Kiến nghị Bộ Quốc phòng điều tra vi phạm tại Tổng Công ty Thái Sơn

Google News

(Kiến Thức) - Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp nhận hồ sơ để xem xét, điều tra, xử lý các vi phạm trong việc góp, chuyển nhượng và quản lý vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng (Thái Sơn Bộ Quốc phòng) và chỉ ra hàng loạt sai phạm của công ty này liên quan đến việc giả mạo hồ sơ, chuyển nhượng đấu thầu sai quy định, trốn thuế...
Đáng chú ý, TTCP cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm của Tổng Công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng trong việc góp vốn, chuyển nhượng và quản lý vốn chủ sở hữu tại Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P.
Cụ thể, theo kết luận thanh tra, ngày 5/8/2009, Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng có Quyết định về việc góp vốn đầu tư bằng nguồn vốn tự có tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng trị giá 10,2 tỷ đồng tương đương 51% vốn điều lệ.
Trong đó, uỷ quyền cho ông Đinh Ngọc Hệ, Phó Tổng Giám đốc đại diện quản lý 21% và ông Cung Đình Minh, Tổng Giám đốc quản lý 30% vốn điều lệ của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.
Kien nghi Bo Quoc phong dieu tra vi pham tai Tong Cong ty Thai Son
Ngày 1/11/2018, tòa phúc thẩm Tòa án quân sự Trung ương tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ - Út trọc 10 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ và hai năm tù về tội sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, việc này không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vi phạm quy định tại Khoản 6, Điều 16 Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Thái Sơn ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BQP ngày 22/1/2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Năm 2013, Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng thay đổi đăng ký kinh doanh với nội dung tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ lên 120 tỷ đồng, theo đó, số tiền tương ứng Tổng công ty Thái Sơn đăng ký góp vốn là 24 tỷ đồng. Thực tế, đến thời điểm thanh tra, Tổng công ty Thái Sơn đã đăng ký góp vốn với tổng số tiền là 34,2 tỷ đồng nhưng không thực góp. Việc làm này là vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 11, Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 về việc góp vốn điều lệ theo thời hạn đăng ký kinh doanh.
Mặt khác, theo sổ sách kế toán của Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, tại thời điểm tăng vốn điều lệ (năm 2013) từ 20 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng, các cổ đông Công ty chưa góp đủ vốn, đến năm 2016 mới góp đủ 120 tỷ đồng bằng tiền mặt (do các cá nhân gồm: Bà Lê Thị Thảo góp 37,2 tỷ đồng, bà Vũ Thị Hoa góp 41,4 tỷ đồng, bà Vũ Thị Hoan góp 41,4 tỷ đồng). Việc góp vốn điều lệ không đúng và đủ theo thời hạn đăng ký kinh doanh là vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 11, Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11, theo đó, việc thực hiện góp vốn bằng tiền mặt, không phát sinh giao dịch bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng là thiếu khách quan và minh bạch.
Tháng 11/2012, Chủ tịch Tổng công ty Thái Sơn có quyết định về việc chuyển nhượng số cổ phần nói trên tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng cho cá nhân là bà Lê Thị Thảo trị giá 6,4 tỷ đồng. Việc ký hợp đồng chuyển nhượng được thực hiện cùng ngày 28/11/2012, sau đó được bà Thảo nộp bằng tiền mặt và ghi tăng phần vốn góp của bà Thảo tương ứng tỉ lệ và giá trị nhận chuyển nhượng tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, khi kiểm tra, Thanh tra phát hiện việc chuyển nhượng cổ phần này không có biên bản họp Đại hội cổ đông, thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, không đúng như thỏa thuận thanh toán bằng chuyển khoản, vi phạm quy định tại Điều 6, Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 về thanh toán bằng tiền mặt.
Tiếp đó, tháng 10/2017, Chủ tịch Tổng công ty Thái Sơn tiếp tục có quyết định về việc chuyển nhượng toàn bộ 20% cổ phần còn lại với giá trị chuyển nhượng là 25,2 tỷ đồng, cũng được bán chỉ định (không thông qua đấu giá công khai) cho bà Lê Thị Thảo đang là cổ đông hiện hữu theo Hợp đồng chuyển nhượng ngày 05/10/2017, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 31 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13, nguy cơ thất thoát vốn của Nhà nước.
Từ đó, TTCP cho rằng, việc Tổng công ty Thái Sơn chuyển nhượng, thanh toán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng là không đúng quy định, thiếu công khai, minh bạch; Tổng công ty Thái Sơn chưa làm đúng vai trò Chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, trong đó có nhiệm vụ thanh kiểm tra và đánh giá Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty theo quy định tại Khoản 7, Điều 16, Quyết định số 15/2007/QĐ-BQP ngày 22/1/2007 của Bộ Quốc phòng.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc Lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn và các đơn vị, cá nhân liên quan.
Từ đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp nhận hồ sơ để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định đối với các vi phạm trong việc góp, chuyển nhượng và quản lý vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.
TTCP cũng kiến nghị Bộ Quốc Phòng thực hiện và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm được nêu tại Kết luận thanh tra; chấn chỉnh công tác quản lý vốn của Bộ tại các doanh nghiệp. Chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc Bộ tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm như Kết luận thanh tra đã nêu theo quy định.
Đồng thời kiến nghị Tổng công ty Thái Sơn tiếp tục rà soát, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân thuộc thẩm quyền tại Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên; chấn chỉnh công tác quản lý vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị liên danh, liên kết có vốn góp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)