè chắn từ năm 2011 đến nay, ngân sách tỉnh, trung ương và TP đã ném vào khu vực bờ biển Cửa Đại hơn 82 tỷ đồng nhưng vẫn không giữ được. Hiện ngân sách đang duyệt chi khoảng 25 tỷ nữa để tiếp tục xây dựng kè mềm đối với 650 m bờ biển đang sạt lở.
|
Các đại gia chi tiền tỷ để chở đá tảng về đổ xuống biển cứu tài sản hàng trăm tỷ đồng bên trong bờ, nhưng vẫn không ăn thua. |
|
Mỗi mùa mưa bão Hội An huy động nhân lực dùng bao cát chắn sóng. |
Ngoài ra, UBND TP. Hội An xin chuyển 80 tỷ đồng đã được phê duyệt xây kè ở phía nam Cửa Đại qua nạo vét luồng lạch để lấy cát bơm vào khu vực sạt lở, may ra mới cứu được bờ biển Cửa Đại tránh khỏi cơn cuồng nộ của thủy thần.
Chưa kể, số tiền mà các công ty bỏ ra tuy không được tiết lộ song cũng lên đến nhiều tỷ đồng.
Nhưng xem ra việc “đội đá vá trời” này cũng không mấy hiệu quả.
Trong đợt mưa lớn vừa qua, Cửa Đại bị xâm thực nghiêm trọng. Theo thống kê ban đầu, hơn 400 m bờ biển đã bị sóng ngoạm sâu trên 20 m khiến nhiều nhà hàng, khu nghỉ dưỡng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Một đoạn bờ biển sát vườn dừa Cửa Đại dài hơn 500 m đã được kè bằng bao địa Hà Lan khá kiên cố cũng bị sóng đánh tan hoang và có thể phải mở một cửa biển mới.
Cuộc chiến chống lại thủy thần nơi bờ biển Cửa Đại khá cam go và đầy thách thức. Các chuyên gia nước ngoài khẳng định, nếu triển khai các giải pháp hữu hiệu sẽ rất tốn kém, sơ bộ cũng lên đến 1.200 tỷ đồng. Trong khi chờ nguồn kinh phí đầu tư, bờ biển Cửa Đại tiếp tục bị sóng biển nuốt chửng khiến nhiều khu resort đang dần trôi ra biển mà không thể cứu vãn được.