Làm giả phiếu xét nghiệm COVID: Hám lợi... có “bóc lịch“?

Google News

Nhiều đối tượng lợi dụng dịch bệnh để mua bán, sử dụng giấy đi đường, phiếu xét nghiệm PCR  SAR-CoV-2 giả hòng qua các chốt kiểm dịch đã phải nhận cái kết đắng.

Ngày 12/8, Công an thành phố Bắc Ninh đã tạm giữ Trần Tấn Dương (34 tuổi, trú tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp), là Giám đốc Văn phòng Công ty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân (địa chỉ phường Vân Dương, TP Bắc Ninh) vì có hành vi bán phiếu giả kết quả xét nghiệm COVID-19.
Lợi dụng dịch để trục lợi
Đối tượng Dương đã làm giả giấy xét nghiệm test nhanh, xét nghiệm PCR của các bệnh viện để bán cho các lái xe ra vào vùng có dịch. Cho tới khi bị bắt quả tang, Dương khai nhận đã bán được hơn 150 tờ giấy xét nghiệm giả.
Trước đó, ngày 10/8, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã triệt phá đường dây làm giả phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 với 9 đối tượng  hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Nghi phạm cầm đầu đường dây là Phan Đình Hải (25 tuổi, ở xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Hải đã làm giả giấy xét nghiệm COVID-19 để bán cho nhiều người nhằm mục đích kiếm lời.
Lam gia phieu xet nghiem COVID: Ham loi... co “boc lich“?
Đối tượng Trần Tấn Dương tại cơ quan công an thành phố Bắc Ninh.
 
Tại tỉnh Đồng Tháp, Công an TP Sa Đéc cũng lập hồ sơ điều tra đối với Trần Hoàng Ý (SN 1989, ngụ xã Tân Phú Đông) vì làm phiếu kết quả xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2 để bán cho người có nhu cầu với giá chỉ 30.000 đồng.
Tại Hà Nội, Công an quận Thanh Xuân cũng phát hiện 3 thanh niên là T.Đ.L (SN 1993), Đ.V.B (SN 1987) và Đ.H.T (SN 1993), trú tại quận Hoàng Mai sử dụng giấy đi đường qua chốt kiểm soát dịch phường Hạ Đình. Quá trình xác minh cho thấy, các đối tượng đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại cửa hàng cầm đồ ở đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Đối mặt với án phạt tù
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên cơ quan chức năng áp dụng một số biện pháp hạn chế đi lại của người dân vì lợi ích chung là phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, có một số người sử dụng giấy tờ không đúng quy định nhằm hợp thức hoá thủ tục để được qua chốt kiểm soát dịch vì lợi ích cá nhân.
"Lợi ích thì chưa thấy đâu, còn hậu quả thì đã nhìn thấy là ngoài việc bị xử phạt hành chính thì họ còn có thể bị xử lý hình sự về hành vi vi phạm của mình. Ngoài ra, bản thân họ cũng có nguy cơ bị mắc bệnh cũng như làm lây cho người thân" - luật sư Cường nói và cho biết, trong trường hợp các cơ quan, tổ chức cấp giấy đi đường cho người không làm việc tại đơn vị có thể bị xử lý hình sự về hành vi giả mạo trong công tác theo quy định tại Điều 359 BLHS.
Nếu doanh nghiệp phát hành những tờ giấy đi đường bỏ trống rồi mang bán hoặc tặng cho những người không phải là cán bộ công nhân viên của cơ quan, đơn vị để họ điền thông tin vào rồi tham gia giao thông thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo điều 359 bộ luật hình sự năm 2015.
"Mặc dù con dấu trên giấy là đúng, nhưng lại sai về mặt nội dung, do người được cấp giấy không làm việc tại cơ quan, tổ chức đó và cũng không thực hiện nhiệm vụ được ghi ở trên giấy. Bởi vậy, trong trường hợp này giấy tờ được cấp sẽ được xác định là giấy tờ giả" - luật sư Cường cho biết.
Đối với người sử dụng giấy đi đường, họ biết đây là giấy không hợp lệ nhưng vẫn dùng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng có thể bị xử lý hình sự về hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo luật sư Cường, trong trường hợp những người sử dụng giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19 giả thì cả người mua và người làm giả giấy này sẽ bị xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức.
Cụ thể, người mua cung cấp thông tin để các đối tượng làm các loại giấy này thì có thể xử lý về hành vi giúp sức trong việc làm giả, vì nếu không có thông tin của họ thì không có giấy tờ giả đó. Còn nếu người mua là người đặt vấn đề, khởi xướng việc làm giả giấy tờ thì sẽ bị xử lý là chủ mưu.
Cũng theo luật sư Cường, trường hợp người dân mua giấy tờ giả về tự điền thông tin cá nhân của mình vào nhằm mục đích thực hiện hành vi vi phạm thì cũng có thể bị xử lý về hành vi làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức.
“Hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức, cụ thể là từ 6 giấy đi đường hoặc giấy xét nghiệm COVID-19 trở lên sẽ bị xử lý hình sự theo điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 và có thể bị xử phạt lên tới 7 năm tù” – luật sư Cường nói và cảnh báo, người đi đường đừng vì thiếu hiểu biết, cẩu thả mà coi thường pháp luật để đi mua giấy tờ giả, vì khi bị phát hiện thì có thể bị phạt tù chứ không chỉ là phạt hành chính. Còn đối với các cơ quan, tổ chức vì lợi nhuận mà cung cấp, bán giấy tờ không đúng cho người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự.
>>> Mời quý độc giả xem video: Truy tố 10 bị can trong vụ cấp bằng giả tại trường đại học Đông Đô

Nguồn: ANTV


Hiểu Lam - Văn Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)