Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo về chất lượng không khí 6 tháng đầu năm 2017 của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)
Phân tích này so sánh các số liệu về chất lượng không khí 6 tháng đầu năm 2017 với cùng kỳ năm 2016. Trong suốt nửa đầu năm 2017, có 139 ngày nồng độ bụi PM2.5 (loại bụi siêu mịn nguy hiểm nhất), vượt quá tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó có nghĩa là tại Hà Nội cứ mỗi tuần chưa có đến 2 ngày chất lượng không khí ở mức chấp nhận được.
Hơn nữa, phân tích trong năm 2017 tại Hà Nội cho thấy không có mối liên hệ giữa nồng độ các chất ô nhiễm ở mức cao nhất với thời điểm khi xe cộ lưu thông ở mức đỉnh điểm. Điều này phản ánh chất lượng không khí đã bị ảnh hưởng bởi nhiều nguồn ô nhiễm bên ngoài khác nhau, đáng lưu ý là từ ngành công nghiệp và sản xuất năng lượng.
|
Tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội và TP. HCM vẫn rất nghiêm trọng. (Ảnh: KT) |
Theo bà Nguyễn Thị Anh Thư, chuyên gia nghiên cứu môi trường của GreenID: "Mặc dù có sự cải thiện về chất lượng không khí ở Hà Nội so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên trong phần lớn thời gian đánh giá trên, hàng triệu người dân trong thành phố vẫn chưa được hít thở không khí trong lành”.
Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng Không khí xung quanh của Bộ Tài nguyên môi trường ban hành năm 2013 quy định giới hạn giá trị nồng độ bụi PM 10 và PM 2.5 cả trong khoảng thời gian ngắn (24 giờ) và dài (1 năm). Tuy nhiên, quy chuẩn chất lượng không khí của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với các hướng dẫn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh châu Âu (EU) quy định.
Hàng năm, Việt Nam phải chịu tổn thất khoảng 780 triệu đô la Mỹ cho chi phí y tế công cộng do ô nhiễm không khí, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Theo UNICEF, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến khoảng 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị thiệt mạng mỗi năm trên toàn thế giới và cũng gây nhiều vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như tổn thương não và các bệnh hô hấp.
Nên dừng phát triển điện than
Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia 2016, "Khí thải của nhà máy nhiệt điện chủ yếu từ khu vực lò hơi có chứa nhiều chất ô nhiễm, đặc biệt là SO2, CO, NOx và bụi. Lượng khí thải này là rất lớn, lên đến hàng nghìn m3/phút và có khả năng lan rộng hàng trăm km tới các khu vực đô thị xung quanh, đặc biệt là các đô thị nằm trên hướng gió chính từ ống khói nhà máy". Nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam được xây dựng theo quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất tăng thêm khoảng 40.000 MW vào năm 2030, thì đây sẽ là mối đe dọa lớn tới chất lượng không khí hiện tại và trong tương lai.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho biết "Nếu Việt Nam tiếp tục xây dựng nhà máy điện than với công suất 40 gigawatt và nếu toàn bộ khu vực thực hiện các kế hoạch điện than ngay bây giờ, tôi nghĩ cuộc sống của chúng ta sẽ kết thúc".
Đồng quan điểm trên, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID cho rằng: “Các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc đang quay lưng lại với than bởi tác hại của nó đến sức khỏe con người. Đã đến lúc chúng ta phải cân nhắc lựa chọn con đường phát triển để Việt Nam không phải đánh đổi môi trường sống và bầu không khí trong lành của con em chúng ta. Đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo và hiệu quả ở Việt Nam ngay từ bây giờ sẽ giúp chúng ta đảm bảo cả mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, sức khoẻ cho cộng đồng”.