Nghề chính của ông là hốt xà bần và có sở thích vớt rác, làm sạch dòng kênh, khơi thông dòng chảy, ngăn chặn tình trạng dồn ứ...
"Cứu tinh" của dòng kênh
Hơn 30 năm qua, người dân khu vực phường 13 (quận 11) đã quá quen thuộc với hình ảnh của ông Tân móc rác dòng kênh đen Cầu Mé..
|
Ông Tân cặm cụi bới rác trong một góc cầu. |
Ông Tân làm cái việc không công này xuất phát từ sở thích, sau này thấy có ý nghĩa, được nhiều người khen nên ông đam mê luôn. Tuy nhiên, phía sau lời khen là những lời bàn tán, xì xào cho rằng ông bị tâm thần mới làm việc "thối người" như vậy.
Ông chỉ cười, trả lời rằng: "Ai nghĩ thế nào thì nghĩ. Nếu tôi không gàn dở thì dòng kênh này sẽ thành một bãi rác khổng lồ và nước ngập quanh năm, có khi lên tới bậc thềm, tràn vào nhà. Những lúc như thế bà con đành sống chung với rác thải ô nhiễm".
Ông Bảy Tân là người sống lâu năm nhất ở khu phố, cuộc đời ông gắn liền với dòng kênh Cầu Mé.
Ông dẫn chúng tôi ra xem khu vực trong và ngoài dòng kênh. Nước đen và đục dính bệt vào nhau lắng chặt xuống dưới đáy kênh. Rác từ trên thượng nguồn không hiểu do ai, tại ai mà mỗi ngày nó chảy qua dòng kênh gây ứ đọng làm nước không thông được.
Cái cầu nhỏ và ngắn bên dưới có ống cống chừng hơn một mét luôn bị nghẹt do rác quấn chặt vào, có lúc đầy lên tới miệng cống
Ông Bảy lấy cây tre có gắn hai thanh sắt giống như chiếc cào nhảy xuống bờ kênh vớt từng túm rác lên bờ chất thành đống sau đó để khô rồi đốt. Người ông lúc nào cũng lấm lem, bùn đất dính chặt vào áo quần mà qua thời gian đã khô cứng không giặt sạch được. Đó là hình ảnh quen thuộc người ta thường thấy ông xuất hiện dưới dòng kênh đen đặc, hôi thối này nhiều năm qua.
Làm việc ở môi trường ô nhiễm nhưng ông không đeo khẩu trang hay găng tay bảo hộ đề phòng rủi ro. Chúng tôi thắc mắc, ông cười hiền khô: "Cả đời tôi sống bên dòng kênh này. Tôi quen dùng tay không và cũng quen ngửi mùi rồi. Đeo mấy thứ kia khó chịu lắm".
Ông chìa đôi bàn tay ra, chằng chéo sẹo to sẹo nhỏ. Ông kể, đó là vết thương do mảnh thủy tinh và cây nhọn đâm vào trong những lần đi vớt rác. Được cái máu lành, chảy xong thì lại lành, không sao cả.
Nhấp li trà đá bên quán cóc trong hẻm, ông Tân nhớ thời mới giải phóng, dòng kênh Cầu Mé trong xanh, mát mẻ. Ngày đó, diện tích kênh rộng gấp mấy lần bây giờ, thuyền, ghe vào tận nơi trao đổi mua bán hàng hóa. Cánh con trai tụi ông thường xuyên ra kênh tắm mát, giặt quần áo.
Nhưng bây giờ thì… ông tặc lưỡi: "Khủng khiếp quá, chúng tôi sống ở đây quen rồi chứ người lạ tới chịu không nổi đâu. Thời buổi công nghiệp hóa, nhà máy xí nghiệp mọc lên nhan nhản, khói tỏa ngút trời. Đất đai ngày càng thu hẹp nên dòng kênh bây giờ cũng vậy, chỉ còn một sải tay thôi. Gọi là kênh có lẽ không đúng nữa mà chính xác hơn thì đây là một con mương".
Khủng khiếp nhất là trong và sau những trận mưa. Ông Bảy Tân bảo, nếu không vớt rác thì nước ngập chừng 6 tiếng. Còn nếu ông vớt đi thì chỉ còn ngập 2-3 tiếng thôi.
Mỗi khi nước ngập vào nhà cuốn theo bao nhiêu là thứ tràn ra từ dòng kênh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Vì vậy, ông Bảy Tân âm thầm làm điều hiển nhiên trước mắt. Bất kể ngày nắng hay mưa mà đặc biệt là trời mưa, ông phải "đội" cả mưa xuống kênh khơi thông dòng chảy.
Nhiều khi làm không kịp, nước chảy từ trên xuống mạnh cùng với đó kéo theo càng nhiều rác. Một mình ông vớt không kịp, vậy là ông hô hoán anh em trong xóm cùng làm. Xong, ông bỏ tiền túi ra bồi dưỡng cho anh em mỗi người vài ba chục.
Ông Bảy Tân cho biết: "Rác ở đây không thiếu thứ gì. Đã nhiều lần vớt được thú chết, người ta vứt xuống kênh trôi dạt tới. Tôi phải vớt lên, chôn cất đàng hoàng".
Ông chỉ tay dọc theo bờ kênh và thở một tiếng nặng nề: "Dọc bờ kênh này, tôi đã từng chôn không biết bao nhiêu là con vật. Nếu cứ để chúng chết rồi trôi như vậy vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường vừa mang tội nữa".
|
Bờ kênh ngập rác luôn được ông khơi thông dòng chảy. |
Vừa vớt rác vừa chạy ăn
Ông Bảy Tân có 8 người con. Hiện nay, các con ông đều lập gia đình ra ở riêng. Vì vậy, căn nhà nhỏ bé nằm ép mình bên dòng kênh Cầu Mé chỉ còn hai ông bà còm cõi. Hàng ngày, vợ ông cặm cụi nhận bàn chải nhựa về làm với thu nhập 10.000/ngày.
Còn ông Bảy, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Ông nói: "Số tôi cả đời khổ cực, tự hành hạ mình thôi chứ có ai ép đâu. Mỗi ngày, tôi dậy từ lúc 4h sáng, tranh thủ ra kênh vớt rác sau đó lại lạch cạch đạp xe đi tới những vựa sắt vụn mua của người ta rồi về đổ lại kiếm lời được khoảng 30 - 40 ngàn đồng".
Nếu ai muốn gặp ông Bảy là phải hẹn trước để ông sắp lịch, ở nhà tắm rửa sạch sẽ đón khách còn không là ông thường xuyên vắng nhà, không đi kiếm ăn thì vớt rác. Ông tham việc lắm. Ngay cả vợ con ông cũng chểnh mảng, ông không thích nói chuyện mà chỉ thích làm thôi. Chứng kiến ông gồng mình lên vớt rác, bới móc tất cả những thứ đã "lên men" mới thấu cảm được niềm đam mê "khùng điên" của ông. Những đêm đang nằm thiếp đi trong giấc ngủ dài, trời bỗng đổ mưa, ông sực nhớ đến chiếc cống Cầu Mé có nguy cơ bị nghẹt, ông vùng dậy lao ra ngoài bới rác. Nước mưa quyện với nước cống "dầm ông" ướt như chuột, tay chân ông run cầm cập nhưng vẫn ráng kéo cho bằng hết mớ rác tồn đọng dưới cống. Ông trở về nhà cũng là lúc trời chạng vạng sáng. Thế là thức luôn chờ đến sáng đi buôn phế liệu.
|
Ông đầu trần chân đất, không mang bất cứ bảo hộ lao động nào trong lúc vớt rác. |
Dường như, sức chảy của dòng kênh, sự ào ạt đổ về của rác đã vắt kiệt ông mỗi ngày. Chúng tôi thấy ông khom người xuống sát nước để trục vớt từng bọc nilon có chứa đầy rác xen lẫn nước, ông làm việc "say" mà quên tất thảy thế giới xung quanh. "Tôi không biết mình còn làm công việc này đến bao giờ nữa vì sức khỏe đã yếu nhiều rồi. Hơn nữa, thời buổi bây giờ kiếm được đồng tiền khó khăn quá. Các con thì nghèo không giúp gì cho cha mẹ già nên mình phải lao ra mà đi làm. Có lẽ cũng phải giảm làm việc "khùng" đi nhưng tôi quyết tâm không bỏ công việc này. Mình làm cũng vì cuộc sống của mình thôi"- ông Tân chia sẻ.
Vợ con của ông kể, lúc ông mới làm không ai biết. Mãi sau, người ta nói nhiều quá mới hay. Gia đình ra sức ngăn cản vì cho đó là việc làm vô nghĩa. Công việc nhà làm chưa hết, đi lo việc thiên hạ. Tuy nhiên lời nói của vợ chẳng thể lay chuyển được chồng. Ông vẫn âm thầm thực hiện niềm yêu thích. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, nghe thấy tiếng nước chảy róc rách qua khe cống, ông thở phào nhẹ nhõm và cười thật sảng khoái buông lời: "Nghe vậy là sướng đó. Cống không bị nghẹt".
Không chỉ vớt rác kênh đen, ông Bảy Tân còn tự tay xây dựng thành cầu cho trẻ em và người qua đường khỏi té ngã. Vì trước đó, cầu bắc qua kênh không có thành, nhiều người ngã xuống trong đó có cả trẻ em. Thấy đường hẻm tối tăm, ông lại câu điện trong nhà mình ra đường làm một chiếc bóng chiếu sáng cho bà con đi lại.
Ngày qua ngày, năm qua năm, ông Tân âm thầm làm việc thiên hạ mặc cho lời ra tiếng vào của lối xóm. Việc làm của ông càng ngày càng được bà con xa gần biết đến, họ thầm biết ơn nghĩa cử cao thượng hết lòng vì cộng đồng, vì môi trường của ông. UBND quận 11 đã trao cho ông giấy khen ghi nhận thành tích nhiều năm vớt rác khơi thông dòng chảy cho kênh Cầu Mé. Rồi ông được UBND TP Hồ Chí Minh tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả". Tập đoàn C.T Group đã trao cho ông giải thưởng "Trái tim Sài Gòn" kèm số tiền trị giá 60 triệu đồng. Ông Tân ngậm ngùi: "Tôi làm việc hoàn toàn tự nguyện, chưa bao giờ tôi nghĩ tới một ngày sẽ được người ta biết đến rồi lại còn cho tiền nữa".