Hiểm họa khôn lường của mạng xã hội nhìn từ vụ nữ sinh tự tử

Google News

Những ngày qua, gia đình chị N.T.H chưa hết bàng hoàng khi con gái H.T.L tử vong tại ao nước. Theo chị H, tối 10.3, không thấy L về, gia đình hoảng hốt đi tìm, gọi điện thoại khắp nơi tìm con nhưng không thấy.

Sáng hôm sau, tin dữ đến với gia đình khi người dân địa phương phát hiện thi thể của L tại ao nước trước nhà. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân nữ sinh lớp 11 tử tự do bị phát tán clip L cùng bạn trai hôn nhau trong lớp học. Theo đó, ngày 8.3, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu tổ chức ngày Quốc tế phụ nữ nên cho phép học sinh đưa điện thoại đến lớp học.
Hiện trường nơi phát hiện thi thể nữ sinh L. Ảnh: HQ 
Tại lớp của L, trong lúc vui đùa, các em đã thách thức học sinh nam hôn học sinh nữ dẫn đến hành động như trong clip. Những bình luận ác ý, những lời phê phán trên mạng xã hội (MXH) đã gián tiếp đẩy nữ sinh tìm lối giải thoát bằng cái chết.
Các chuyên gia pháp luật cho rằng sự việc nữ sinh Nghệ An tự tử vì bị tung clip nóng lên MXH đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa khôn lường của MXH; đôi khi chỉ những cái like (thích), comment (bình luận), share (chia sẻ) có thể hủy hoại cuộc sống của một người. Và những hành vi vi phạm pháp luật trên MXH đều bị xử lý không khác nhiều hành động ngoài thực tế.
Hiểm họa khôn lường từ mạng xã hội
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa VIII, Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay, MXH là con dao hai lưỡi, nếu được sử dụng đúng mục đích sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân, cộng đồng. Mặt khác, nhiều kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội tung tin đồn, tạo ra “làn sóng” dẫn dắt đám đông theo ý mình muốn, bóp méo sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng. Sự việc nữ sinh Nghệ An tự tử vì bị tung clip nóng lên MXH gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa khôn lường của MXH. Bà Bùi Thị An cho rằng, đừng “ném đá” bất cứ ai vì “sẽ làm méo mó hình ảnh của bản thân, khiến người khác bị tổn thương tinh thần”.
“Đôi khi chỉ những cái like (thích), comment (bình luận), share (chia sẻ) có thể khiến người khác lao đao, thậm chí hủy hoại cuộc sống của một người. Những sự việc nữ sinh tự tử vì không chịu nổi áp lực từ mạng xã hội là minh chứng rõ ràng. Chính vì vậy cần cẩn trọng trong cách hành xử khi tham gia mạng xã hội”, bà An nói.
Trong vụ việc này, bà An cho rằng cần xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị đăng tải những hình ảnh nhạy cảm của nữ sinh L lên MXH, đồng thời làm rõ hành động tự tử của nữ sinh có liên quan như thế nào với đoạn clip bị tung lên mạng.
Chia sẻ với PV, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, sự việc trên rất đáng tiếc do bản thân nữ sinh L chưa nhận thức đầy đủ việc mình làm, cũng như chưa ý thức được tác hại của MXH.
“Tôi nghĩ, việc nhóm học sinh thách đố hôn nhau trong lớp là vấn đề nhạy cảm nhưng chưa đến mức phản cảm ở cái tuổi “nhất quỷ nhì ma”. Clip đó được đưa lên MXH với tốc độ lan truyền chóng mặt, nữ sinh này nghĩ đó là “nỗi nhục” của bản thân, xấu hổ với gia đình, bạn bè, thầy cô, đã tìm đến bước đường cùng là quyên sinh. Do vậy, cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm của cá nhân, đơn vị nào phát tán clip hay hình ảnh phản cảm này.
“Mạng xã hội không có tội, vấn đề là phải quản lý tốt hơn. Biết tự phòng tránh là giải pháp ứng xử hữu hiệu nhất với MXH. Từ sự việc đau lòng này, nhà trường, gia đình cần nâng cao giáo dục ý thức công dân, ý thức tôn trọng đời tư người khác. Tôi cho rằng, những vấn đề này đều liên quan đến công tác tăng cường giáo dục, trang bị cho các em học sinh nên xử sự như thế nào với hành vi của mình, với MXH.
Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động, liệu vấn đề quản lý các trang MXH hiện nay đang bị thả nổi khi đầy rẫy những hình ảnh phản cảm trên MXH, luật sư Nguyễn Mai - Công ty Luật Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hiện nay hoạt động của MXH được điều chỉnh bởi Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Báo chí (gián tiếp), Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Việc thành lập các nhóm, group trên MXH trở nên rất dễ dàng; một tài khoản Facebook có thể thành lập diễn đàn mời bạn bè tham gia. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định MXH đang bị bỏ ngỏ quản lý. Những trang thông tin trên MXH vẫn hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và việc thành lập các diễn đàn, các nhóm cũng tuân theo khuôn khổ này. Vấn đề lo ngại diễn đàn MXH là kiểm soát bình luận.
Luật sư Nguyễn Mai dẫn Điều 26, khoản 4, Nghị định 72/2018 quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của chủ sử dụng MXH. Điều này quy định: “Chủ sử dụng MXH chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập”.
Như vậy, mặc dù MXH mang tính chất “ảo” khó kiểm soát nhưng nó cũng tương tự như đời sống thực, mỗi một chủ sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm với phát ngôn, hành vi của mình trên MXH”.
Đăng hình ảnh khiến người khác tự tử có bị tội?
Liên quan vấn đề trên, luật sư Vi Văn Diện - Công ty Luật Thiên Minh nêu quan điểm, Bộ luật Dân sự ghi nhận và bảo vệ mỗi cá nhân về quyền đối với hình ảnh, đảm bảo quyền nhân thân, hạn chế một cách tối đa nhất hành vi xâm phạm. Căn cứ vào Điều 32 BLDS 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Việc sử dụng hình ảnh vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi sử dụng hình ảnh của một người nào đó, yêu cầu phải có được sự chấp thuận của người có hình ảnh được sử dụng và phải trả thù lao nếu có phát sinh lợi nhuận. Người bị xâm phạm có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức có liên quan thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và bồi thường thiệt hại cho người bị xâm phạm.
Hành vi công khai hình ảnh của người khác mà không có sự chấp thuận của người đó còn xâm phạm đến Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 BLDS 2015. Không những vậy, người thực hiện hành vi bằng lời nói hoặc hành động, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác là vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi này tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội, dù ít, nhiều cũng gây ảnh hưởng đến đời sống của mỗi cá nhân, đặc biệt đối với những người bị sử dụng, công khai hình ảnh của mình ngoài ý muốn. Nhiều trường hợp đã khiến người bị sử dụng hình ảnh phải tìm đến cái chết.
Vì vậy, cần phải áp dụng những chế tài, những quy định pháp luật cụ thể để xử phạt và trừng trị nghiêm minh những hành vi phạm tội xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền riêng tư của cá nhân. Tuy nhiên, việc phát tán trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook cũng là thách thức đối với các cơ quan chức năng trong việc quản lý dữ liệu, thông tin, đảm bảo bí mật đời tư của mỗi chủ thể.
Chiều tối 12.3, ông Nguyễn Bá Hảo - Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Nghệ An - cho biết đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh một trang thông tin điện tử đăng tải đoạn video clip nữ sinh ở huyện Quỳnh Lưu hôn bạn trai trong lớp. “Nếu trang này đăng lại nội dung của một tờ báo nào đó thì lại khác, còn nếu họ tự đăng nội dung lấy từ Facebook cá nhân của ai đó thì là sai, bởi họ không có chức năng đó”, ông Hảo nói.
Trước đó, trên trang thông tin điện tử này đăng tải đoạn video với nội dung “Học sinh cấp 3 Nghệ An bình thản hôn nhau trong lớp”. Sau đó, đường link video này được một trang Facebook có hơn 1,2 triệu lượt người theo dõi tiếp tục chia sẻ lại.
Được biết, sau khi em L tự vẫn, toàn bộ video clip và các nội dung liên quan đến vụ việc đã bị xóa khỏi website đó.
Theo Cường Ngô/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)