Sáng 6/10, dòng họ cố GS, NGND Phan Huy Lê đã gửi tặng bức ảnh chân dung của cố GS, NGND cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Hội thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Hội trong suốt thời gian cố GS, NGND Phan Huy Lê công tác và cống hiến công việc tại đây.
|
Dòng họ Phan Huy gửi tặng bức ảnh chân dung GS, NGND Phan Huy Lê cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. |
Đón nhận tình cảm của dòng họ Phan Huy, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trân trọng cảm ơn dòng họ cố GS và xúc động về bức ảnh chân dung vì đã gợi nhớ những kỷ niệm đẹp trong suốt thời gian dài GS, NGND Phan Huy Lê công tác tại Hội.
"GS Phan Huy Lê là nhà khoa học tâm huyết có nhiều đóng góp cho nền sử học nước nhà và là một người thầy mẫu mực ưu tú. Hành trình nghiên cứu khoa học của nhà sử học Phan Huy Lê là cuộc hành trình tự học, tự nghiên cứu không mệt mỏi, tất cả xuất phát với niềm đam mê nghiên cứu sử học" - PGS.TS Trần Đức Cường nói và cho biết, với những phần việc còn dang dở của GS Phan Huy Lê, các cán bộ, nhân viên vẫn đang tiếp tục thực hiện, đặc biệt là bộ Quốc sử do GS Phan Huy Lê làm Tổng chủ biên.
|
Cố GS, NGND Phan Huy Lê. |
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Một trong những công trình nghiên cứu có giá trị của GS Phan Huy Lê để lại là công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận”. Đây là công trình được Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết là trường hợp duy nhất thuộc lĩnh vực sử học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần V năm 2017.
Với học vấn uyên thâm, được sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước, từ năm 1988 đến 2018, ông liên tục là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là ủy viên của nhiều Hội đồng Quốc gia như Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Học hàm Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia...
Cuối đời, ông dành toàn bộ tâm sức để hoàn thành bộ Quốc sử Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay với tư cách Tổng chủ biên.
Ghi nhận những đóng góp của ông cho sự nghiệp nghiên cứu và phát nền sử học Việt Nam, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học năm 2016 vì những đóng góp xuất sắc cho nền sử học nước nhà.
Ông được phong học hàm Giáo sư Sử học (1980), Nhà giáo Ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (1994); được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động các hạng Nhất (1998), Nhì (1994), Ba (1974, 2012); được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học – công nghệ với tác phẩm “Tìm về cội nguồn” (2000), Giải thưởng Quốc tế Văn hoá Á châu Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002), Công dân Ưu tú của Thủ đô (năm 2010), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2012), Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (năm 2012), Giải thưởng Danh dự khối Pháp ngữ (năm 2014),…