Từ hình ảnh học sinh thi lớp 10 tại các điểm thi ở TP HCM và Quảng Trị bị gãy tay, chân được tạo điều kiện bố trí phòng thi riêng, giám thị hỗ trợ ghi lại bài làm, nhiều người xúc động nhắc lại triết lý “Giáo dục vị nhân sinh” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên Vũ Đình Hòe.
Liên quan chủ đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp - nguyên Trưởng khoa Nhân học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) và PGS.TS Lâm Bá Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có cuộc trao đổi với Khoa học và Đời sống.
|
Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GDĐT Quảng Trị hỗ trợ nam sinh vào phòng thi. (Ảnh: Vietnamnet)
|
Giá trị đích thực của triết lý “giáo dục vị nhân sinh”
Những hành động nhân văn, xúc động trong kỳ thi lớp 10 ở TP HCM và Quảng Trị vừa qua khiến nhiều người nhớ đến triết lý “Giáo dục vị nhân sinh” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên Vũ Đình Hòe. Các chuyên gia thấy gì qua câu chuyện này?
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp: Những hành động trên một lần nữa thức tỉnh lương tri của giáo giới và toàn xã hội, là giáo dục phải quay trở lại với những giá trị đích thực, mà một thời gian dài ít nhiều bị lãng quên. Đó là triết lý “Giáo dục vị nhân sinh”.
“Giáo dục vị nhân sinh” thể hiện một mục tiêu tối thượng của bất kỳ nền giáo dục nào trên thế giới, đó là tính nhân bản. Con người được giáo dục tính nhân bản sẽ biết sống cùng nhau, với nhau và quan trọng hơn là vì nhau.
Đến lúc chúng ta phải nhìn lại những giá trị của nền giáo dục quá khứ, mà các nhà giáo dục tâm huyết của dân tộc lúc bấy giờ như: GS Hoàng Xuân Hãn, GS Vũ Đình Hòe, GS Nguyễn Văn Huyên tiếp nhận tư tưởng khai sáng, nền tảng xây dựng triết lý nhân bản trong giáo dục.
Triết lý giáo dục này được thực thi, thể hiện qua hành vi, ứng xử trong mối quan hệ giữa người với người, thầy với trò, trò với trò, sẽ góp phần giảm thiểu tiêu cực trong giáo dục đang gây nhức nhối hiện nay.
"Giáo dục vị nhân sinh thể hiện mục tiêu tối thượng là tính nhân bản. Con người được giáo dục tính nhân bản, sẽ biết sống cùng nhau, với nhau và quan trọng hơn là vì nhau".
PGS.TS Lâm Bá Nam: Những hành động trên của ngành giáo dục địa phương, các hội đồng thi rất hợp lý, hợp tình, phù hợp truyền thống đạo lý của dân tộc, đúng với khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Chúng ta có nhiều đổi mới trong giáo dục, hiện thực hóa triết lý giáo dục vị nhân sinh mang tính nhân văn, vì con người, cho con người và hướng tới sự phát triển của con người.
Nói đến giáo dục phải gắn với sự phát triển của xã hội. Con người hình thành và phát triển trong môi trường giáo dưỡng, trước hết là giáo dục từ gia đình đến nhà trường. Triết lý giáo dục phải xuất phát từ nhu cầu đào tạo người học trở thành người tốt, tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ có đóng góp cho đất nước trong tương lai.
|
PGS.TS Lâm Bá Nam |
Triết lý giáo dục phải cho người học, nền giáo dục hướng tới sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, không chỉ đưa triết lý giáo dục như một mong muốn về mặt ý thức, mà phải tạo ra cả chương trình đào tạo để hướng đến điều đó, khi ấy mới đáp ứng được nhu cầu của người học đối với tương lai của họ. Sự nghiệp giáo dục của chúng ta là tạo cơ hội căn bản nhất cho phát triển về mặt cá nhân, con người. Có như vậy, triết lý giáo dục vị nhân sinh mang tính nhân văn mới thành hiện thực.
"Nghề giáo được coi là cao quý, sự nghiệp giáo dục phải tạo ra được môi trường trong sạch, lành mạnh"
Để nền giáo dục luôn thấm đẫm sự nhân văn
Đề cao triết lý giáo dục vị nhân sinh sẽ giúp triệt tiêu tiêu cực như bạo lực học đường, xâm hại học sinh…?
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp: Tình trạng bạo lực học đường cùng nhiều tiêu cực khác trong ngành giáo dục, gây nhức nhối trong dư luận. Tuy nhiên, không thể quy cho triết lý giáo dục vị nhân sinh không được đề cao.
Triết lý giáo dục là mục tiêu tối thượng, dẫn hướng cho việc xây dựng chiến lược và chính sách, cũng như thực thi chính sách giáo dục trước mắt và lâu dài. Còn tiêu cực trong ngành, nguyên nhân chủ yếu từ thể chế giáo dục trong thể chế nói chung, cũng như thực thi chính sách không tốt gây nên nhiều hệ lụy.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp |
PGS.TS Lâm Bá Nam: Vẫn có nghịch lý trong giáo dục, thậm chí còn những hình ảnh chưa tốt. Từ đó cho thấy, triết lý giáo dục phải kết hợp cả 2 mặt. Bên cạnh học sinh, không thể không nhắc đến vai trò rất quan trọng của người thầy.
Ngày xưa, cha ông rất đề cao “Tiên học Lễ, hậu học Văn”, “không thầy đố mày làm nên”... Sự tôn sư trọng đạo đến nay vẫn quý, nhưng quan trọng hơn phải nâng cao trách nhiệm, nhân cách người thầy.
Người thầy hôm nay khác với trước đây. Ông giáo làng xưa có thể dùng thước gõ đầu, đánh vào tay, chân học trò khi các em lười học, nhưng người thầy bây giờ phải tôn trọng học sinh. Chuẩn mực nhà giáo phải được nâng cao. Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức cho học trò, mà còn là tấm gương về đạo đức, nhân cách, ứng xử.
Tôi có gần 55 năm làm nhà giáo nên hiểu thầy phải vì học trò, hướng đến, chăm lo học trò. Thầy giáo trẻ có thể coi học trò như bạn bè, thầy giáo nhiều tuổi xem các em như con cháu. Phải dành sự quan tâm đặc biệt về mặt tình cảm với học trò như vậy, giảng dạy mới có ý nghĩa.
Để hạn chế tiêu cực, khiếm khuyết của nền giáo dục, phải kết hợp giáo dục và tạo điều kiện để học trò thấy mình được tôn trọng, giúp đỡ để phát triển. Người thầy và nhà trường phải xem việc giáo dục, tạo tấm gương sáng đối với học trò là tiêu điểm cốt lõi của nền giáo dục.
Theo các chuyên gia, “giáo dục vị nhân sinh” cần tiếp tục được hiện thực hóa như thế nào trong bối cảnh hiện tại để nền giáo dục luôn thấm đẫm sự nhân văn?
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp: Có triết lý giáo dục đúng là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Bên cạnh tính nhân bản mang tính nhân loại, triết lý giáo dục còn mang tính dân tộc (quốc tính). Giáo dục là đào tạo nên con người Việt Nam, công dân Việt Nam yêu dân tộc mình, có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Tổ quốc.
Triết lý giáo dục còn thể hiện tinh thần khai phóng với một nền giáo dục tự do, trong đó con người có quyền biểu đạt nguyện vọng, đưa ra và làm theo quyết định mình lựa chọn, chứ không phải lệ thuộc người khác. Tính khai phóng còn đề cao cá tính. Cá tính gắn liền nhân quyền mà trong truyền thống văn hóa Việt Nam còn coi nhẹ khi đề cao tính cộng đồng.
Tuy nhiên, giáo dục phổ thông ở Việt Nam vẫn có những quan niệm sai lạc: Học để thi, có điểm cao để xét tuyển vào đại học, từ đó nuôi ước mơ tiền bạc và danh vọng. Thực ra, mục tiêu của giáo dục phổ thông chính là học để thành người, làm người tử tế, học để có tri thức căn bản, kỹ năng khác để sống và chia sẻ với mọi người. Học để có nghề nghiệp, tiền bạc, thăng tiến và đóng góp cho xã hội là trách nhiệm của giáo dục đại học và dạy nghề khác.
Với quan niệm như vậy, giáo dục phổ thông đặt nặng triết lý giáo dục nhân bản và thực hành tốt trong thực tiễn, những tiêu cực trong ngành sẽ dần bị loại bỏ.
PGS.TS Lâm Bá Nam: Một trong những giải pháp để nâng cao giáo dục vị nhân sinh là xác định vai trò của người Thầy trong môi trường giáo dục và trách nhiệm về mặt nghề nghiệp. Nghề giáo được coi là cao quý, sự nghiệp giáo dục phải tạo ra được môi trường trong sạch, lành mạnh.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024, nhiều hành động đẹp, cách hành xử nhân văn của ngành giáo dục khiến không ít người xúc động. Điển hình là việc TP HCM bố trí phòng thi riêng, cử giám thị hỗ trợ ghi lại bài làm cho 8 thí sinh bị tai nạn, tay không thể viết.
Ở Quảng Trị, điểm thi Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP Đông Hà) bố trí phòng thi dự phòng, cử 2 giám thị hỗ trợ thí sinh B.P.Đ.T, học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (TP Đông Hà) không may bị tai nạn gãy chân trên đường đến điểm thi. Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, cùng cán bộ y tế, công an đưa em B.P.Đ.T vào phòng thi.
>>> Mời độc giả xem video TS. Nguyễn Tùng Lâm trao đổi với PV Tri thức & Cuộc sống về sứ mệnh của người thầy, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm.