Học sinh đánh bạn không còn là chuyện lạ bởi thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc. Tuy nhiên, học sinh cầm dao rượt đuổi đánh nhau trong sân trường ngay sau quá trình được nhà trường hòa giải khiến dư luận rất bất ngờ. Vụ việc trên xảy ra tại trường THPT Mỹ Đức C (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vào ngày 26/11 vừa qua.
Thông tin từ ông Trần Xuân Thuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đức C cho biết, nhóm học sinh học lớp 10 và 11 của trường có mâu thuẫn với nhau và đã từng đánh nhau bên ngoài trường.
Ngày 26/11, nhà trường đã báo công an và mời các học sinh liên quan đến để làm việc, xác định nguyên nhân và tìm cách hòa giải. Tuy nhiên, sau buổi làm việc, hai học sinh lớp 11 đã cầm dao, dây xích sắt đuổi đánh học sinh lớp 10 tại sân trường. Sự việc trên dù sao đó được công an và bảo vệ kịp thời ngăn chặn. Tuy nhiên, quá trình đuổi đánh bạn, nam sinh lớp 11 đã bị xước môi, mẻ răng, phải nhập viện cấp cứu.
|
Trường THPT Mỹ Đức C nơi xảy ra sự việc. Ảnh: CAND |
Lãnh đạo nhà trường cho biết, đang đợi kết luận của công an để xử lý với quan điểm sẽ xử lý nghiêm, sai đến đâu xử lý đến đấy trên tinh thần giáo dục là chính. Nếu học sinh tiếp tục tái diễn trường sẽ đề nghị công an đưa sự việc ra giải quyết bằng luật pháp.
Xử phạt, kỷ luật học sinh không còn là chuyện mới nhưng việc làm thế nào để vừa xử lý sai phạm một cách nghiêm khắc lại vừa có thể giáo dục hiệu quả và nhân văn thì không phải chuyện dễ dàng. Dư luận quan tâm, chế tài xử lý trẻ vị thành niên thế nào theo quy định của pháp luật?
Ở góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nhà trường cần phối hợp với gia đình và cơ quan công an để làm rõ nguyên nhân sự việc, hóa giải mâu thuẫn. Đồng thời, cần có những biện pháp răn đe, phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.
Luật sư Cường cho rằng, chuyện học sinh hẹn gặp đánh nhau, cầm dao, xích rượt đuổi nhau trong khuôn viên nhà trường là chuyện hết sức đáng buồn về bạo lực trong giáo dục với đối tượng học sinh – là người chưa thành niên. Do đó, Ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm cần phải xác định làm rõ nguyên nhân, để có những biện pháp xử lý và phòng ngừa, tránh vụ việc tương tự.
Hành vi cầm dao đuổi đánh nhau trong sân trường là hành vi gây rối trật tự công cộng, hành vi gây ra thương tích cho người khác là hành vi cố ý gây thương tích, thậm chí có thể là hành vi giết người nếu như hậu quả chết người hoặc có thể dẫn đến chết người, những hành vi này là nguy hiểm cho xã hội và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc này, các học sinh đều là người chưa thành niên, tuy nhiên điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác”. Bởi vậy, nếu hành vi đánh nhau gây ra thương tích hoặc thiệt hại đến tính mạng của người khác, hành vi gây rối trật tự công cộng đến mức độ được xác định là nghiêm trọng, các em học sinh tham gia vụ việc đánh nhau này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật hình sự 2015 cũng quy định về nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là trẻ em lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về những loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như giết người, gây hậu quả chết người, tàng trữ mua bán trái phép chất ma túy.
Ở góc độ các quy định ngành giáo dục, nếu hành vi của các em chưa đủ để truy cứu trách nhiệm trước pháp luật, việc xử lý kỷ luật vẫn chỉ áp dụng ở nhà trường, gia đình. Phương pháp xử lý kỷ luật chủ yếu vẫn là đình chỉ học một thời gian ngắn, sau đó, giáo dục, tuyên truyền để các em nhận thức được hành vi sai trái của mình.
Theo quy định tại Thông tư 08/TT, kỷ luật học sinh được áp dụng 5 hình thức: Khiển trách trước lớp; khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học một tuần lễ; đuổi học 1 năm. Tuy nhiên, các hình thức kỷ luật này, đặc biệt là hình thức kỷ luật đuổi học 1 năm không đảm bảo mang đến sự tiến bộ, ngược lại còn mang đến những hậu quả đi ngược lại với mục tiêu giáo dục, rèn luyện học sinh hiện nay.
Do đó, tại dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông mà Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi lấy ý kiến từ tháng 9/2020 đã bỏ hình thức kỷ luật đuổi học 1 năm và thay vào đó là áp dụng hình thức "tạm dừng học tập trên lớp".
Cụ thể, việc tạm dừng học tập chỉ áp dụng trong thời gian tối đa 2 tuần lễ và áp dụng với học sinh trong các trường hợp: Đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng không sửa chữa, tái phạm hoặc vi phạm thêm những khuyết điểm khác trong thời gian một học kỳ hoặc vi phạm lần đầu những ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng như đánh nhau có tổ chức, sử dụng vũ khí gây thương tích nặng cho người khác, xâm phạm nhân phẩm, thân thể giáo viên, học sinh khác… nhưng chưa đến mức bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, dự thảo thông tư mới yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời đưa ra các biện pháp được coi là “kỷ luật tích cực” với từng học sinh. Giáo viên, nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp để giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp đối với từng học sinh: khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm.
Đồng thời có thể yêu cầu học sinh viết cảm nhận, kiểm điểm về sự việc xảy ra, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm và hướng khắc phục sửa chữa; sưu tầm, tìm hiểu sách, tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh, sau đó trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và bài học rút ra cho bản thân. Thực hiện nhiệm vụ lao động phù hợp, vừa sức như: trực nhật, vệ sinh lớp học, trường học, dọn dẹp thư viện, trồng hoặc chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường…
Dù hình thức kỷ luật thế nào cũng hướng đến việc để ngăn chặn, giáo dục, giúp đỡ các em điều chỉnh hành vi, sửa đổi khuyết điểm để các em sống và học tập tốt hơn. Kỷ luật là cần thiết để tạo ra sự kỷ cương, nề nếp nhưng cần có biện pháp kỷ luật nghiêm khắc mà vẫn đảm bảo sự nhân văn.
Bởi nếu không tăng cường công tác quản lý học sinh có hiệu quả, áp dụng các biện pháp giáo dục, kỷ luật cần thiết, hoàn toàn có thể xảy ra những vụ án hình sự khiến có em có thể thương tích, thậm chí thiệt mạng, em khác có thể vào tù, hậu quả hết sức đau lòng đối với các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bởi vậy cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm cũng như của các bậc phụ huynh để giải quyết những mâu thuẫn của các học sinh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cô giáo mầm non đánh và cắn học sinh trong giờ ăn: