Sự “móc ngoặc” của ba bên để lấy tiền Nhà nước
Thời gian gần đây, trong các vụ án lớn được Cơ quan Điều tra xác minh, Tòa án xét xử thường có bóng dáng của các công ty thẩm định giá. Mô típ thường thấy là công ty thẩm định giá đưa ra một mức giá “khống”, chênh lệch nhiều lần so với giá trị thực tế. Qua đó chủ đầu tư và bên bán dựa vào con số “ảo” đó để hưởng lợi, gây thiệt hại số tiền lớn cho Nhà nước.
Gần đây nhất là vụ việc bắt tạm giam ông Nguyễn Xuân Hanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cùng 6 bị can khác liên quan đến việc nâng khống giá cây xanh, gây thiệt hại cho Nhà nước 30 tỷ đồng. Ở vụ án này, bị can Nguyễn Thị Ngọc Lâm (nguyên thẩm định viên Công ty cổ phần định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam) bị xác định giúp sức cho các đối tượng trong quá trình hợp thức hóa mức giá khống cho các loại cây xanh.
Bị can Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (trái) và Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Hay xa hơn, một loạt các vụ án liên quan đến sai phạm khi mua thiết bị y tế ở các bệnh viện lớn như Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đều có bóng dáng của việc thẩm định giá “lệch lạc”, nâng khống, tô hồng hồ sơ để có mức giá vượt quá thực tế nhiều lần. Điển hình như vụ ở bệnh viện Bạch Mai, công ty BMS nhập hệ thống robot về Việt Nam có giá 7,4 tỷ đồng. Nhưng khi trúng thầu với bệnh viện Bạch Mai, con số này được định giá lên tới 39 tỷ đồng (gấp 5,5 lần).
Nói về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cho rằng, có sự móc ngoặc ba bên rất rõ giữa bên mua, bên bán và công ty thẩm định giá để hưởng lợi, đặc biệt là trong các gói thầu có yếu tố Nhà nước.
“Ví dụ như trong vụ án cây xanh, hay thiết bị y tế vừa rồi ở Hà Nội, giá trị của cây xanh hoặc thiết bị y tế ta hình dung là 1 đồng. Khi tiến hành thẩm định giá với nhau, các vị nâng khống lên thành 3 đồng, 5 đồng. Họ thông qua thủ tục thẩm định giá để nâng khống giá lên. Khi bên mua và bên bán giao dịch với nhau, họ chỉ giao dịch 1 đồng thôi, còn con số dư ra thì chia chác nhau để hưởng lợi”. – Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho biết.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương
Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, các công ty thẩm định giá không phải do trình độ chuyên môn quá kém, đến mức thẩm định giá sai nhiều lần, mà ở đây thường là cố tình làm sai để trục lợi từ Nhà nước.
“Các công ty thẩm định giá có trách nhiệm phải thẩm định mức giá đúng với giá thực tế. Nếu họ không làm đúng với nghĩa vụ này sẽ dẫn tới vi phạm pháp luật. Trên thực tế đã có nhiều cán bộ của các công ty thẩm định giá phải ra hầu tòa. Câu chuyện ở đây là nhiều vị cố tình làm không đúng, để rút tài sản của Nhà nước. Chứ không phải trình độ chuyên môn kém đến mức thẩm định giá sai gấp nhiều lần. Đặc biệt là vấn đề thẩm định trong đấu thầu và mua bán tài sản Nhà nước.” – Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nhận định.
Cần có đơn vị thẩm định giá độc lập, khách quan
Cùng quan điểm như trên, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nhận định, lỗi thẩm định giá không phải là do thiếu kiến thức hay thiếu thông tin đối chiếu, mà xuất phát từ lỗi cố ý.
“Họ liên kết với nhau để chiếm đoạt tiền của Nhà nước; định giá, hợp thức hóa các hoạt động tham nhũng. Nếu thực sự là sai sót về mặt chuyên môn thì sẽ sai sót ít thôi, không đến mức chênh lệch gấp nhiều lần, nhiều chục lần như vậy”. – Trung tướng Trần Văn Độ cho biết.
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao
Trung tướng Trần Văn Độ nhận định, ở các vụ án kể trên có sự kết hợp giữa bên mua, bên bán và bên thẩm định. Hậu quả cuối cùng là tài sản của Nhà nước bị thiệt hại, gánh nặng đè lên người dân.
Để khắc phục tình trạng trên, Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng, phải kết hợp nhiều biện pháp. Trong đó, đặc biệt cần có phương pháp để lựa chọn ra cơ quan thẩm định độc lập, trong các dự án đấu thầu liên quan đến tài sản của Nhà nước. Cơ quan thẩm định độc lập này sẽ không liên quan gì đến bên mua và bên bán, mà chỉ có trách nhiệm định giá sao cho khách quan nhất.
Bên cạnh đó, hiện nay luật Đấu thầu vẫn còn những kẽ hở để các đối tượng có thể “lách luật” nhằm trục lợi. Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng, để hạn chế các vụ án tương tự thì cần sửa luật theo hướng chặt chẽ hơn, bịt kín các kẽ hở và tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước./.