Những em bé lớn trong sương
Dưới cái lạnh không quá 9 độ C của trời Tây Bắc, sương vần vũ trước mặt, sau lưng, trên đầu và thấm cả vào gan bàn chân nghe buốt giá. Chúng tôi đã có một buổi giao lưu thú vị với người Mông ở vùng cao xã Háng Đồng. Nơi đây không có những bon chen đời thường, người dân đùm bọc, yêu thương nhau, cùng nhau vượt qua những mùa đông lạnh giá.
|
Xã Háng Đồng hay Tà Xùa ở Bắc Yên, Sơn La thường xuyên trong cảnh tầm nhìn dưới 2m như thế này. Ảnh: Dương Thu |
Cách trung tâm thị trấn Bắc Yên hơn 30km, xã Háng Đồng mang đến cảm giác ở trên thiên đường cho những ai từng đặt chân đến. Người đến lần đầu choáng ngợp và mê đắm, người đến những lần sau từ tốn tận hưởng. Còn với những ai chưa đến đây một lần thì quả là điều đáng tiếc của tuổi trẻ.
Đang quen với chăn ấm, đệm êm ở Hà Nội, trải nghiệm một đêm ngủ trong sương ở vùng cao này quả là cảm giác khó quên. Để giữ ấm cho cơ thể qua một đêm cũng là vấn đề lớn. Những chiếc áo to xù xì hay nhiều lớp chăn đắp chồng lên nhau dường như vô tác dụng. Bởi sương luồn qua các khe cửa, vào sâu tận trong những mái nhà sàn.
|
Những bếp lửa gắn kết yêu thương, xóa nhòa mọi khoảng cách vùng miền. |
Ăn ngủ với mây ở độ cao gần 2.000 mét so với mực nước biển, người Mông đã quen với cái lạnh thấu da thịt. Thế mà những đứa trẻ con chỉ manh áo mỏng, rách tả tơi, có đứa chân đất, cởi truồng vẫn cứ vui tươi hát ca và sinh sống bình yên trên mảnh đất này. Chúng lớn lên khỏe mạnh, giữ đất, giữ núi rừng cho người mình ở những vùng cao.
Một trong những cách chống rét hữu hiệu của người Mông nơi đây chính là nhóm bếp củi. Nhất là với những hôm trời xuống dưới 9 độ C, củi được đốt suốt cả ngày lẫn đêm. Cũng bởi củi quý giá là thế, nên hễ ngày nào lên nương làm rẫy, thường thấy sau lưng mỗi người một chiếc gùi.
|
Bếp củi có thể đốt cả ngày ở trong nhà để giữ ấm cơ thể. Ảnh: Dương Thu |
Dù lớn dù nhỏ, dù ít dù nhiều thì sản phẩm mang về sau một ngày làm việc cũng là những gùi củi khô được nhặt từ cành cây đã gãy lâu ở khắp các bìa rừng. Củi cũng quý như cơm như gạo, như quần áo mặc hàng ngày. Người già hay trẻ nhỏ, ở tuổi nào cũng đều có ý thức tích trữ củi cho mùa lạnh từ rất sớm.
Bếp củi nhóm yêu thương
Có những ngày, 10h sáng sương vẫn chưa kịp tan, tầm nhìn chỉ chừng 2m. Xe máy đi đường không dám bật đèn vì càng soi đèn, sương càng nhòa tầm nhìn. Cần một người có tay lái cứng, mắt tinh, xe vẫn cứ bò rì rì tìm đường. Cách tốt nhất để tránh va chạm với người đi phía trước hoặc ngược chiều là dùng còi.
Anh Long (bên phải ảnh) đang tận dụng bếp củi để nướng thịt phục vụ du khách. Phía sau là một biển mây giữa núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Dương Thu
Kể cả việc người dân nơi đây đã cẩn thận làm những chiếc lán riêng để chứa củi hay chất củi vào sâu trong một góc nhà cũng khó để giữ được củi khô những ngày mù sương như thế. Trời chỉ quang trong chốc lát đúng ngọ, ánh nắng là một điều thật xa xỉ. Đầu giờ chiều, sương đã tụ vẩn khắp không gian.
Nếu như ở dưới xuôi, nhóm một bếp củi là điều tương đối đơn giản, thì với những thanh củi “ngậm sương” như thế này, muốn nhen lên ngọn lửa lớn là "cả một nghệ thuật". Nghe tưởng như chuyện cười, nhưng khi chúng tôi tự tay nhóm củi mới thấy nhọc nhằn. Khói cay nhèm mắt, những chiếc củi vẫn cứ "vô hồn" trong giá lạnh. Càng quạt, khói càng bay mạnh như hun.
Vậy mà anh Long, một người dân sinh sống đã lâu ở mảnh đất này vẫn nhóm lên ngọn lửa hồng rực giữa đêm sương ấy. Thấy chúng tôi có phần ngạc nhiên, anh nói: “Nhóm được củi ở đây cũng là một nghệ thuật. Nghệ thuật nằm ở chỗ, phải kê làm sao cho cái củi trước gác lên cái củi sau, tạo những lỗ hơi thông thoáng để củi có thời gian bén.
Vì củi ướt nên phải mất thời gian khá lâu mới bén. Thêm vào nữa, phải lấy cái đã bén trước sấy cho cái củi ướt phía sau khô dần, rồi mới bén lửa tiếp được. Bí quyết nằm ở chỗ, phải vừa nhóm, vừa sấy củi chứ củi ướt mà nhóm thẳng thừng thì khó cháy lắm. Đấy, nghệ thuật là ở chỗ ấy”.
Nghe anh hướng dẫn ngỡ việc đơn giản, tôi xuýt xoa đôi tay tiến vào gần đống củi và học tập nhóm theo nguyên tắc “gác thông, sấy gối”. Nhưng dù đã cố hết sức vẫn chỉ thấy khói mù mịt lẫn trong sương đêm.
Anh Long cười hiền từ đầy cảm thông, chạy lại dùng một chiếc que nhỏ tời đống than đang khói mù mịt rồi khéo léo sắp lại cách gác củi. Chỉ một lúc sau, ngọn lửa lại hồng rực bập bùng trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Chúng tôi trầm trồ thán phục việc nhóm củi ướt của anh thì anh nói: “Ở đây lâu, ai cũng học được cách nhóm củi ướt, chẳng phải mình tôi”.
Quả thật, nếu chú ý quan sát một chút, dễ dàng nhận ra một đặc trưng của vùng cao là những bếp lửa quanh năm rực đỏ. Không có điều hòa nhiệt độ, gia đình nào có điều kiện lắm mới sắm được chiếc quạt sưởi nho nhỏ trong nhà, thay cho bếp củi. Bằng không, họ thổi bếp củi như thế cả đêm cả ngày.
Củi đốt ở mọi nơi, mọi lúc, từ trong nhà đến ngoài sân, trên nương. Thi thoảng trên con đường núi vòng vèo, hun hút không một bóng người lại thấy người mẹ địu con ngồi quanh một đống lửa nhỏ đốt ven đường. Có gia đình đi chợ sớm hay lên nương, lạnh quá cũng dừng lại, nhặt những cành củi ướt nhẹp bên bìa rừng mà cố nhen lên những ngọn lửa ấm áp. Họ đốt lửa để hơ chân tay, sấy quần áo, đun nước uống giữ ấm bụng dọc đường, hay đơn giản là nướng củ khoai, củ sắn cho bớt đói. Có khi lạnh quá, gia súc, gia cầm cũng cần đến những bếp lửa như thế để sống qua mùa đông.
Dịch vụ lạ
Đến với Háng Đồng có thể gặp nhiều người từ mọi miền Tổ quốc, từ tận Sài Gòn, Vũng Tàu... bay ra. Có gia đình “đưa nhau đi trốn”, dẫn theo cả con trai, con gái 5-6 tuổi... Tất cả cùng nhau ngồi bên đống lửa, du dương theo những bản tình ca Tây Bắc của chàng trai người Mông, cùng lắng nghe bao câu chuyện kỳ bí nhuốm màu huyền thoại.
Có đôi trai gái yêu nhau say đắm không thành duyên, mải miết tìm nhau trong gió trong sương rồi hóa đá thành huyền thoại. Có người cha cõng con băng qua đèo dốc hiểm trở, tìm bài thuốc quý chữa bệnh hiểm nghèo không thành, nước mắt chảy thành mây. Có người vợ mỏi mắt chờ chồng nhưng chồng bội bạc, giận dữ tạo nên ngọn thác như tiếng gào thét giữa những mù sương...
Những câu chuyện cổ tích ru đứa trẻ ngủ trên tay mẹ tự lúc nào. Cuộc sống như chưa bao giờ bình yên đến thế. Người xa lạ từ hai đầu đất nước cùng sát vai nhau quanh bếp lửa hồng, chia sẻ và nhen nhóm những yêu thương. Chỉ cần rời xa bếp lửa này vài mét, cái lạnh của sương đêm lại buốt đến từng thớ thịt. Mải mê quanh những câu chuyện của người bản mà trời sáng tự lúc nào.
|
Vào những ngày đẹp trời, biển mây tạo nên tiên cảnh ở Háng Đồng. Ảnh: Dương Thu |
Nhờ ngày càng nhiều du khách tìm đến mảnh đất này mà người dân có thêm thu nhập từ nhiều dịch vụ rất lạ. A Thuần, một người dân ở Háng Đồng chia sẻ: “Nếu có khách, mỗi tuần quay vài con lợn, nướng chục con gà là cuộc sống có thêm đồng ra đồng vào. Gà chạy đồi, lợn cắp nách thả rông trên nương nên thịt giòn, chắc, ngọt, hài lòng cả những thực khách khó tính nhất”.
Chỉ cần gọi điện trước cho A Thuần chừng 2 tiếng đồng hồ là lợn quay, gà nướng sẵn sàng. Giá lợn sẽ được tính tùy theo trọng lượng. Nếu là lợn sữa dưới 10kg, giá sẽ cao hơn. Không chỉ là món ăn hay những đêm huyền bí, đến với vùng cao Háng Đồng, người ưa khám phá, trải nghiệm có thể tìm thấy điều thú vị cho riêng mình từ những gì hoang sơ nhất, như chỉ là một đống củi khô ngậm sương ướt nhẹp...