Không đánh tráo người cách ly Covid-19, sao Chủ tịch công ty điện gió phải xin lỗi?

Google News

(Kiến Thức) - Từ việc Chủ tịch HĐQT công ty điện gió xin lỗi các cơ quan chức năng khiến dư luận đặt câu hỏi: “Nếu không đánh tráo người cách ly Covid-19 như công văn Công ty CP Điện gió Hướng Tân đề cập, sao Chủ tịch công ty điện gió phải xin lỗi?”.

“Ông L.T.H., Chủ tịch HĐQT một công ty điện gió đã gửi lời xin lỗi đến các cơ quan chức năng tỉnh vì ông và nhóm người cùng công ty đã gây ra nhiều khó khăn và phiền phức cho các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc cách ly. Đồng thời hứa với ban lãnh đạo trung tâm sẽ chấp hành tốt việc cách ly”.
Thông tin trên mới đây được ông Trương Huyền Trường - Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị trao đổi với báo chí trong bối cảnh vụ việc Chủ tịch HĐQT công ty điện gió trên đang bị xác minh thông tin đã đẩy nhân viên đi cách ly Covid-19 thay mình đang thu hút sự chú ý của dư luận mấy ngày qua.
Trước đó, vào tối ngày 8/3, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị nhận được thông tin 4 người ở Hà Nội đi cùng chuyến bay VN1547 từ Hà Nội vào Huế (chuyến bay có bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 30) vào ngày 6/3/2020 sau đó đi xe riêng từ sân bay Phú Bài đến Khe Sanh huyện Hướng Hóa.
Ngay sau đó, ngành y tế phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan đã tìm kiếm và đưa 4 người về địa điểm theo dõi, cách ly tại Bệnh viện Chuyên khoa lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị.
Khong danh trao nguoi cach ly Covid-19, sao Chu tich cong ty dien gio phai xin loi?
Việc cách ly diễn ra từ tối 8/3. Ảnh: Zing. 
Sự việc gây lùm xùm dư luận khi ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh viêm phổi Covid-19 tỉnh này, xác nhận 1 trong 4 trường hợp cách ly trên sau khi đi cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ Hà Nội vào Huế đã bị "đánh tráo" và người tự ý đánh tráo là ông L.T.H - Chủ tịch HĐQT một Công ty điện gió.
Thông tin từ ông Hoàng Nam không phải không có cơ sở khi trao đổi với báo chí sau đó, Trưởng Công an huyện Hướng Hóa Hồ Sỹ Nhung cho biết, thời điểm tối 8/3, khi nhân viên y tế gọi tên ông L.T.H đi cách ly thì có người bịt khẩu trang lên xe về trung tâm. Lực lượng chức năng sau đó phát hiện người này không phải ông L.T.H. mà là ông Phạm Đình H. (nhân viên công ty) nên liên lạc. Lúc này ông L.T. H. mới đến trình diện, cách ly vào trưa 9/3.
Tuy nhiên điều bất ngờ, Bí thư tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng khi trao đổi với báo chí ngày 9/3 đã khẳng định không có việc Chủ tịch HĐQT một công ty điện gió có dự án tại huyện Hướng Hoá cho nhân viên đi cách ly thay, như thông tin trước đó trên phương tiện truyền thông.
Ngay lập tức, Công ty CP Điện gió Hướng Tân đã ra văn bản dẫn lời Bí thư tỉnh Quảng Trị như trên để phủ nhận thông tin Chủ tịch công ty cho nhân viên cách ly do nghi nhiễm Covid-19.
Văn bản cho biết, ngày 6/3, đoàn công tác của công ty gồm các ông L. T.H., N.M.Đ., N.T.L., N.B.S. có mặt trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội vào Huế và không biết trên chuyến bay có hành khách nhiễm Covid-19. Sau khi xuống sân bay, các thành viên trong đoàn đi ô tô của công ty và lưu trú tại một khách sạn ở huyện Hướng Hóa.
Công văn nêu rõ, 21h00 ngày 8/3, đoàn cán bộ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Quảng Trị đến khách sạn thông báo có hành khách nhiễm bệnh trên máy bay và đề nghị cách ly đoàn theo quy định. Các thành viên đã tự nguyện cách ly ngay trong đêm. Riêng ông H. và 1 lái xe tự đến địa điểm cách ly, làm các thủ tục và khai báo tình trạng y tế với cơ quan phòng chống dịch Quảng Trị. Trong thời gian trên, ông H. chỉ tiếp xúc với lái xe, có ý thức cách ly riêng, lái xe đi cùng cũng tình nguyện thực hiện cách ly tại bệnh viện.
“Công ty và cá nhân ông H. khẳng định đã làm đầy đủ theo các quy định và hướng dẫn, không có bất cứ biểu hiện của việc trốn tránh khai báo tình trạng y tế cá nhân cũng như cử người cách ly”, đại diện công ty CP Điện gió Hướng Tân nêu trong văn bản.
Đồng thời, cuối văn bản, công ty mượn lời Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng phát biểu trên báo chí để phủ nhận thông tin Chủ tịch công ty L.T.H. cho nhân viên cách ly thay mình.
Đáng chú ý, đến sáng 10/3, khi trao đổi với báo chí về sự việc trên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng lại cho biết, khi nhận được các thông tin mà nhiều cơ quan báo chí phản ánh về "vụ việc đánh tráo người", Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị, các cơ quan chức năng, xem xét, khẩn trương làm rõ để xử lý triệt để vụ việc, đúng quy trình. “Sẽ xử lý nghiêm dù bất kỳ người đó là ai, vì đây là vụ việc nghiêm trọng”, ông Hùng cho hay.
Từ những thông tin vụ việc trên đến lời xin lỗi của Chủ tịch HĐQT công ty điện gió trên khiến dư luận đặt câu hỏi: “Nếu không đánh tráo người cách ly Covid-19 như công văn Công ty CP Điện gió Hướng Tân đề cập, sao Chủ tịch công ty điện gió phải xin lỗi?”.
Đồng thời cho rằng, nếu có việc “đánh tráo người” cách ly thì cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bởi thực tế, thời gian qua, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Chính phủ cùng các Bộ, ngành địa phương đã kiên quyết, kịp thời, đồng bộ đưa ra nhiều giải pháp, ngăn chặn hiệu quả, đặc biệt là cách ly y tế từ rất sớm, huy động cả hệ thống chính trị tham gia với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Sự nỗ lực ấy đã mang lại những kết quả tích cực khi gần 1 tháng phát hiện ca nhiễm đầu tiên, Việt Nam chỉ có 16 ca dương tính với COVID-19 và đều được chữa khỏi, 22 ngày không có thêm ca nhiễm mới.
Thế nhưng chỉ một nữ hành khách (bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung, ca nhiễm thứ 17) thiếu ý thức, đã khai báo không trung thực, không chủ động khai báo với nhà chức trách để cách ly kịp thời khi bị nghi nhiễm Covid-19 đã làm lây nhiễm sang một số người, khiến hàng trăm người khác phải cách ly rải khắp các tỉnh thành, khiến các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai… phải căng mình, kiểm tra, khoanh vùng, khống chế, cách ly, điều trị…
Điều đó cho thấy, trong việc ngăn chặn dịch bệnh cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị rất cần sự ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân. Chỉ cần một cá nhân vô trách nhiệm, thiếu ý thức phòng chống dịch bệnh sẽ có thể để lại những hệ lụy khôn lường.
Dù sự việc “đánh tráo người cách ly” vẫn đang được cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ tuy nhiên với dư luận, hành vi này không thể chấp nhận được nếu có. Bởi trốn cách ly sẽ để lại mối nguy hại cho công đồng không kém gì hành vi của Nguyễn Hồng Nhung.
Như lời Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khi trao đổi với PV Kiến Thức nói rằng, cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ những trường hợp trốn cách ly, cho người khác đi cách ly thay mình và cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
"Người ta có thể làm giả, đánh tráo nhiều thứ để cầu lợi, cầu danh bất chấp thể diện, đạo đức... nhưng nếu làm giả, đánh tráo người cách ly y tế thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bởi nếu nhiều người thực hiện hành vi như thế này trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát, khó kiểm soát như hiện nay thì nguy cơ “vỡ trận” là rất cao, có thể ảnh hưởng đến tồn vong của cả một quốc gia, dân tộc chứ không chỉ là đơn giản là chuyện gian dối, khôn lỏi trong đời sống thường ngày", ông Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem video Cương quyết cách ly những người đến từ vùng dịch COVID-19:

Nguồn: VTV 24.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)