5.321.839 người đã tiêm vắc xin COVID-19
Theo bản tin dịch COVID-19 tối 29/7 của Bộ Y tế cho biết, đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.321.839 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.825.209 liều, tiêm mũi 2 là 496.630 liều. Như vậy đến thời điểm hiện tại, có gần 500.000 người tiêm đủ 2 mũi.
Con số thống kê trên cho thấy, việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn rất khiêm tốn trong khi thống kê ngoại giao vắc xin của Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 25/7, tổng số vắc xin COVID-19 mà nước ta đã tiếp nhận là 14.227.310 liều từ các nguồn mua và tài trợ.
|
Tính đến ngày 29/7, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.321.839 liều. |
Tại Hội nghị trực tuyến về tiêm vắc xin COVID-19 sáng 29/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khi thông tin về tình hình tiếp nhận và phân bổ vắc xin cho biết, từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế đã có 13 đợt phân bổ vắc xin với tổng số hơn 10,4 triệu liều các loại (AstraZeneca, Moderna, Pfizer và Sinopharm). Từ nay đến cuối tháng 7/2021 sẽ tiếp tục phân bổ 3 triệu liều vắc xin Moderna và AstraZeneca do VNVC nhập.
Đến nay, vắc xin thuộc 5 đợt phân bổ đầu tiên đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành tiêm chủng. 8 đợt tiếp theo đang được khẩn trương triển khai. Một số tỉnh đã triển khai tiêm đến đợt thứ 9-10.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, mới đây, Bộ Y tế ban hành công văn số 5946 về dự kiến phân bổ vắc xin cho 63 tỉnh/thành, đơn vị, bộ, ngành. Dự kiến trong năm 2021, Bộ Y tế phân bổ vắc xin đạt tỷ lệ 90% cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó TP. Hà Nội và TP HCM dự kiến sẽ được phân bổ với tỷ lệ cao nhất là 99%.
Thời gian qua Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn chuyên môn để các đơn vị triển khai thực hiện; chủ động đôn đốc việc tiếp nhận, vận chuyển và tổ chức tiêm chủng tại các địa phương, đơn vị… Bộ Y tế cũng tổ chức tập huấn toàn tuyến theo hình thức trực tuyến về triển khai tiêm chủng các loại vắc xin AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm; Sổ tay hướng dẫn tiêm từng loại vắc xin.
Hiện có 8 tỉnh có tiến độ triển khai tiêm vắc xin nhanh, trên 70% số liều được phân bổ như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương…
Khi nào có thể miễn dịch cộng đồng?
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện công cộng (Bộ Y tế) cho biết, khi hơn 70% dân số miễn nhiễm với COVID-19 bằng cách tiêm vắc xin hoặc đã từng nhiễm bệnh, khi ấy chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, mở rộng nguồn cung vắc xin COVID-19 làm sao sớm bao phủ tối đa vắc xin cho 70% dân số (tương đương khoảng 75 triệu người dân).
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin nhưng phải đảm bảo an toàn cao nhất, không lãng phí bất kỳ liều vắc xin nào.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thẳng thắn đánh giá, kết quả tiêm chủng ở một số tỉnh, thành hiện chưa như yêu cầu, mong muốn.
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. |
Một số ý kiến đánh giá nguyên nhân tiến độ tiêm chủng còn khiêm tốn có thể do ở khâu tổ chức triển khai tiêm, có nơi còn lúng túng. Bên cạnh đó, do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, một số tỉnh phải thực hiện Chỉ thị 16 hoặc cao hơn nên tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 cũng bị ảnh hưởng. Cùng đó, quá trình vận chuyển vắc xin tới các địa phương và từ đó đến các điểm tiêm chủng còn chậm. Vắc xin không phải về cùng một lúc, một loại nên một số nơi chưa chủ động để tiêm cho người dân.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh lại quan điểm của Chiến dịch tiêm vắc xin này là các địa phương phải chủ động huy động tối đa lực lượng tiêm chủng trên địa bàn gồm quân y, dân y, công lập và ngoài công lập.
PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, nhờ sự nỗ lực triển khai quyết liệt chiến lược vắc xin trên toàn diện các lĩnh vực: mua, nhập khẩu vắc xin, ngoại giao, đến thời điểm này, lượng vắc xin về Việt Nam rất đáng mừng khi có hơn 14 triệu liều. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta mới chỉ tiêm được hơn 5 triệu liều (bằng 1/3 số lượng đó).
Theo PGS.TS. Lâm Bá Nam, chủ trương của Chính phủ là nhanh chóng đưa vắc xin đến với người dân, tạo nên miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến người dân hiện nay còn quá chậm.
Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhiều chuyên gia, nhà khoa học đề xuất quan điểm: ngoài hệ thống y tế công lập gồm bệnh viện, y tế địa phương, Bộ Y tế cần sớm đưa các bệnh viện tư đạt chuẩn tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19.
>>> Mời độc giả xem thêm video Việt Nam đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19: