Ngày 12/9, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ tổ chức kỳ họp thứ chín (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Trong đó, tại kỳ họp, HĐND thành phố cũng xem xét quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023; quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023.
|
Quang cảnh kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026
|
Trước đó, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022 do UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội dự kiến hỗ trợ 50% học phí cho các cấp học trong năm học 2022-2023, đồng thời bù đắp mức chênh lệch thu học phí theo quy định của Nghị định 81, tương đương số tiền 1.133 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết, vào ngày 12/9 tới, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ tổ chức Kỳ họp thứ 9 để thảo luận và quyết định về mức học phí năm học 2022 - 2023. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc tăng học phí trong năm học 2022-2023 là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo lộ trình Nghị định 81/2021 của Chính phủ để từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Tuấn cho biết thêm Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học phí trong năm học 2022-2023. Theo đó, thành phố sẽ xem xét tiếp tục hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022 - 2023 như mức hỗ trợ năm học 2021 - 2022 và cho rà soát 100% đối tượng, mở rộng thành phần học sinh thuộc diện yếu thế, gia đình chính sách, gia đình khó khăn để thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.
30 quận, huyện trên địa bàn thành phố sẽ được chia thành 4 vùng, làm căn cứ để xác định mức học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; các xã miền núi còn lại được xếp vào vùng 4.
Học phí vùng 1 và 2 áp dụng với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên là 155.000 - 300.000 đồng mỗi tháng. Mức này gấp đôi so với năm học trước. Học phí ở hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000 - 200.000 đồng (vùng 3) và 50.000 - 100.000 đồng (vùng 4).
Dự kiến, tổng mức hỗ trợ giảm học phí năm học 2022 - 2023 và bù đắp mức chênh lệch theo quy định Nghị quyết 81 tương đương số tiền 1.133 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, trường hợp Chính phủ quyết định giữ nguyên hoặc miễn giảm mức học phí năm học 2022 - 2023 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Thông tin với báo chí trước kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Việt - chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội cho biết, về mức học phí năm học 2022-2023, HĐND TP Hà Nội sẽ thảo luận và quyết định trên cơ sở tờ trình của UBND TP, qua đó sẽ xác định việc áp dụng học phí là việc bắt buộc thực hiện theo lộ trình nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên tại thời điểm này, Hà Nội quy định theo mức sàn (là mức thấp nhất) của nghị định số 81/2021/NĐ-CP, đồng thời dùng ngân sách để bù đắp phần chênh lệch để phụ huynh sẽ không phải đóng góp.
“Đặc biệt trong bối cảnh sau 2 năm đại dịch đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022-2023 như mức hỗ trợ năm học 2021-2022 và cho rà soát 100% đối tượng, mở rộng thành phần học sinh thuộc diện yếu thế, gia đình chính sách, gia đình khó khăn để thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định" - ông Việt thông tin.
>>> Mời độc giả xem thêm video Học phí các trường đại học tăng cao trong năm học 2020-2021: