Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ nằm cách hồ Phú Ninh (xã Tam Sơn, huyện Núi Thành) chỉ vài chục mét. Đây được xem là "chiếc nôi" giáo dục của huyện Phú Ninh. Trường hiện có 324 học sinh học ở 5 cơ sở, riêng điểm trường chính có 88 em.
Vì đã xây dựng khá lâu, trường xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, nhiều phụ huynh và học sinh liên tục phản ánh tình trạng trên bởi lo lắng cho con em mình phải học trong "vùng nguy hiểm".
|
Nhiều hạng mục trường bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Công An Đà Nẵng. |
"Không riêng gì phụ huynh học sinh, các thầy cô giáo nhà trường vẫn luôn bất an. Một khi trường đã quá cũ, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng cũng đành "làm liều" vì không dạy ở đây thì biết dời đi đâu.
Nhiều phụ huynh còn góp ý là nên cho các em học sinh đội mũ bảo hiểm để học. Nghe ý tưởng đó của các phụ huynh mà cười ra nước mắt vì dạy học chứ có phải tham gia giao thông đâu mà phải đội mũ bảo hiểm. Nhưng như thế, nó phản ánh đúng thực trạng những gì đang diễn ra tại trường", thầy Nguyễn Đại Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Theo lời thầy Ngọc, chúng tôi khảo sát một vòng quanh trường mới thấy được sự "kiên cường" của các thầy cô và học sinh nhà trường vì có thể "bám trụ" để dạy học qua nhiều năm.
Nhiều phòng học xuống cấp nghiêm trọng, tường bị bong tróc, rêu mốc, hệ thống cửa sổ bị bể kính, nhà trường phải thay bằng cửa gỗ nhưng vẫn còn nguyên dấu những vết đục làm tường nứt nẻ; đặc biệt mái ngói ở các phòng học bị bể nát phải chắp vá để tránh mưa…
"Trường xuống cấp theo thời gian, không đảm bảo an toàn nhưng các thầy cô giáo vẫn cố tìm mọi cách để khắc phục. Nhiều lúc đang dạy học thì ngói lợp ở trên bỗng dưng bị bể rơi xuống khiến cô trò giật mình", cô Nguyễn Thị Lập kể.
Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ vốn là trụ sở của trường THCS Quang Trung cũ. Trước đây, vì nằm gần lòng hồ và thường xuyên bị ngập nên trường THCS Quang Trung được đầu tư xây mới gần trụ sở UBND xã, nhường dãy cũ lại cho Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Dãy có 9 phòng nhưng chỉ sử dụng được 3 phòng làm phòng học cho 4 lớp từ lớp một đến lớp 5.
"Học sinh đông nhưng ít phòng học nên phải tận dụng các phòng để có thể đảm bảo chất lượng dạy học. Thế nhưng, thực tế trường hư hại nặng nên việc dạy học gặp vô vàn khó khăn. Ngoài những phòng đang dạy còn tới 6 phòng đã quá cũ, nhà trường khóa kín cửa và dán thông báo khu vực nguy hiểm để cấm học sinh vào, nhưng các thầy cô vẫn rất lo vì học sinh hiếu kỳ", cô Lập cho biết.
Thầy Đặng Ngọc Kiểm, Phó hiệu trưởng nhà trường kể, giữa tháng 11/2016, vì thời tiết mưa gió, một căn phòng sinh hoạt là nơi tập trung nấu ăn của các thầy cô giáo bị sập, hư hại hoàn toàn. Rất may, vì phòng sập vào ban đêm, không có rủi ro lớn.
"Sáng sớm đến trường như mọi khi nhưng hôm đó chứng kiến cảnh hoang tàn của phòng sinh hoạt làm các thầy cô giáo một phen thót tim. Mới hôm qua vẫn còn tập trung sinh hoạt mà sau một đêm, căn phòng đã trở thành đống đổ nát. Sau vụ đó, tâm lý thầy cô và học sinh càng bất an hơn.
Trước thực trạng này, nhiều phụ huynh tự động ủng hộ để trường thay mái ngói cũ nát bằng việc lợp tôn. Nhưng giải quyết vấn đề cũ lại nảy sinh vấn đề mới, bởi đến lúc trời mưa, các giáo viên có hét khàn giọng thì học trò cũng chẳng nghe gì", thầy Kiểm cho hay.
Cũng theo thầy Kiểm, những vấn đề tồn tại, nhà trường đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương và đã sớm có chính sách xây mới trường nhưng đến nay chính quyền xã vẫn chưa giải quyết xong vấn đề giải tỏa mặt bằng.
Ông Lê Bá Tri, Phó chủ tịch UBND xã Tam Sơn cũng thừa nhận chính quyền xã đã nắm được tình hình của trường nhưng vướng mắc lớn nhất vẫn là việc đền bù cho các hộ dân khi giải tỏa mặt bằng.
Hiện tại, 6 hộ dân chưa chấp thuận về chuyện đền bù. Sắp tới, xã sẽ gấp rút giải quyết để sớm xây trường mới, giúp thầy trò an tâm dạy học.
Được xây từ năm 1917 và đưa vào sử dụng năm 1921, THPT Châu Văn Liêm tại Cần Thơ (tiền thân là Collège de Can Tho) là ngôi trường cổ nhất của thành phố này.