Mới đây, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội vừa triệt phá ổ nhóm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do đối tượng Nguyễn Trung Hiếu tức Hiếu “Chùa Vua” (SN 1994, trú tại ngõ 34 Chùa Vua, Phố Huế, Hai Bà Trưng) cầm đầu. Bị bắt giữ cùng Hiếu còn có 6 đồng phạm vốn là đàn em của “trùm” cho vay nặng lãi này.
Điều tra của cơ quan công an cho thấy, từ tháng 1/2019, Hiếu bắt đầu cho vay, hỗ trợ tài chính dưới hình thức bốc bát họ với lãi suất 121,6%/1 năm. Khách hàng vay dao động từ 5 triệu đến 500 triệu đồng. Để mở rộng kinh doanh, Hiếu thuê các đối tượng Quân, Đăng, Duy Hiếu, Minh Hiếu, Hải, Đức làm nhân viên.
Hiếu giao "đàn em" đi tìm khách vay, xác minh nhà cửa, nhân thân, công việc và khả năng tài chính của khách để làm thủ tục cho vay. Khách vay thanh toán tiền lãi chủ yếu dưới hình thức chuyển khoản. Nếu chậm trả hoặc không có khả năng trả các đàn em của Hiếu "Chùa Vua" sẽ thay nhau đến nhà để đòi tiền. Đáng chú ý, tổng số khách vay của ổ nhóm cho vay nặng lãi theo dạng "tín dụng đen" này lên đến 200 người.
|
Hiếu "Chùa Vua" cùng nhóm đàn em. |
Dư luận đặt câu hỏi, với hành vi cho vay lãi gấp 6 lần, Hiếu “Chùa Vua” cùng đồng bọn sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hoạt đông cho vay tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ" hiện nay đang là vấn nạn xã hội, cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp mạnh tay để xử lý với những đối tượng này để đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Theo quy định của pháp luật, cụ thể tại điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản do hai bên thỏa thuận, trong đó lãi suất không được quá 20 % một năm của khoản tiền vay. Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 20% : 12 tháng = 1,666%/tháng.
Trường hợp cho vay với lãi suất quá 5 lần mức lãi cao nhất nhà nước quy định, đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, người cho vay lãi nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo điều 201, Bộ Luật hình sự 2015.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Theo đó, trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng này đã cho vay với lãi suất quá 100 % trên một năm và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến 3 năm tù.
Luật sư Cường cho rằng, với những đối tượng cho vay lãi nặng luôn kèm theo đó là việc đòi nợ theo kiểu xã hội đen nghĩa là sẽ đe dọa, uy hiếp còn nợ để đòi nợ. Do đó, cơ quan điều tra sẽ khám xét nơi ở, nơi làm việc để thu giữ hung khí, vũ khí mà đối tượng có thể sử dụng. Đồng thời làm rõ trong quá trình thực hiện hoạt động vay nợ, các đối tượng có đe dọa, uy hiếp con nợ để đòi nợ hay không, nếu có thì có thể xem xét dấu hiệu của các tội cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản theo quy định pháp luật.
Trường hợp hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh nào sẽ xử lý về tội danh đó. Số tiền thu lợi bất chính, tiền do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu sung công quỹ, số tiền làm công cụ phương tiện phạm tội cũng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế, khung án trên là quá nhẹ đối với những đối tượng cho vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ. Bởi với lợi nhuận khủng thu được từ hoạt động phi pháp, các đối tượng tín dụng đen vẫn bất chấp các quy định của pháp luật. Hoạt động cho vay lãi suất cao là hoạt động bóc lột tàn nhẫn, kéo theo đó là hoạt động đòi nợ kiểu côn đồ, thủ đoạn khiến cho nạn nhân rơi vào cảnh túng quẫn, nợ nần, bị cưỡng đoạt, cướp tài sản khiến từ một người khó khăn trở thành một người trắng tay, tan vỡ hạnh phúc gia đình phải có người đã tự tử, con cái bỏ học.
Hoạt động cho vay lãi nặng và đòi nợ theo kiểu xã hội đen, tàn nhẫn từng ngày gây bao hệ lụy cho xã hội. Bởi vậy, việc đấu tranh triệt phá các băng nhóm cho vay lãi nặng bằng cách bốc bát họ và các đối tượng cho vay qua các App, trang điển tử, mạng xã hội là rất cần thiết. Khi nào chúng ta kiểm soát được hoạt động cho vay nặng lãi trên không gian mạng và hoạt động cho vay nặng lãi trong đời sống xã hội khi đó mới giảm bớt được các hệ lụy, tiêu cực do hoạt động cho vay tín chấp gây ra.
“Nhu cầu vay tiêu dùng là nhu cầu rất chính đáng của người dân, tuy nhiên để vay tiêu dùng từ các tổ chức tín dụng rất khó khăn do chính sách về khả năng trả lợn nợ rất hạn chế, nếu không quản lý tốt các khoản vay tín dụng thì ngân hàng cũng sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Bởi vậy, bên cạnh việc xử lý các băng nhóm cho vay lãi nặng thì nhà nước cần có những cơ chế chính sách, nguồn vốn để đảm bảo người dân có thể dễ dàng tiếp cận, có thể vay để giải quyết những khó khăn trước mắt” – luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt nhóm cho vay nặng lãi, thu giữ nhiều hung khí