Vụ nữ hiệu trưởng trường mầm non Châu Phong (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) Nguyễn Thị Thanh treo cổ tự tử tại nhà riêng ngày 3/10 đang khiến dư luận đặt biệt quan tâm. Bởi, nguyên nhân dẫn đến việc nữ hiệu trưởng tìm đến cái chết được cho là có nhiều uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ.
Theo đó, trước khi được phát hiện nữ hiệu trưởng treo cổ tự tử, cô đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện Quỳ Châu, Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu bày tỏ sự không hài lòng về việc xếp loại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở năm học 2018- 2019.
Cụ thể, nội dung những lá đơn kiến nghị của nữ hiệu trưởng cho thấy, bà và trường được tập thể thống nhất đánh giá là “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”, nhưng sau đó, chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu đổi thành “Hoàn thành nhiệm vụ”, ghi chú bà Thanh “hạn chế năng lực” và tập thể xếp loại trung bình.
|
Trường mầm non Châu Phong. Ảnh: GĐ&XH. |
Việc này theo nữ hiệu trưởng thể hiện trong đơn ngày 29/7 cho thấy, bản thân nữ hiệu trưởng cũng chưa hiểu UBND huyện Quỳ Châu dựa vào điều kiện nào để xếp loại cá nhân và tập thể như vậy. Bởi theo nội dung đơn, năm 2018 -2019, nữ hiệu trưởng cho rằng mình đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao về chất lượng giáo viên, chất lượng học sinh đều đạt chỉ tiêu cấp trên giao phó. Trong năm học này, bản thân nữ hiệu trưởng không vi phạm hay bị xử lý kỷ luật và tự nhận xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ và tập thể sư phạm nhà trường cũng xếp loại bà hoàn thành tốt nhiệm vụ. Danh hiệu trường cũng đề nghị: Tập thể lao động tiên tiến.
Đơn kiến nghị của nữ hiệu trưởng có sự xác nhận của ban giám hiệu nhà trường, công đoàn, nhiều giáo viên ký tên nhưng sau đó được cho là “không hợp lệ”.
Nội dung lá đơn thứ 2 nữ hiệu trưởng viết ngày 4/8, vừa kiến nghị, yêu cầu làm rõ việc xếp loại cá nhân, nhà trường và việc xem xét miễn nhiệm chức vụ còn là lời bộc bạch tâm sự với tất cả suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng từ lời tự sự về những năm được điều chuyển công tác tại những trường xa nhà vài chục km, đến sự chưa hài lòng về việc xếp loại cá nhân và tập thể.
Thậm chí, theo nội dung đơn kiến nghị nữ hiệu trưởng cho biết bản thân bà trải qua cú sốc lớn khi ngày 19/7, bà bất ngờ được thông báo đã bị miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng vì hai năm liên tục xếp loại thi đua ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ”.
“Bản thân tôi rất sốc trước bao nhiêu người trong hội trường cuộc họp, tôi cố lấy lại bình tĩnh, nuốt nước mắt để trả lời các chất vấn trong cuộc họp, đầu óc không suy nghĩ được gì.. Vì trước khi diễn ra cuộc họp không ai trong phòng giáo dục hoặc một cá nhân nào thông báo, hay làm việc tư tưởng với tôi về việc miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng", cô Thanh viết trong đơn kiến nghị.
Dù đến thời điểm này, nguyên nhân dẫn đến việc tại nhà riêng vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Tuy nhiên, từ những nội dung kiến nghị trên, dư luận cho rằng, không loại trừ nguyên nhân xuất phát từ những bức xúc dồn nén do bị o ép trong công việc, thậm chí bị xem xét miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng dẫn đến nữ hiệu trưởng trầm cảm quyên sinh.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra xung quanh cái chết của nữ hiệu trưởng như: việc đánh giá xếp loại hiệu trưởng và trường của UBND huyện Quỳ Châu đã làm đúng quy định hay chưa? Căn cứ nào để xếp loại cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế năng lực cũng như xếp loại tập thể trung bình? Có hay không sự o ép để miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng đối với bà Nguyễn Thị Thanh? Vì sao thay vì trả lời nội dung đơn kiến nghị ngày 29/7 có chữ ký của hàng loạt giáo viên, Trưởng phòng GD&ĐT Nguyễn Thị Châu lại cho rằng đơn không có tính pháp lý để yêu cầu phải hủy đơn (theo nội dung đơn kiến nghị 4/8 của bà Thanh)?
|
Đơn kiến nghị của nữ hiệu trưởng Trường mầm non Châu Phong trước khi tự tử. |
Rõ ràng từ việc xếp loại cán bộ, tập thể đến quy trình xem xét miễn nhiệm đối với bà Thanh và giải quyết đơn thư kiến nghị đều có vấn đề khi các cơ quan chức năng huyện Quỳ Châu và Phòng GD&ĐT huyện này không giải quyết một cách dứt điểm khi thay vì trả lời nữ hiệu trưởng một cách thẳng thắn để giải đáp những thắc mắc thì lại o bế về hình thức đơn thư để chối từ. Khi không được giải quyết một cách thỏa đáng dẫn đến nữ hiệu trưởng nảy sinh suy nghĩ tiêu cực và dễ dẫn đến những hành động dại dột.
Lên tiếng sau khi xảy ra vụ việc lãnh đạo UBND huyện Quỳ Châu cho biết, thông tin nữ hiệu trưởng tự tử vì bị miễn nhiệm là không đúng bởi hiện chưa có quyết định hay văn bản nào về việc miễn nhiệm cô Thanh.
Trong khi đó, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, việc cô Thanh có đơn kiến nghị về việc xếp loại không hợp lý đối với kết quả thi đua của bản thân và Trường Mầm non Châu Phong trong năm học 2018 – 2019 gửi các cấp ban ngành là việc làm hết sức bình thường. Còn việc miễn nhiệm cô Thanh hay bổ nhiệm ai thì chưa có quyết định nào cả. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, nếu không có bất thường chắc chắn một nữ hiệu trưởng không thể tự nhiên tìm đến cái chết. Bởi khi người ta bất chấp cả mạng sống của mình cũng là lúc họ rơi vào sự tuyệt vọng nhất.
Điều đáng buồn hơn, sự việc nữ hiệu trưởng trường mầm non Châu Phong tự tử nghi do uất ức dồn nén đến nay đã một số ngày trôi qua nhưng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn hoàn toàn… im lặng dù thông tin về vụ việc dày đặc trên khắp các mặt báo. Lẽ ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với vài trò tư lệnh ngành giáo dục cần có văn bản gửi Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, thậm chí đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An vào cuộc, xác minh làm rõ những uẩn khúc liên quan đến nội dung những lá đơn cũng như nguyên nhân dẫn đến việc nữ hiệu trưởng tìm đến cái chết. Nhưng thay vào đó là sự im lặng đến bàng quan.
Thưa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ! Hiệu trưởng, giáo viên cũng là “nhân viên ông”, đang có nghi vấn tự tử do uất ức... Tại sao bản thân Bộ trưởng vẫn chưa lên tiếng. Nếu sự thật đúng như hiệu trưởng “tố” trong đơn thì giáo dục quả là… “có vấn đề”!?
Bởi hiển hiện trong đó, vẫn có bóng dáng của căn bệnh thành tích trong giáo dục? Bởi hiển hiện trong đó vẫn có bóng dáng sự bất minh trong công tác xếp loại đánh giá cá nhân, tập thể nhà trường, trong công tác miễn nhiệm cán bộ ngành giáo dục. Bộ trưởng có thể im lặng trong nhiều vụ việc đã từng xảy ra trong ngành giáo dục nhưng đừng im lặng trước cái chết của một nữ hiệu trưởng có thể do uất ức!?