Liên quan đến việc Hà Nội thí điểm tách làn đường Nguyễn Trãi để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, mới đây, chuyên gia giao thông, ThS Đỗ Cao Phan đã có những chia sẻ tâm huyết.
Theo chuyên gia giao thông Đỗ Cao Phan, đường Nguyễn Trãi, đoạn từ Hà Đông - Ngã Tư Sở hiện là một trong những tuyến được đầu tư hạ tầng tốt nhất của Hà Nội với 5 - 6 làn xe mỗi hướng. Nút giao Khuất Duy Tiến với 4 tầng lưu thông gồm hầm chui - đường đi thấp - đường trên cao - đường sắt đô thị. Nhưng nghịch lý đây cũng là một trong những trục giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc nhất.
Hai nguyên nhân lớn dẫn đến thực trạng đó là: Phương án tổ chức giao thông trên tuyến chưa tối ưu và ý thức của người tham gia giao thông kém. Ví dụ điển hình là việc thiếu làn đường riêng khiến xe buýt vừa “chìm nghỉm” trong ùn tắc, vừa là tác nhân ít nhiều ảnh hưởng đến giao thông trên trục Hà Đông - Ngã Tư Sở. Nhiều vị trí hình thành điểm đen ùn tắc thường xuyên do người điều khiển phương tiện cố tình lấn làn, gây hỗn loạn.
|
Đường Nguyễn Trãi chuẩn bị thí điểm tách làn. |
Vào khung giờ cao điểm sáng - chiều, đặc biệt khi có mưa lớn, toàn tuyến trở thành “cơn ác mộng” giao thông đối với người dân. Hàng dài xe ùn tắc nối nhau trong hầm chui, chen chúc trong nút giao.
Xe máy, ô tô, xe buýt giành giật nhau từng khoảng trống, mạnh ai nấy đi không chỉ gây rối loạn giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ rất cao xảy ra tai nạn. Lực lượng CSGT dù đã dàn quân dọc tuyến, căng hết sức điều tiết nhưng nhiều thời điểm vẫn bó tay trước sự rối loạn này.
Theo ThS Đỗ Cao Phan cho rằng, nhiều năm về trước, tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú đã từng được phân làn rất khoa học, giảm thiểu được ùn tắc giao thông. Cụ thể, khi chưa có đường sắt đô thị, tuyến đường này có hai làn đường dành riêng, sát lề phải mỗi hướng đi, dành cho xe buýt và xe máy, sử dụng dải phân cách cứng để tách biệt. Nhờ đó, ô tô, xe máy, xe buýt đi riêng, không chen lấn, hỗn loạn như hiện nay.
Phương án Sở GTVT Hà Nội bắt đầu thí điểm từ ngày 6/8 - 6/9 cũng tương tự như vậy. Cụ thể, cung đường thí điểm kéo dài từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Khuất Duy Tiến sẽ được lắp đặt 4 đoạn dải phân cách cứng dài gần 750m với mũi tên phản quang, trụ chống va xô kết hợp hàng rào cơ động có thể thu vào, kéo ra. Theo phương án đó, 2 làn sát vỉa hè mỗi hướng đi sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; tách biệt hẳn với 3 - 4 làn đường bên ngoài dành cho xe ô tô.
Khi phân tách rõ ràng, tình cảnh rối rắm, chen lấn giữa xe buýt, ô tô, xe máy dự kiến sẽ dần được tháo gỡ.
Với việc điều chỉnh này, chia sẻ trên VOV, chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình cho rằng, chắc chắn sẽ giảm xung đột giữa các loại phương tiện, giảm rủi ro tai nạn giao thông, tuy nhiên, việc bố trí làn phương tiện cần phù hợp với thực tế:
"Phân làn phương tiện trong giai đoạn đầu sẽ cực kỳ khó khăn và việc dành mấy làn cho ô tô, mấy làn cho xe máy phụ thuộc vào lưu lượng của từng loại trên đường, nếu 2 làn không đủ cho xe máy tạo ra ùn ứ thì lập tức xe máy sẽ tràn sang làn đường dành cho ô tô. Rất cần xem xét, nghiên cứu kỹ để cân đối số lượng làn phương tiện ô tô, xe máy, nên chăng dành phần rộng rãi hơn cho xe máy", TS Phan Lê Bình
Sau 1 tháng triển khai thí điểm, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và có phương án tiếp theo.