|
Đại tá Phùng Danh Thắm - Ảnh: T.V.N. |
Chỉ đến khi Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Út "bộ trưởng" - tức Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn - Bộ Q.P (gọi tắt là Công ty Thái Sơn, trụ sở chính 32 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP.HCM) tháng 12-2017, ông Hệ mới được xác nhận từng làm phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) - nơi đại tá Phùng Danh Thắm là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn.
Công ty liên kết hay thành viên?
Sau khi ông Đinh Ngọc Hệ bị bắt tạm giam, lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau đã phủ nhận sự hiện diện cũng như sự "liên đới" của ông Hệ tại doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng này, dù thừa nhận Tổng công ty Thái Sơn có vốn góp tại Công ty Thái Sơn.
Trong một lần trao đổi với Tuổi Trẻ tại hội nghị công đoàn khối của Tổng công ty Thái Sơn tổ chức vào tháng 4-2018, ông Phùng Danh Thắm khi đó đã phủ nhận Công ty Thái Sơn là thành viên của Tổng công ty Thái Sơn.
Ông Thắm cho rằng "công ty đó (tức công ty của ông Hệ - PV) chỉ là một trong những công ty liên kết của Tổng công ty Thái Sơn với thời gian rất ngắn, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại".
Một lãnh đạo có thẩm quyền khác của Tổng công ty Thái Sơn còn khẳng định việc ông Hệ đăng ký tên doanh nghiệp trên giấy phép đăng ký kinh doanh là Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn - Bộ Q.P "là có mục đích xấu, muốn dùng ảnh hưởng tên tuổi của Tổng công ty Thái Sơn để gây hiểu lầm cho đối tác và đã được chúng tôi yêu cầu sửa tên".
Nhưng theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trước khi được điều động từ Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC - thuộc Quân chủng Phòng không - không quân) về Tổng công ty Thái Sơn vào năm 2009, ông Hệ đã thành lập Công ty Thái Sơn, đăng ký hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực từ đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng, quốc phòng, khai thác khoáng sản đến vận tải hàng hóa, khai thác kho bãi logistics, phân phối bia - rượu - nước giải khát, kinh doanh nhà hàng, khách sạn... với 10 chi nhánh khắp cả nước.
Và Tổng công ty Thái Sơn đã góp 20% vốn điều lệ vào Công ty Thái Sơn từ những ngày đầu thành lập.
Đến năm 2016, Tổng công ty Thái Sơn mới bổ nhiệm ông Hệ làm phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại và chỉ cách chức ông này sau khi bị cơ quan điều tra khởi tố.
Còn theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, dù Tổng công ty Thái Sơn khẳng định đã thoái hết 20% vốn điều lệ tại công ty của ông Hệ vào ngày 2-10-2017 nhưng theo biên bản họp đại hội cổ đông được tiến hành vào ngày 2-12-2017 (tức trước một ngày ông Hệ bị bắt - PV), cổ đông đại diện tỉ lệ vốn góp (tương ứng 2,4 triệu cổ phần) được Tổng công ty Thái Sơn ủy quyền thực hiện việc chuyển nhượng là ông Cung Đình Minh, cùng ông Đinh Ngọc Hệ, vẫn đồng sở hữu số cổ phần này.
Trớ trêu hơn, việc Tổng công ty Thái Sơn thực sự từng sở hữu 20% vốn điều lệ thông qua hình thức vốn góp, sau đó được "quy đổi" thành tiền mặt trị giá 25,2 tỉ đồng trong quyết định thoái vốn là có thật.
Nhưng một phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn lại khẳng định "không góp vốn, chỉ nắm là nắm thế thôi, kiểu đăng ký thế thôi chứ không có tiền bạc gì cả (!)".
|
Đồ họa: VĨ CƯỜNG |
Mắt xích "Thái Sơn - Yên Khánh - Đức Bình"
Trong khi chờ cơ quan điều tra xác định những vi phạm của ông Hệ, không thể phủ nhận nếu không có sự "mập mờ" là công ty thành viên của Tổng công ty Thái Sơn và "sức mạnh quan hệ", một loạt công ty "con" của ông Hệ khó lòng trúng được những hợp đồng BOT đình đám.
Theo thông tin riêng của Tuổi Trẻ, giữ mối liên hệ mật thiết với ông Đinh Ngọc Hệ tại Công ty Thái Sơn là bà Vũ Thị Hoan, giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh).
Bà Hoan cũng chính là người nắm 3% (tương ứng 360.000 cổ phần) tại Công ty Thái Sơn do ông Hệ giữ vai trò chủ tịch HĐQT. Không chỉ vậy, chị gái bà Hoan là Vũ Thị Hoa cũng có 5% cổ phần tại Công ty Thái Sơn.
Sau khi trúng thầu một loạt dự án BOT có quy mô đầu tư rất lớn, Công ty Thái Sơn tiếp tục góp mặt trong các liên danh nhà thầu một số dự án khác.
Cụ thể, liên danh nhà đầu tư gồm Công ty Thái Sơn - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) và Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình - Cái Mép đã đề xuất Thành ủy và UBND TP.HCM xem xét, cho phép được nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái (nối Q.2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) theo hình thức BOT kết hợp BT.
Và khá bất ngờ, khi tìm hiểu đến Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình (TP.HCM), theo thông tin chúng tôi có được, bà Vũ Thị Hoa tiếp tục "có chân" trong công ty, nắm tới 45% vốn điều lệ, tương ứng 225.000 cổ phần.
Trong khi ông Đinh Ngọc Hùng, chủ tịch HĐQT - một "mắt xích" khác trong gia đình ông Hệ, chịu "lép" hơn khi chỉ giữ 26% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.