Như đã thông tin, sáng 14/1, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.Hà Nội phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phát hiện Công ty rau củ quả Trung Thành (địa chỉ tại xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) cung cấp một số lượng rau và thực phẩm không rõ nguồn gốc cho một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội).
|
Rau bẩn được “chế biến” thành rau an toàn rồi tuồn vào trường học (ảnh minh họa). |
Được biết, Công ty rau củ quả Trung Thành là đơn vị có hợp đồng cung ứng thực phẩm sạch cho nhiều trường tiểu học, mầm non tại quận Tây Hồ.
Trao đổi với báo chí sau đó, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - cho biết, Công ty rau củ quả Trung Thành được xác nhận có giấy phép sản xuất, canh tác rau sạch đến tháng 10/2016. Khi ký hợp đồng, các trường đã yêu cầu Công ty rau củ quả Trung Thành cam kết cung cấp thực phẩm sạch. Tuy nhiên, khi hàng được giao lại cho trường thì lại trộn lẫn 3 phần rau sạch, 7 phần rau bẩn.
Ông Thống cho rằng, trong vụ rau bẩn vào trường học, thầy, trò chỉ là nạn nhân. Trách nhiệm thuộc về công ty cung cấp thực phẩm đã làm ăn gian dối.
Liên quan đến sự việc trên, luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh - cho rằng, hành vi "biến" thực phẩm không rõ nguồn gốc thành thực phẩm sạch cung cấp cho các trường mầm non, tiểu học là hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh nghiêm trọng.
“Nếu việc doanh nghiệp cung cấp thực phẩm rau củ quả không rõ nguồn gốc, hoặc mua rau bẩn “hô biến” thành rau sạch rồi cung cấp cho các trường mầm non, tiểu học là đúng thì tôi cho rằng đây là hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh nghiêm trọng.
Chúng ta đều biết, đối tượng học ở các trường mầm non, tiểu học là trẻ em. Đây là đối tượng được xã quan tâm và bảo vệ đặc biệt, đã được luật hóa. Việc bảo vệ các em là trách nhiệm của toàn xã hội.
Việc doanh nghiệp cung cấp thực phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc thực phẩm bẩn sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như sự phát triển của các em. Đây là việc làm rất đáng bị lên án và cần phải xử lý nghiêm”, luật sư Trần Tuấn Anh nhìn nhận.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh cho biết: Nếu cơ quan chức năng xác định được doanh nghiệp có hành vi cung cấp thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc cho các trường, trái với cam kết ban đầu với nhà trường thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Lừa dối khách hàng” theo quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Với hành vi này, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Khung hình phạt cao nhất đối với hành vi “Lừa dối khách hàng” lên tới 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt tiền với mức phạt từ 3 triệu đến 30 triệu đồng.
Trong trường hợp hành vi trên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì doanh nghiệp vẫn có thể bị xử lý về vi phạm hành chính với mức phạt bị phạt tối đa lên tới 80 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là lương thực, thực phẩm theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm và buộc khắc phục hậu quả “nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”.
“Khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi trên mà doanh nghiệp vẫn tiếp tục tái phạm thì được xem là một trong những tình tiết để xem xét khởi tố hình sự về hành vi Lừa dối khách hàng”, luật sư Trần Tuấn Anh cho biết.