Liên quan tới vụ việc học sinh cấp III cho vay nặng lãi trong trường, ngày 15/2, một lãnh đạo Công an huyện Krông Búk (Đắk Lắk) cho biết, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
Có 15 học sinh liên quan việc này. Nhóm cho vay lãi nặng do P.Đ.H. (19 tuổi, học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đứng đầu. Theo điều tra của cơ quan Công an, khoảng tháng 12/2019, em Đinh Thị L. vay của H. 6 triệu đồng với lãi suất thỏa thuận 20%/7 ngày.
Tuy nhiên, lúc nhận tiền L. chỉ nhận được 4,8 triệu đồng. Người cho vay giữ lại 1,2 triệu đồng nói đó là tiền lãi trong 7 ngày tổng số nợ 6 triệu đồng.
Giữa tháng 1/2020, L. không có đủ khả năng trả nợ và liền bị H. đe dọa. Sợ hãi, L. trình báo với nhà trường, Công an. Tại cơ quan công an, H. khai từ tháng 10/2019 đến nay, đã cho nhiều bạn học vay tiền với tổng số tiền lãi thu được gần 10 triệu đồng.
Theo lãnh đạo Công an huyện Krông Búk, H. từng có hai năm nghỉ học và đi làm nên có dành dụm được một số tiền.
Sau đó, H. đi học trở lại và lên YouTube xem cách người lớn cho vay tiền kiểu "tín dụng đen" nên đã áp dụng và tiến hành lấy tiền của mình cho những học sinh khác vay để lấy lãi.
Dư luận đặt câu hỏi học sinh cấp III cho vay nặng lãi trong trường: Thầy giáo chịu trách nhiệm gì? Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vai trò, trách nhiệm của nhà trường, của thầy cô giáo trong việc quản lý học sinh.
|
Trường THPT Phan Đăng Lưu. Ảnh: Tuổi Trẻ.
|
Hoạt động cho vay lãi nặng đối với học sinh trong trường, thu lợi bất chính gần 10.000.000 đồng và cho vay nhiều người khác, đe dọa, uy hiếp để đòi tiền gây bức xúc dư luận như vậy thầy cô giáo có biết không, nhà trường có biết không? trách nhiệm trong việc quản lý như thế nào?
Trong trường hợp các thầy cô giáo đã biết nhưng không xử lý hoặc không quản lý học sinh để học sinh này đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong giờ học thì cũng sẽ phải xem xét trách nhiệm của các thầy cô, cán bộ có liên quan của trường này theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường cho biết thêm, có thể nói rằng khi biết thông tin học sinh cấp 3 cho vay tín dụng đen thì nhiều người sẽ hết sức bất ngờ. Bởi nghĩ đến tín dụng đen là người ta nghĩ đến những đối tượng bất hảo, giang hồ, xăm trổ, bặm trợn hoặc những Công ty tài chính lớn hoạt động chuyên nghiệp.
Hiện nay những công ty lớn hoặc những đối tượng chuyên nghiệp thường cho vay thông qua các áp mạng internet, bằng các thiết bị điện tử, trực tuyến chứ không thực hiện các thủ đoạn truyền thống như trước đây.
Việc học sinh cấp ba cho vay tín dụng đen là chuyện hi hữu, tuy nhiên khả năng này hoàn toàn có khả năng xảy ra đối với các học sinh cá biệt, trước thực trạng xã hội đa dạng thông tin như hiện nay... Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì học sinh này đã 19 tuổi, từng nghỉ học 02 năm để đi làm nên có chút vốn và kinh nghiệm sống, lại học cách cho vay, điều hành hoạt động tín dụng đen qua YouTube nên mới thực hiện hành vi cho vay nặng lãi.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
|
Rất may là hành vi này đã được phát hiện kịp thời và ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật. Trường hợp để kéo dài sẽ gây hệ lụy xấu trong môi trường học đường, phát sinh những mâu thuẫn giữa các học sinh và có thể xảy ra những vụ việc xung đột, gây thương tích, thậm chí án mạng và phát sinh những vụ việc tiêu cực khác.
Theo quy định của pháp luật thì trong giao dịch dân sự, lại suất cho vay không được quá 20 % một năm, không quá 1,66 phần trăm một tháng.
Theo thông tin vụ việc ở trên thì đối tượng này đã cho vay với lại suất 20 %/7 ngày, đây là lãi suất cao, là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định của bộ luật hình sự thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm. Bởi vậy học sinh này đã 19 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp mức lãi suất cho vay vượt quá 5 lần mức lãi suất cao nhất do nhà nước quy định hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 201 về tội cho vay lãi nặng.
Về tội cho vay lãi nặng quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.
Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ hành vi của các đối tượng này, trong trường hợp hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này. Trong trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự thì vẫn có thể xử phạt hành chính học sinh này về hành vi cho vay lãi nặng.
Còn đối với việc đòi nợ bằng việc đe dọa, uy hiếp người khác thì cũng có thể xem xét xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi đòi nợ trái pháp luật này, trong trường hợp hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản thì sẽ xử lý đối tượng này về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định của bộ luật hình sự.
>>> Xem thêm video: Cuộc trốn chạy của con nợ vay nặng lãi