Những năm gần đây việc cơ giới hóa nông nghiệp ở nước ta được đẩy mạnh, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ ngày càng mạnh mẽ. Người trẻ ngày nay làm nông nghiệp bằng máy móc, ít thấy cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau. Còn lớp trẻ ở thị thành chỉ biết con trâu, con bò qua phim, sách, ảnh… Ấy vậy mà rất nhiều người không biết nông dân Việt Nam điều khiển trâu, bò như thế nào để cày, kéo.
|
Nông dân Việt có nhiều cách điều khiển trâu, bò khác nhau. |
Tìm hiểu của PV, ở các tỉnh khu vực miền bắc như Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nam… muốn điều khiển trâu, bò rẽ sang trái thì nông dân sẽ nó là “diệt”, còn muốn sang phải thì nói “vặt” hoặc “bở”, dừng lại nói “họ”.
Ở khu vực miền Trung các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Huế thì muốn con trâu qua phải gọi là “tắc”, qua trái là “rì”, dựng lại là “họ” hoặc “hò”.
Vào bên trong một chút như các tỉnh Quảng Nam, Quãng Ngãi thì qua trái là “ví quanh”, qua phải là “thá quanh”, dừng lại cũng là “họ”.
Ở tỉnh Đồng Tháp – vựa lúa Việt Nam khi muốn trâu, bò qua phải nói là “quanh”, qua trái nói là “vò”, đứng lại là “họ”.
Còn ở khu vực Tây Nguyên như tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc thì qua phải là “tá tà”, qua trái là “ví” hoặc “dí”, dừng lại là “rì”.
Nhìn chung cách điều khiển trâu, bò của nông dân Việt rất đa dạng, tạo nên đặc trưng riêng của từng vùng đất. Và đương nhiên, khi nghe đúng cách điều khiển thì trâu, bò mới hiểu và đi đúng hướng con người mong muốn để phục vụ việc cày xới, canh tác.