Kỳ lạ nơi đói ăn mặc không sợ bằng nỗi sợ “con ma ăn người“

Google News

Thứ đáng sợ nhất đối với bà con không phải là đói ăn, đói mặc, mà là ma tuý. Sợ đến nỗi bà con ở đây gọi ma tuý là "con ma ăn người".

Chỉ “hút chơi” thôi…
Bản Piêng Lâu, xã Na Loi (huyện Kỳ Sơn) nằm lọt thỏm giữa khe núi. Dù xung quanh có suối, có rừng cây song cái nóng hầm hập của mùa hè vẫn ập vào từng căn nhà, bức bối. Đang mùa đi làm nương, không có mấy người lớn ở nhà. Chúng tôi đi khắp bản chỉ gặp vài người phụ nữ và trẻ con đang ở gầm cầu thang để tránh nóng.
May mắn gặp trưởng bản Lừ Văn Di (SN 1983) vừa đi làm nương về. Trò chuyện với chúng tôi, anh Di cho hay: Bản Piêng Lâu có 88 hộ dân, 100% là người Thái. Trong đó có 65 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo, có 7 hộ thoát nghèo vì là cán bộ xã, bản. Ở đây năm nào cũng có tới mấy chục hộ nhận gạo cứu đói của Chính phủ. Con em hầu hết chỉ học tới lớp 9 là nghỉ đi làm công nhân hay làm nương phụ giúp bố mẹ. Nhưng đói nghèo không phải là điều anh Di và bà con của bản sợ nhất.
Ky la noi doi an mac khong so bang noi so
Chồng bị nghiện nên chị Khà Thị Bạ ở bản Piêng Lâu trở thành lao động chính trong gia đình. L.S Ảnh nhỏ: Bản cam kết không hút thuốc phiện của các hộ có người nghiện. Ảnh: L.S 
“Trước đây, ở bản chẳng có người nào nghiện ma tuý. Giờ thì 5 người nghiện ma tuý ghi trong danh sách của xã đều thuộc bản của tôi. Mới đầu, ma tuý do anh Lường Văn Phăn theo vợ chuyển từ bản khác về năm 1996. Biết chuyện Phăn nghiện ma tuý, cả bản không cho về đây sinh sống đâu, sau được bố vợ là người uy tín trong bản đứng ra bảo lãnh, Phăn mới được ở lại. Hỏi thì Phăn cũng bảo chỉ hút chơi chứ không phải nghiện. Hút chơi thế mà cũng có thêm 4 thanh niên khác trong bản bị rủ rê nghiện theo. 2 năm trước Phăn vào tù vì tội tàng trữ và sử dụng ma tuý. Ra tù, Phăn lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”, cán bộ xã và trưởng bản đến nhà vận động cai nghiện, Phăn cũng trốn mất” – anh Di cho hay.

Do thói quen trồng và sử dụng thuốc phiện từ hàng trăm năm trước nên trong nhiều bản làng của huyện Kỳ Sơn, vẫn còn rất nhiều người nghiện. Theo thống kê của Phòng LĐTBXH huyện, tính đến tháng 6.2016, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 679 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì số người nghiện trên thực tế lớn hơn nhiều.

Đến nhà Lường Văn Phăn, không biết anh ta đã đi đâu từ sớm, chỉ có vợ là Lường Thị Són ở nhà. Ngôi nhà chẳng có gì giá trị ngoài quần áo, nồi niêu, chăn màn… Hỏi chồng chị có bị nghiện không, nghiện bao lâu rồi, một tuần hút mấy lần, chị Són chỉ lắc đầu bảo không biết.
“Không biết chồng làm gì đâu. Nhưng nuôi được con lợn, con gà lớn lớn tí là bị chồng mang đi bán. Cả nhà 5 mẹ con chỉ ăn cơm trắng với măng muối quanh năm suốt tháng thôi. Nhiều khi còn chả có gạo mà ăn. Đứa đầu mới học hết lớp 9 cũng phải nghỉ học, đi làm công nhân kiếm tiền nuôi cả gia đình” – chị Són giãi bày.
Bập vào ma tuý, cùng chung cảnh nghèo như anh Phăn chị Són là gia đình vợ chồng Lương Văn Thắng. Thắng (SN 1984) đang tuổi lao động, vốn khoẻ mạnh thế mà nay vật vờ như một cái bóng. Vợ Thắng, chị Khà Thị Bạ (SN 1988) trở thành lao động chính trong nhà, gánh vác việc lớn việc nhỏ và nuôi 2 đứa con nhỏ.
Hỏi về chồng, chị Bạ không giấu được sự tủi thân: “Cả ngày không biết anh Thắng lang thang ở đâu, tối mới mò về nhà. Em bảo đi cai bao nhiêu lần, 2 vợ chồng nhiều lần cãi nhau nảy lửa. Nhưng anh ấy cứ chối không nhận là mình bị nghiện. Đến bây giờ, vẫn cứ như thế thôi. Anh ấy làm khổ mẹ con em lắm”.
Nghiện là mất chế độ hộ nghèo
Để hạn chế sự lây lan của “con ma ăn người”, bản Piêng Lâu đã đề ra quy ước, những hộ nào có người nghiện ma tuý sẽ đưa ra khỏi diện nghèo, cắt các khoản hỗ trợ của Nhà nước.
Theo trưởng bản Lừ Văn Di, bản đã cùng nhau thống nhất trong hương ước năm 2010 như vậy. Bản đã thống nhất nên tất cả các hộ gia đình đều ký vào bản cam kết. Các hộ có người nghiện cũng phải ký, nhưng chủ yếu là vợ ký, chứ chồng nghiện chẳng bao giờ dám ló mặt đi họp bản. Hộ nào nghiện tức là vi phạm quy ước, chiếu theo sẽ bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng.
“Cực chẳng đã mới phải làm như thế, hộ khác họ mới thấy được nghiện ngập khổ như thế nào. Người nào muốn chết thì cứ đi theo, ma tuý là con ma ăn người chứ chẳng chơi. Gia đình, con cái cũng bị vạ lây theo. Chẳng biết bao giờ mới thoát nghèo được” – anh Di cho hay.
Vì chính sách như thế nên cuộc sống các hộ có người nghiện trong bản càng thêm chật vật. Gia đình Lương Văn Xiềng thuộc hộ nghèo, nhưng vì nghiện nên cả bản biểu quyết cắt xuống thành hộ cận nghèo. Tất cả các hỗ trợ như dầu, muối, gạo cứu đói, hỗ trợ sản xuất đều bị cắt. Không có tiền đóng học, đứa con trai đầu của Xiềng bỏ học ngang lớp 9, vào Bình Dương làm công nhân. Đứa em sau đó cũng bỏ học rồi sang Lào làm thuê. Chị Lương Thị Si (SN 1978) - vợ Xiềng vừa làm nương vừa tranh thủ dệt thổ cẩm để bán kiếm thêm tiền. Si bảo, cũng không biết chồng nghiện từ bao giờ.
“Bản đã quyết định như thế, mình cũng phải tuân theo thôi. Nhưng đã nghèo thế rồi, còn cắt hỗ trợ nữa nên gia đình càng vất vả. Chồng chẳng bao giờ thừa nhận là bị nghiện. Mình cũng chưa thấy chồng hút thuốc phiện ở nhà bao giờ, nên cũng chẳng thế nào khuyên nhủ được. Chỉ biết cố làm thêm cái này, cái nọ để nuôi con thôi” - chị Si bộc bạch.
Theo ông Vi Văn Khuôn - Chủ tịch UBND xã Na Loi, thống kê của lực lượng công an và biên phòng thì trên địa bàn xã chỉ có 5 người nghiện, tập trung ở bản Piêng Lâu.
“Ở đây họ không gọi là nghiện, hỏi họ cũng chỉ bảo là hút chơi thôi. Chỉ nắm được đối tượng nghiện lâu năm bên công an cung cấp thôi, còn các đối tượng hút chơi thì chịu. Việc cho các hộ có người nghiện ra khỏi diện hộ nghèo là ý kiến các bản tự đưa ra, tự làm quy ước thống nhất đưa lên xã xác nhận. Xã có 6 bản thì cả 6 đều làm quy ước như vậy. Chính quyền xã và trưởng bản cũng nhiều lần vận động quyết liệt các đối tượng nghiện đi cai nhưng tới nay vẫn chưa có đối tượng nào thoát nghiện” – ông Khuôn nói.
Mời quý độc giả xem video Hầm bí mật của biệt động Sài Gòn (nguồn VTV):
Theo Dân Việt

Bình luận(0)