Tiền tỉ với 1.001 kiểu trang trí lòe loẹt phản cảm
Nhiều năm trước, mặc dù rất tốn công của để chỉnh tran đường phố đón xuân nhưng nhiều hạng mục của Hà Nội bị chê là lòe loẹt xanh đỏ, thiếu thẩm mỹ. Thậm chí có người gay gắt cho rằng kiểu trang trí đường phố phản cảm này gây ô nhiễm ánh sáng và hơn thế đang làm dung tục hóa thẩm mỹ của thủ đô.
Trong số những hình ảnh lòe loẹt phản cảm, trước Tết Nguyên đán năm ngoái, người Hà Nội còn được một phen mắt tròn mắt dẹt với kiểu trang trí “hoa rau muống khổng lồ” ngay tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục gần hồ Gươm. Người dân bức xúc, báo chí lên tiếng mớ “hoa rau muống” đã bị dỡ bỏ ngay trước tết.
|
Dàn đèn trang trí nhiều người cho là lòe loẹt trên đường Phạm Ngọc Thạch, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: T.P |
Năm nay để hạn chế tình trạng này, lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Nội cho biết đã tổ chức cuộc thi phát động cuộc thi trang trí chiếu sáng thành phố. Cuộc thi đã thu hút được 28 tác phẩm. “Những mẫu trao giải sẽ được trang trí chiếu sáng ở rất nhiều khu vực quan trọng như ngã ba Tràng Tiền, Hàng Bài, trước cửa Cung Văn hóa, khu vực sân vận động quốc gia Mỹ Đình…Việc trang trí này sẽ được làm thí điểm từng khu vực chứ không làm hàng loạt để có thể điều chỉnh cho phù hợp. Các quận, huyện có nhu cầu trang trí đường phố cũng phải có phương án đề xuất với sở, tránh trường hợp mạnh ai nấy làm như kiểu “trăm hoa đua nở”, lòe loẹt xanh đỏ giống như mọi năm báo chí phản ánh”, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội thông báo tại cuộc họp báo cuối năm 2016.
Tuy thế, việc trang trí thủ đô đón tết vẫn phần nào gây ra chút hồi hộp với người dân.
Trong khi đó, một lần nữa chuyện trang trí lòe loẹt lại tiếp tục “nóng” tại TPHCM. Nhiều tuyến đường chính tại trung tâm TPHCM được trang trí đèn hoa đủ màu sắc đón năm mới từ đầu năm đến nay, song dư luận lên tiếng chê thiếu thẩm mỹ và rối mắt.
Nhiều tuyến đường ở quận 1, quận 3 và một số quận lân cận đều đã được trang trí đèn hoa đón năm mới. Trong đó, tuyến đường Phạm Ngọc Thạch được trang trí với màu sắc chủ đạo là vàng và đỏ với họa tiết gồm hoa mai kết hợp xen kẽ hoa đào. Ngoài ra, các dãy đèn còn có những vòng tròn màu đỏ được vẽ bao quanh hoa mai và lặp lại nhiều lần trên dải đèn hoa trang trí. Các tuyến đường Lê Duẩn, Lê Lợi, Đồng Khởi… cũng được đánh đèn hoa với những hình ảnh cách điệu hoa mai, hoa đào, hoa sen, sao vàng, nón lá, chợ Bến Thành, sóng biển…
|
Nhiều ý kiến cho rằng, đèn trang trí tết trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) chói mắt, như mê cung. |
Đừng để “ai thích gì làm nấy”!
Bên cạnh ý kiến cho rằng việc trang trí đèn đường đẹp và dày đặc hơn mọi năm, cũng có không ít người cho rằng cách thiết kế và cách trang trí đèn hoa trên tuyến đường này quá đơn điệu, rối mắt vì có quá nhiều chi tiết, che mất tầm nhìn của con đường và khiến phố xá như chật chội hơn. Các họa tiết trang trí cũng bị cho là màu mè, lòe loẹt, thậm chí, hơi quê mùa. Một số hình đèn được trang trí ở tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ quận 3 sang quận 1) cũng bị coi là đánh đố, khó hiểu. Khung đèn có hình dạng tháp ngược, có chỗ lại trông như lồng bàn. Nhiều người cho rằng họ không thể hiểu được ý nghĩa của những khung đèn này và họ cũng không cảm nhận được không khí năm mới. Công trình đèn đường sử dụng kinh phí từ nguồn xã hội hóa, với đơn vị chủ trì thực hiện là Công ty Viễn Đông, phối hợp cùng Công ty tiếp thị Vi Na. Tổng số kinh phí thực hiện không được công khai, song khá tốn kém.
Mấy ngày nay dư luận bàn tán xôn xao về con rồng hình thù cổ quái xuất hiện trên một đường phố Hải Phòng. Trên thực tế, con rồng trên đường Lê Hồng Phong đã tồn tại từ lâu, được tạo hình bằng cây xanh, từng là niềm tự hào của người dân thành phố cảng. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà đơn vị thi công đã dùng hoa giả màu vàng bọc kín con rồng này, phá vỡ tạo hình vốn có của cây và biến con rồng trở thành một con vật dị dạng.
Sau khi cộng đồng mạng lên tiếng, báo chí vào cuộc, ngày hôm qua, 8.1, UBND TP. Hải Phòng đã quyết định tháo dỡ “công trình dị dạng này”.
Trao đổi với Lao Động, PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: Thẳng thắn nhìn nhận thì những năm qua chúng ta đã quá lãng phí thời gian, tốn kém vật chất để trang trí đường phố nhưng lại không đạt kết quả tương xứng. Bản chất địa văn hoá, tinh thần văn hoá không đẹp dần lên trong mắt người dân và khách quốc tế khi đến Việt Nam mỗi dịp lễ tết. Quan niệm thiết kế “bộ mặt” thành phố, theo tôi có lẽ chưa được quy hoạch tử tế, vẫn làm mang nặng tính “ai thích gì làm nấy”, để rồi nhìn một cách tổng thể chung trên cùng một tuyến phố hoàn toàn không ăn nhập gì với nhau. Tôi gọi đó là cuộc khủng hoảng, hay bi kịch của sự phát triển ngày nay.
Để thành phố đẹp hơn trong những dịp tết về là điều đâu phải quá khó, dùng đúng người đúng việc, luận bàn thật kỹ và thực hiện mọi thứ sao cho tiết kiệm, vừa phải, không quá “lố” chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ từ người dân”.