Mới đây, trên các hội, nhóm mạng xã hội của các phụ huynh có con học bậc tiểu học đang tranh luận “căng thẳng” về vấn đề có nên thi trực tuyến vì họ cho rằng hình thức thi này không mang lại hiệu quả, không đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Nên thi trực tuyến?
Một phụ huynh tên Hoàng Anh nêu sự việc: “Hôm qua cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi có thông báo về việc sắp tới sẽ kiểm tra trực tuyến học kỳ 1. Thời gian vào buổi tối và đề nghị phụ huynh sắp xếp công việc, thời gian để ngồi hỗ trợ các con làm bài thi. Cho hỏi, hình thức thi trực tuyến này là cả 2 mẹ con cùng thi đúng không ạ?”.
|
Ảnh minh họa. |
Bình luận về vấn đề trên, phụ huynh tên Kiều Trang cho rằng: "Không nên cho các con bậc tiểu học thi, làm bài kiểm tra trực tuyến vì không đánh giá được đúng năng lực và đây chỉ là cách đối phó để nhà trường hoàn thành chương trình học. Tôi tin chắc là quá trình các con thi trực tuyến với việc bố mẹ ngồi kèm thì sẽ không khách quan, nếu không muốn nói là tiêu cực”.
“Con thi mẹ trả lời thì chắc chắn điểm cao. Các con ở bậc tiểu học sẽ phải nhờ rất nhiều sự hỗ trợ của phụ huynh trong việc kết nối với bài thi, giáo viên. Chính vì việc để các con trực tiếp thấy sự hỗ trợ này hay nhận sự “nhắc bài” càng làm các con lười học, dựa dẫm và không coi trọng kỳ thi, bài kiểm tra” – anh Quốc Nam có con học lớp 3 bình luận.
“Tôi nghĩ không cần phải tổ chức cho học sinh thi trực tuyến trong giai đoạn này, vừa gây áp lực cho học sinh mà còn gây áp lực cho cả phụ huynh và giáo viên” – một phụ huynh bình luận.
Tuy nhiên, một phụ huynh Hằng Nguyễn lại có quan điểm khác: "Không có giải pháp nào toàn diện. Chúng ta phải thích ứng thôi. Cách tốt nhất là chính các phụ huynh phải nhận thức rõ vai trò hỗ trợ của mình là gì, ở mức độ nào, đừng can thiệp hay nhắc bài, làm bài hộ cho các con.
“Điểm số không quan trọng, cốt là qua bài kiểm tra mới thấy được năng lực thực sự của con sau thời gian học trực tuyến. Vậy nên các phụ huynh hãy phối hợp với giáo viên tổ chức kỳ thì thật tốt, đừng có bất kỳ hành động nào can thiệp và bài thi” – phụ huynh Huỳnh Anh chia sẻ.
Điểm số không quan trọng
TS. Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Tôi ủng hộ việc tổ chức kỳ thi, bài kiểm tra trực tuyến đối với các bậc học, trong đó có cả bậc tiểu học trong bối cảnh ngành giáo dục đang phải thực hiện hình thức dạy trực tuyến vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19”.
|
TS. Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội. |
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, việc kiểm tra, thi cử trực tuyến chắc chắn sẽ có nhiều bất cập như việc nhắc bài, phụ huynh trả lời thay học sinh, tâm lý áp lực ngồi thi máy tính của con trẻ... Do đó, phụ huynh, giáo viên và nhà trường cần phải xác định rõ việc thi này không được đặt nặng về điểm số mà nên xem kỳ thi là bài đánh giá thực lực của học sinh trong suốt thời gian học trực tuyến.
“Mục đích của việc thi là để học sinh tự đánh giá xem năng lực thực sự của mình đến đâu để có phương pháp khắc phục. Kiểm tra không phải vì lấy điểm số. Về nguyên tắc, học là phải kiểm tra để đánh giá. Ngành giáo dục chắc chắn biết những hạn chế hình thức thi trực tuyến này và họ muốn xem những hạn chế đến đâu, xem kiến thức học sinh thế nào để có phương án thay đổi, thích ứng phù hợp sao cho đạt hiệu quả nhất” - nguyên Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nói và cho rằng, giáo viên nên ra câu hỏi thế nào để phù hợp, không được theo kiểu đánh đố để đánh giá đúng thực lực của học sinh. Phụ huynh cũng không được căng thẳng, gây áp lực, dọa nát con em mình. Dù bất kể điểm số, đánh giá năng lực thế nào cũng cần phải động viên, khích lệ các con.