Ngày 1/12, lãnh đạo Phòng Tham mưu Công an tỉnh Kiên Giang cho biết quá trình mở rộng điều tra vụ án Cho vay lãi nặng, Công an Phú Quốc thống kê được ở đảo ngọc có gần 50 cơ sở hoạt động cho vay vốn theo kiểu "tín dụng đen". Các cơ sở cho vay không cần tài sản thế chấp, chỉ với chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký xe là được giải ngân trong ngày.
Với hình thức cho vay trả góp hay hụi góp ngày, người cần tiền có thể được vay số tiền lớn. Tuy nhiên, lãi suất mà họ phải trả cho các cơ sở "tín dụng đen" dao động từ 15 đến trên 30% mỗi tháng.
|
Lễ (trái) và Trung, Hiếu. Ảnh: Nhật Tân. |
Để ổn định tình hình an ninh trật tự tại huyện đảo, Công an huyện Phú Quốc lên kế hoạch kiểm tra các điểm cầm đồ và hỗ trợ tài chính. Tại cơ sở Lễ Công ở ấp Gành Dầu (xã Gành Dầu), cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu tội phạm và bắt giữ Dương Phú Lễ (39 tuổi), Hoàng Văn Trung (27 tuổi, cùng ngụ Lạng Sơn) và Nguyễn Đình Hiếu (26 tuổi, ngụ Hà Nội) về hành vi Cho vay lãi nặng.
Khám xét nơi kinh doanh của Lễ, cảnh sát thu giữ nhiều sổ sách, hợp đồng vay vốn, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân cùng nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay vốn.
Kiểm tra sổ sách của cơ sở Lễ Công, cơ quan điều tra phát hiện Lễ cùng các đồng phạm cho hàng nghìn người vay vốn với số tiền gốc và lãi lên đến vài tỷ đồng. Người được Lễ cho vay ít nhất 3 triệu và cao nhất là nửa tỷ đồng, lãi suất dao động từ 15-30% mỗi tháng.
|
Tường nhà dân bị dán đầy thông tin cho vay tiền góp ở thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường. |
Theo lời khai của Lễ thì anh ta từ Lạng Sơn vào Phú Quốc thuê chỗ ở tại tổ 4 của ấp Gành Dầu từ đầu năm 2016, để cho vay lãi nặng và cầm đồ. Chủ cơ sở thuê Trung ghi chép sổ sách, lập hợp đồng vay, theo dõi tiền lãi. Còn Hiếu thì đi thu nợ và và uy hiếp người vay nếu ai trả chậm.
Một cảnh sát cho biết có trường hợp ở xã Gành Dầu vay vốn của "tín dụng đen" chỉ 10 triệu đồng nhưng hai năm qua phải trả lãi đến 116 triệu đồng. Còn một phụ nữ ở thị trấn Dương Đông nhận 200 triệu đồng tại cơ sở cho vay tiền góp đã phải chịu lãi 30 triệu mỗi tháng.
Từ tháng 7/2017 đến nay, chỉ tính riêng khoản "lãi mẹ đẻ lãi con" của số tiền 200 triệu lên đến gần 400 triệu đồng do người vay không có tiền trả nợ. Với những trường hợp chậm trả nợ như thế này, người vay thường bị nhóm đòi nợ mắng chửi, khủng bố tinh thần hoặc đe dọa.