Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận Thanh tra về việc Công ty cổ phần Sandals (chủ đầu tư khu du lịch sinh thái Đôi Dép) đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất ở, đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Chủ đất cho Công ty cổ phần Sandals thuê và dính sai phạm là ông Trần Ngô Phúc Vũ - Chủ tịch ngân hàng Nam Á Bank và bà Lê Uyên Phương.
|
Yêu cầu xử lý vi phạm liên quan đến 3.596 m2 đất ở tại Khu du lịch sinh thái Đôi Dép. |
Có thể chuyển sang cơ quan điều tra?!
Tham gia tư vấn, phản biện về vụ việc trên, TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp nhấn mạnh: Đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo khai thác loại tài nguyên đặc biệt này.
Theo TS.LS Đặng Văn Cường, một trong những nguyên tắc sử dụng đất là phải sử dụng đúng mục đích, việc thay đổi mục đích sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền cho phép. Với các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, cho thuê kinh doanh không đúng quy định của pháp luật dẫn đến hủy hoại đất hoặc ảnh hưởng đến môi trường, đến việc chấp hành pháp luật về đất đai thì cơ quan chức năng có quyền xử lý bằng các chế tài của pháp luật.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và kết quả xác minh của cơ quan chức năng thì đã có hành vi vi phạm về đất đai, cụ thể là vi phạm về chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, vi phạm quy định về xây dựng, cho thuê đất để khai thác và mục đích kinh doanh. Căn cứ vào Kết luận thanh tra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ từng hành vi vi phạm của các chủ thể để tiến hành xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cũng cho biết, chủ sử dụng đất có các quyền chuyển đổi chuyển nhượng cho thuê, thừa kế thế chấp… Theo quy định của pháp luật. Nếu là đất thuê của Nhà nước thì chỉ được cho thuê lại nếu như cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Trong vụ việc này,
Kết luận thanh tra chỉ ra sai phạm của nhiều tổ chức, cá nhân.
Trong trường hợp phát hiện ra có sai phạm trong việc sử dụng đất đai thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý đất đai thế nào? Nếu người sử dụng đất có sai phạm lớn, diễn ra thời gian dài mà không kịp thời phát hiện xử lý thì cũng cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai.
Quản lý đất đai có sự phân cấp, phân quyền từ Chính phủ, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Mỗi cấp chính quyền lại có các cơ quan chuyên môn về đất đai, cơ quan thanh tra để xem xét phát hiện xử lý cũng như thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Địa phương nào xảy ra vi phạm về sử dụng đất, ngoài việc xử lý đối với các chủ thể vi phạm thì cần làm rõ vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý cũng như đối với các chủ thể sử dụng đất để xử lý theo quy định của pháp luật (trong trường hợp này chủ thể sử dụng đất là ông Trần Ngô Phúc Vũ – PV).
Bởi vậy, sau kết luận thanh tra, hồ sơ có thể được chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét nếu có dấu hiệu tội phạm. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi sai phạm của từng chủ thể trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và sử dụng đất đối với dự án này trên tinh thần sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó.
Theo quy định tại Theo Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép từ 3 ha trở lên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 250.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu. Nếu vi phạm nhiều lần, người sử dụng đất đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể còn bị thu hồi đất và xử lý hình sự theo điều 228 Bộ luật Hình sự.
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai quy định
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng báo cáo, khu đất thực hiện dự án có tổng diện tích 46.491m2 (gồm 42.795m2 đất nông nghiệp và 3.596m2 đất ở nông thôn) thuộc 25 thửa đất của ông Trần Ngô Phúc Vũ và bà Lê Uyên Phương đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau khi diện tích đất nêu trên được phê duyệt quy hoạch để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái Đôi Dép, chủ sử dụng đất đã tiến hành xin chuyển mục đích sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích 42.795m2 đất nông nghiệp nêu trên.
Tiếp đó, Công ty cổ phần Sandals mới ký hợp đồng thuê quyền sử dụng đất đối với thửa đất nói trên để thực hiện dự án. Đến ngày 4/12/2019, sau khi thuê đất, Công ty cổ phần Sandals làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc sử dụng đất ở nông thôn cho Công ty Sandals thuê để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái Đôi Dép đến thời điểm thanh tra, chưa lập thủ tục đăng ký biến động đất đai theo quy định, vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Các báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trường hợp Công ty Sandals thuê quyền sử dụng đất từ cá nhân thì cá nhân phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trước khi cho Công ty Sandals thuê đất theo quy định.
Việc dự án thuê đất đang thuộc mục đích đất ở của cá nhân, sau đó chuyển đổi là sai quy định.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc người sử dụng đất, chủ đầu tư thuộc dự án khu du lịch sinh thái Đôi Dép khẩn trương hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai đối với diện tích 3.596m2 đã sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ nhưng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục.
Từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có 5 văn bản gửi Công ty Sandals để đôn đốc, hướng dẫn công ty thực hiện các thủ tục liên quan đến sai phạm trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định. Tuy nhiên, Công ty Sandals vẫn chưa thực hiện.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) nói về Luật Đất đai (sửa đổi):