Bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe trường Đồ Rê Mí: Hỏi Bộ trưởng Nhạ sao giáo dục liên hoàn scandal?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ việc bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe trường Đồ Rê Mí (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) càng khiến dư luận thêm bức xúc bởi có quá nhiều bê bối liên quan đến giáo dục dưới thời Bộ trưởng Nhạ.

"Bỏ quên" từ mạng sống cho đến trí thức
Ngày 16/9 vừa qua, bên cạnh những vụ việc giết người, dư luận còn chú ý đến hai câu chuyện về giáo dục.
Câu chuyện thứ nhất là vụ việc bỏ quên học sinh trên xe đưa đón tại một trường mầm non ở tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể, công an xác định cháu Nguyễn Tấn L. bị bỏ quên trên ôtô đưa đón của cơ sở mầm non tư thục Đồ Rê Mí ở thôn Đoài, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du.
May mắn cho cậu nhóc sinh năm 2016, cửa xe không đóng hẳn mà vẫn mở ra 10 cm. 10 cm cửa xe đó là một khoảng cách lớn so với 0 cm, cũng như 0% hy vọng sống đối với cậu trai trạc tuổi khác là Lê Hoàng Long, tử vong ở trường Gateway cách đây khoảng 40 ngày cũng với lý do tương tự.
Như vậy, đã có liên tiếp những vụ "bỏ quên" các học sinh trên xe, như người lớn đang bỏ quên trách nhiệm của mình là những mạng đồng loại đáng tuổi con cháu mà mình hay bồng bế, cưng nựng ở nhà vậy.
Từ vụ việc đau lòng tại trường Gateway cho đến Đồ Rê Mí, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục dường như cũng được "bỏ quên".
Be 3 tuoi bi bo quen tren xe truong Do Re Mi: Hoi Bo truong Nha sao giao duc lien hoan scandal?
 Vụ việc học sinh bị bỏ quên trên xe ở Bắc Ninh gây bức xúc trong dư luận bởi công tác quản lý giáo dục.
Câu chuyện thứ hai, 16/9 là ngày xét xử về vụ gian lận vô tiền khoáng hậu tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La. Đây có lẽ là cái ngày dư luận mong chờ, không chỉ đơn thuần bởi những kẻ vi phạm pháp luật sẽ phải trả giá, mà đó những kẻ đó nhân danh giáo dục nhưng lại cướp đi những cơ hội của những học sinh xứng đáng được làm sinh viên, qua đó "bỏ quên" luôn những kẻ không tiền này về quê chăn vịt.
Tuy nhiên, TAND tỉnh Sơn La đã phải dừng phiên xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 do vắng 75 nhân chứng và người liên quan và sẽ mở lại vào ngày 15/10.
Tại phiên toàn, 44 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng 31 người làm chứng đều vắng mặt. Trong những người không đến tòa có ông Hoàng Tiến Đức, cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La.
Toà mời 44 thí sinh được nâng điểm song cũng không ai có mặt.
"Thành công tốt đẹp"
Quay trở lại về ngày 31/5, nói về vụ gian lận thi cử rúng động trên, cá nhân bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ông Phùng Xuân Nhạ nói nhận trách nhiệm. Ông Nhạ cũng nói rằng Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan đã kiên quyết xử lý, trả về địa phương những sinh viên đậu bằng kết quả gian lận.
“Chúng tôi sẽ cho ra khỏi ngành những cá nhân trong ngành mà có học sinh, con em gian lận”, ông Nhạ nói.
Be 3 tuoi bi bo quen tren xe truong Do Re Mi: Hoi Bo truong Nha sao giao duc lien hoan scandal?-Hinh-2
 Vụ gian lận điểm thi kỳ thi THPT 2018 gây rúng động dư luận.
Bộ trưởng Nhạ cũng nói sẽ đưa ra khỏi ngành những giáo viên sa sút về đạo đức, tuyên truyền những tấm gương nhà giáo tốt để hạn chế bạo lực tiêu cực trong học đường.
Đáp lại lời giải trình của người đứng đầu Bộ GD-ĐT, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) nói: “Bộ trưởng cần có thái độ dứt khoát hơn với căn bệnh này chứ không phải nhận trách nhiệm một cách chung chung”.
Sau khi kỳ thi THPT năm 2018 kết thúc và trước khi vụ gian lận bẩn thỉu bị phát giác, kỳ thi được đánh giá là "thành công tốt đẹp".
Liệu sự thật có bị phơi bày khi không có báo chí phanh phui và những người ngồi xét lại những điều bất thường khi thấy bỗng dưng Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình trở thành đất học? Hay sẽ lại "đây là thành quả của sự hi sinh nỗ lực không biết mệt mỏi của những người công tác giáo dục" rồi "thành tựu này có được là nhờ có sự chỉ đạo kịp thời"...?
Hay cũng bị "bỏ quên" nốt như mạng sống của đồng loại?
>>> Xem thêm: Nghị trường "nóng" vụ gian lận điểm thi

Nguồn: VTV.


 

Ngọc Thiện

>> xem thêm

Bình luận(0)