Thông tin mới vụ hành hạ dã man ngư dân trên tàu cá, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can Nguyễn Công Toàn (34 tuổi), Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi) và Đoàn Văn Hùng (44 tuổi) cùng trú tỉnh Cà Mau để điều tra tội Hành hạ người khác.
Các đối tượng khai nhận đánh ông Trương Văn Trung (SN 1975, ngụ huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) do ông này lười làm việc. Kết quả giám định thương tích của ông Trung là 48%.
Liên quan vụ việc trên, dư luận đặt câu hỏi: Khởi tố 3 đối tượng về tội hành hạ người khác, liệu có xem xét về tội cố ý gây thương tích?
|
Ba đối tượng hành hạ dã man ông Trung trên tàu cá.
|
Cơ quan công an cho biết, trước mắt khởi tố tội Hành hạ người khác, trong quá trình điều tra nếu đủ căn cứ xác định tội danh khác sẽ tiếp tục xử lý theo quy định.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, với hành vi đánh đập, hành hạ dã man 2 ngư dân như thời trung cổ, hậu quả các nạn nhân bị thương tích nghiêm trọng, rất có thể cơ quan tố tụng sẽ xử lý các đối tượng gây án về hai tội danh là tội hành hạ người khác và tội cố ý gây thương tích.
Trước mắt cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 3 bị can về tội hành hạ người khác để tiến hành điều tra, làm rõ hành vi của từng đối tượng. Trong quá trình điều tra nếu kết quả cho thấy sự việc nghiêm trọng, ngoài hành vi hành hạ người khác còn có hành vi khác xâm phạm đến sức khỏe của nạn nhân, thỏa mãn dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích, có thể khởi tố thêm tội cố ý gây thương tích để xử lý theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần, hành vi vi phạm pháp luật có thể là tình tiết định tội (hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm) hoặc là tình tiết định khung hình phạt hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đều phải được áp dụng để xử lý đối với người vi phạm.
Do đó, nếu một hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu của nhiều tội danh, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá tổng thể các yếu tố về mặt chủ quan, mặt khách quan, chủ thể và khách thể để xác định áp dụng điều luật nào (tội danh nào) cho phù hợp theo nguyên tắc "quy phạm thu hút". Trường hợp một hành vi vi phạm pháp luật thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhiều tội danh sẽ áp dụng, xử lý theo tội danh có mức hình phạt nghiêm khắc hơn.
Trong vụ việc trên, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét để xử lý về các hành vi: làm nhục người khác, hành hạ người khác và cố ý gây thương tích.
Tội cố ý gây thương tích (Điều 134) và tội hành hạ người khác (Điều 140) đều là các tội danh thuộc Chương XIV "Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người". Trong đó, tội hành hạ người khác sẽ ít nghiêm trọng hơn tội cố ý gây thương tích và mức hình phạt cũng khác nhau. Với tội hành hạ người khác thì hình phạt không quá 3 năm tù, tội cố ý gây thương tích hình phạt có thể cao nhất là tù chung thân nếu hậu quả nạn nhân tử vong.
Đặc điểm khác nhau giữa hai tội danh, với tội hành hạ người khác, mối quan hệ giữa đối tượng thực hiện hành vi và nạn nhân bắt buộc phải là quan hệ lệ thuộc về kinh tế, về chính trị hoặc về công việc... Với tội cố ý gây thương tích, pháp luật không quy định bắt buộc mối quan hệ giữa đối tượng phạm tội và nạn nhân. Mục đích của việc hành hạ người khác là khiến cho nạn nhân bị tổn thương tâm lý, có thể gây ra những tổn hại về cơ thể. Mục đích của hành vi cố ý gây thương tích là mong muốn gây ra thương tích cho nạn nhân.
Bởi vậy nếu hành vi hành hạ người khác đánh đập dẫn đến thương tích hoặc nạn nhân tử vong, mục đích muốn gây ra tổn hại cơ thể hoặc xâm phạm tính mạng của nạn nhân thì sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người, tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.
|
Nạn nhân bị đánh đập, tra tấn như thời trung cổ. |
Trong vụ án hành hạ người khác đối với hai thuyền viên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối quan hệ giữa đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với nạn nhân có phải là quan hệ lệ thuộc hay không. Đồng thời sẽ làm rõ tất cả các hành vi xâm phạm đến thân thể của các nạn nhân, làm rõ động cơ mục đích của việc thực hiện hành vi, nhận thức của người thực hiện hành vi và xác định hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để đánh giá hành vi đó thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội hành hạ người khác hay tội cố ý gây thương tích.
“Vụ án gây rúng động dư luận, gây hoang mang lo lắng cho các gia đình có người đi làm thuê trên các thuyền cá. Nếu không có clip, nạn nhân không tố cáo, sự việc xảy ra giữa biển khơi rất khó cơ quan chức năng phát hiện và can thiệp kịp thời, xử lý đối với những đối tượng gây án. Các nạn nhân đã phải trải qua những phút giây đau đớn, tủi nhục, bị sang chấn tâm lý, rối loạn hành vi và tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe.
Hành vi đánh đập, hành hạ 2 thuyền viên của các đối tượng gây án không khác gì những hình thức tra tấn thời trung cổ, tàn nhẫn, mất tính người thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ mục đích, làm rõ diễn biến sự việc, làm rõ từng hành vi và nhận thức, làm rõ hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để kết luận, để có căn cứ tòa án xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Tối 15/11, mạng xã hội xuất hiện 2 clip ghi lại cảnh một người đàn ông bị hành hạ dã man. Hình ảnh của 2 clip cho thấy vụ việc xảy ra trên tàu cá ở ngoài biển. Sau đó, UBND huyện Trần Văn Thời có báo cáo về vụ việc.
Theo đó, ngày 30/5, ông Trương Văn Trung và anh Lê Văn Bình (SN 1992, cùng trú huyện Trần Văn Thời, đều làm nghề ngư phủ đã đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo về việc mình bị hành hạ trên tàu cá. Ba người tham gia đánh là Tỵ, Toàn và Hùng.
Ngày 28/5, anh Bình đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo việc bị đánh gây thương tích trên tàu cá mang biển kiểm soát BT97993-TS. Sau đó, ngày 30/5, ông Trung đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo việc bị đánh gây thương tích ở tàu cá trên.
Theo trình bày của anh Bình và ông Trung, ngày 4/1, tàu cá BT97993-TS do bà Phạm Thị Hà làm chủ đã xuất bến để ra biển tại cửa sông Đốc. Trên tàu có 7 người gồm: Nguyễn Công Toàn (con bà Hà là tài công), Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Văn Hùng, Trương Văn Trung, Phạm Chí Cường, Nguyễn Văn Của và Nguyễn Văn Tỵ. Sau đó, anh Nguyễn Văn Hùng không làm biển được nên quá giang tàu khác vào bờ, bà Hà thay thế bằng anh Lê Văn Bình.
Sau khi ra biển, tàu cá BT97993-TS hoạt động bình thường. Đến ngày 23/5, ông Trung bị Toàn, Tỵ và Hùng đánh gây thương tích (bị thương ở tai phải, gãy 4 răng, dập môi và gối phải). Ngày 24/5, Bình bị Toàn, Hùng đánh gây thương tích vùng bả vai phải và gãy một răng. Ba đối tượng trên đánh đập dã man nạn nhân bằng vỏ xe, roi đuôi cá đuối, kìm, dây thừng, dao, xẻng…
Ngày 22/11, Công an huyện Trần Văn Thời phối hợp Đồn biên phòng Sông Đốc đưa nạn nhân Trung từ ghe biển ngoài khơi về đến Công an huyện để phối hợp việc điều tra và đi giám định thương tích. Riêng anh Lê Văn Bình hiện chưa có thông tin liên lạc, Công an huyện đang phối hợp gia đình xác minh thông tin về ghe biển mà anh này đang làm việc.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chủ quán bánh xèo bị tố hành hạ nhân viên tại Bắc Ninh