Chiều 11/5, UBND TP Hội An, Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin tới các cơ quan báo chí về công tác tổ chức quản lý hoạt động tham quan khu phố cổ Hội An.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho hay sau thời gian lấy ý kiến người dân khu phố cổ, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP Đà Nẵng, Hội An và các địa phương có đưa khách đến tham quan, ý kiến phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể TP. Ban Thường vụ đã có ý kiến thông qua trước khi ban hành phương án chính thức.
Phương án tăng cường quản lý hoạt động trên lĩnh vực hướng dẫn tham quan sẽ được TP Hội An triển khai từ 15/5.
Khẳng định 100% người dân, doanh nghiệp lữ hành ủng hộ phương án mới
Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết cách đây hơn một tháng, qua phản ánh của báo chí, cộng đồng mạng có những thông tin trái chiều về công tác quản lý bán vé tham quan, dù thời điểm đó Hội An mới ban hành kế hoạch khung để chuẩn bị. Điều này gây "bão" trên mạng xã hội. Thời điểm đó Hội An chưa lấy ý kiến, chưa phản biện nên chưa thông tin đầy đủ nội dung cũng như các bước tiến hành phương án.
Vừa qua, Hội An đã tổ chức lấy ý kiến người dân phố cổ, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Đà Nẵng, Hội An, các địa phương có đưa khách đến Hội An. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể TP đã có ý kiến phản biện. Hôm nay, TP đã hoàn thiện phương án và áp dụng từ 15/5.
"Trong cuộc họp với 105 hộ dân phường Cẩm Phô, gần 200 hộ dân phường Minh An (khu vực phố cổ) và các doanh nghiệp lữ hành, tôi là người trực tiếp đối thoại. Tôi khẳng định 100% người dân, đơn vị lữ hành đồng tình, ủng hộ, lên án những đơn vị dẫn khách đi chui. Các doanh nghiệp, khách sạn cũng tình nguyện làm công tác tuyên truyền khi khách đến lưu trú. Họ đề xuất nhận vé của thành phố về bán cho du khách", ông Sơn nói.
|
Hội An triển khai phương án tăng cường quản lý hoạt động trên lĩnh vực hướng dẫn tham quan vào ngày 15/5. Ảnh: Thanh Đức.
|
Người đứng đầu chính quyền TP Hội An khẳng định địa phương không "tham bát bỏ mâm", vé tham quan phố cổ Hội An được triển khai gần 30 năm, từ 1995 đến nay, không phải lần đầu tiên bán.
Ông Sơn cho hay giá vé bán từ năm 2012 với mức 80.000 đồng/khách người Việt, 120.000 đồng/khách nước ngoài. Giá vé tham quan khu phố cổ đã ban hành, thực hiện 11 năm nay và chưa thay đổi.
"Hội An có hơn 1.000 di sản với nhiều loại hình như hội quán, giếng, nhà thờ tộc, bảo tàng… Qua thăm dò nhu cầu khách nước ngoài muốn đến tham quan tất cả loại hình, di sản. Còn người Việt Nam có một số loại hình không cần thiết nên Hội An bỏ bớt để giảm chí phí chứ không hề có sự phân biệt giữa khách Việt và nước ngoài", ông Sơn khẳng định.
Về giá vé, hiện Hội An là nơi có giá vé rẻ nhất trong 8 di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam. Dẫn chứng việc này, ông Sơn cho hay ở Hạ Long (Quảng Ninh), giá vé tham quan là 250.000 đồng, đối với Đại nội Huế là 200.000 đồng, Tràng An (Ninh Bình) cũng 250.000 đồng.
|
Giá vé tham quan Hội An không cao so với các di tích khác ở Việt Nam. Ảnh: Thanh Đức.
|
Về ý kiến Hội An là di sản sống có nên bán vé tham quan hay không, Chủ tịch TP Hội An cho hay trên thực tế, rất nhiều di sản văn hóa trên thế giới là di sản sống đang tổ chức bán vé như Phượng Hoàng cổ trấn ở Trung Quốc. Chính ngay Hội An, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm có 3.000 dân sinh sống nhưng vẫn bán vé 70.000 đồng/khách và hầu như không ai có ý kiến.
Theo ông Sơn, cái khó của Hội An là có quá nhiều đường vào di sản, Hội An bán vé khó hơn rất nhiều so với di sản khác. Có thông tin cho rằng Hội An bán vé làm cho người dân trong phố cổ chết dần và lụi tàn.
"Theo khuyến cáo của UNESCO, 30 năm qua Hội An chưa bao giờ khuyến khích người dân vào khu phố cổ kinh doanh. Địa phương luôn muốn giảm kinh doanh ra ngoài phố cổ. Trước đây khi Hội An còn quyền quản lý, chúng tôi đã cấm mở thêm cơ sở kinh doanh khu phố cổ. Hiện nay, việc quản lý là của cơ quan khác", ông Sơn nói.
Theo Chủ tịch TP Hội An, trong phố cổ hiện nay có 30% ngôi nhà chủ là người Hà Nội, TP.HCM mua di tích, nhà cổ để cho thuê. Sáng mở cửa kinh doanh, tối đóng cửa.
"Vừa qua, nhiều ngôi nhà bị cháy vì không có người trực vào buổi tối. Ngoài ra, có 40% người Hội An là chủ di tích ra ở ngoài rồi cho người khác thuê kinh doanh. Trước đây, nhà ở phố cổ có 3 chức năng gồm ở, thờ cúng và buôn bán. Bây giờ rằm, mùng một âm lịch hàng tháng không còn cảnh hương khói cho phố ấm cúng. Giờ phố chỉ còn 30% người dân sinh sống trong đó, cái hồn phố dần mất đi", ông Sơn nói.
Thực hiện phương án nhân văn nhưng chặt chẽ
Ông Sơn cho hay Hội An tăng cường kiểm soát việc bán vé vì quá đông đúc, xô bồ. Dịp lễ 30/4 vừa qua, khách đi vào phố cổ quá đông, buổi chiều không có chỗ chen chân. Áp lực như vậy đè nặng, làm di sản xuống cấp, các sản phẩm du lịch du khách không xem được.
Thứ hai, kiểm soát vé là để đảm bảo công bằng giữa người mua vé và người không mua vé, giữa hãng lữ hành chân chính và không chân chính. Vừa qua, Hội An mời hơn 25 đơn vị lữ hành họp, một số bên lên tiếng bức xúc về việc này. Cụ thể, hiện nay có tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự dễ dãi của Hội An, đối xử không công bằng với du khách, cắt xén, không đưa khách vào các điểm di tích dù đã thu tiền.
"Nếu Hội An không tăng cường kiểm soát, có lúc trở thành điểm du lịch miễn phí, nếu không có nguồn thu thì không thể quay lại đầu tư tu bổ, triển khai các hoạt động văn hóa phục vụ du khách, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường cho khu phố cổ", ông Sơn nói.
|
Hội An thực hiện việc kiểm soát tham quan nhân văn. Ảnh: Thanh Đức.
|
Vừa qua nhiều thông tin suy luận như đi vào Hội An dạo cũng mua vé hay Hội An là TP đầu tiên trên thế giới bán vé tham quan, lãnh đạo TP Hội An khẳng định không đúng.
"Hội An bán vé từ lâu rồi và không bán vé vào TP mà bán vé vào khu di sản văn hóa thế giới, khu di sản chỉ trong phạm vi 0,4 km2 trong khi toàn Hội An có diện tích hơn 64 km2. Những thông tin không đúng khiến Hội An bị oan", ông Sơn cho hay.
Lãnh đạo TP Hội An cho biết quá trình kiểm soát được thực hiện một cách chặt chẽ, nhân văn, yêu cầu không làm ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân, không làm kiểu "ngăn sông cấm chợ", không ảnh hưởng đến thương hiệu Hội An nhân tình thuần hậu.
Cụ thể, Hội An sẽ tập trung kiểm soát khách theo đoàn. Khách đi lẻ tham quan sẽ được mời mua vé, họ mua thì tốt không mua thì thôi. Khách đi vào với mục đích khác như ăn tối, uống cà phê, chụp hình cưới không phải mua vé.
"Không có chuyện nhận diện, dùng người Hội An nhận diện này kia. Người lưu trú ở Hội An mua vé một lần thì được ra vào thoải mái. Hội An sẽ tăng cường công tác hướng dẫn. Trước đây các điểm vào khu phố cổ ai vô thì vô, bây giờ sẽ có người chào mời, đi tham quan như thế nào sẽ được hướng dẫn. Điều này sẽ khiến các tour cắt xén tiền vé không thực hiện được vì có sự kiểm soát rõ ràng. Mục đích vé tham quan góp phần trùng tu phố cổ", ông Sơn cho hay.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.