Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về việc Hà Nội thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, việc thi tuyển các chức danh trên là tốt và cần thiết.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, mục đích của đề án có thể thấy rõ là nhằm phát hiện, thu hút trọng dụng người có đức, có tài, đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức giữ chức vụ cấp trưởng, phó phòng. Đồng thời, đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo…
|
Hà Nội đã thông qua đề án thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập.
|
Tuy nhiên, bà An cho rằng, khi triển khai thi tuyển cần chú ý mấy vấn đề cần phải làm chuẩn như tiêu chí phải rõ ràng gồm tiêu chí về quản lý, tiêu chí về chuyên môn, tiêu chí về phẩm chất, năng lực tập hợp quần chúng.
“Các chức vụ trưởng, phó phòng nói chung là quản lý nhà nước nhưng mỗi lĩnh vực lại khác nhau, do đó sự rõ ràng về tiêu chí là rất cần thiết”, bà An nói.
Cùng với đó, tất cả quy trình thi phải minh bạch toàn bộ gồm tiêu chí, vị trí, lĩnh vực chuyên môn, ngày giờ… Thang điểm chấm thế nào phải xây dựng hoàn chỉnh và chuẩn. Đặc biệt phải đảm bảo bí mật tuyệt đối đề thi. Thực tế việc lộ đề thi vẫn có thể xảy ra nếu không làm chặt chẽ. Đồng thời nên công khai các quan hệ của ứng viên.
“Chỉ có chuẩn bị kỹ càng, làm chặt chẽ, việc thi tuyển chức danh trên mới có giá trị chọn được tiêu chí của đầu vào. Tuy nhiên, để đánh giá cán bộ đó có đảm đương được chức trưởng phòng hay không, có làm tốt không cần phải qua thực tiễn như 6 tháng, 1 năm cần đánh giá năng lực cán bộ đó như thế nào. Bởi công tác lãnh đạo, quản lý phải trải qua thực tiễn. Có thể có người thi lý thuyết rất giỏi nhưng khi làm lại không làm tốt. Do đó để lựa chọn được người tài thì phải qua thực tiễn”, PGS.TS Bùi Thị An nêu ý kiến.
Bà An cũng cho rằng, chỉ có minh bạch công khai ngay từ đầu, công tác cán bộ là cực kỳ quan trọng. Những người được giao nhiệm vụ phải là những người chuẩn về tư cách đạo đức, phẩm chất, trong sạch, có năng lực thì mới có thể chọn lựa được những cán bộ công chức, viên chức đủ tài, đủ đức giữ chức vụ trưởng, phó phòng.
Theo Đề án thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đây ký phê duyệt, các chức danh thi tuyển gồm: Chức danh do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm thuộc diện Ban cán sự UBND thành phố quản lý: Văn phòng UBND thành phố (Trưởng/Phó ban tiếp công dân); Sở Tư pháp (Trưởng phòng công chứng; Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản); Sở Giáo dục và Đào tạo (Hiệu trưởng/Phó hiệu trưởng Trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục); Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Hiệu trưởng trường trung cấp).
Chức danh do thủ trưởng sở, ban, ngành bổ nhiệm thuộc diện thí điểm thi tuyển gồm: Trưởng phòng thuộc sở; Chi cục trưởng; thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở. Các chức danh do Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm sẽ tổ chức thi tuyển gồm: Trưởng phòng thuộc UBND cấp huyện; thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; chủ tịch UBND phường thí điểm chính quyền đô thị. Trưởng phòng thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố bổ nhiệm cũng sẽ thí điểm thi tuyển.
Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2022 mỗi cơ quan thi tuyển tối thiểu 2 người (nếu có chức danh khuyết thiếu trong năm 2022). Người dự tuyển là cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn.
Hiện nay, đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, phó tại các phòng, ban, chi cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Hà Nội là 9.884 người. Qua công tác thanh kiểm tra về công tác cán bộ 3 năm gần đây, thành phố phát hiện 50 trường hợp bổ nhiệm sai sót tại các sở, ban, ngành và có tới 185 lãnh đạo quản lý các cấp vi phạm khuyết điểm bị xem xét kỷ luật. Thực trạng trên đặt ra vấn đề về công tác cán bộ cần chặt chẽ và hoàn thiện hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thu nhập giảm, hàng loạt cán bộ, công chức xin nghỉ việc: