Với chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và TP. Hà Nội, từ những quy định mới được sửa đổi, bổ sung phù hợp, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô đang có nhiều tiến triển tích cực, nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và sự tham gia nhiệt tình từ doanh nghiệp.
126 chung cư cũ hoàn thành kiểm định
Liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, công tác triển khai đang bám sát Kế hoạch của Thành phố về xây dựng lại chung cư cũ đợt 1 năm 2022.
Đến nay, đối với một số khu vực có nhà nguy hiểm cấp D, như chung cư số 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) đã hoàn tất công tác di dời các hộ ra khỏi nhà nguy hiểm; 5 khu còn lại tại quận Ba Đình, gồm: Nhà C8 tập thể Giảng Võ, nhà G6A tập thể Thành Công, nhà A tập thể Ngọc Khánh, 2 đơn nguyên đầu hồi khu tập thể Bộ Tư pháp, nhà 148 - 150 Sơn Tây hoàn thành di dời trong quý II/2022.
Sở Xây dựng cũng cơ bản hoàn thành kiểm định 126 chung cư cũ trên địa bàn.
|
Hà Nội với quyết tâm cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
|
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có 1.579 chung cư, nhà tập thể cũ, qua rà soát đến thời điểm này, số lượng lại tăng thêm vào khoảng 2.000 chung cư. Nhưng đáng mừng là hiện nay số lượng doanh p (DN), nhà đầu tư xin đăng ký tham gia tương đối lớn, cao hơn gấp nhiều lần so với thời điểm cách đây hơn 2 năm.
"Đến nay, đã có 70 nhà đầu tư đăng ký tham gia cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố. Nếu như trước đây, các khâu kiểm định, lập quy hoạch chi tiết đều do nhà đầu tư thực hiện thì theo quy định mới (Nghị định số 69/2021/NĐ-CP), Nhà nước sẽ bỏ kinh phí thực hiện kiểm định và lập quy hoạch, kết quả sẽ khách quan hơn", ông Mạc Đình Minh cho hay.
Quyết tâm cao của lãnh đạo
Với việc Bí thư Thành ủy Hà Nội là Trưởng ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP; phụ trách chung, chỉ đạo hoạt động của Ban Chỉ đạo theo chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra càng cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng và không hề dễ dàng này.
Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hiện đã xuống cấp trên địa bàn TP là vấn đề được nói đến rất nhiều, với khó khăn, phức tạp không ít. Các đề xuất, ý kiến liên quan đến cải tạo lại các chung cư luôn là vấn đề nóng được cử tri nêu ra tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND TP…
Theo thống kê trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960 – 1994, tập trung chủ yếu tại các quận. Đến nay, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, sửa chữa cơ nới tự phát và hạ tầng kèm theo đã khiến biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp... Việc cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ đã được khởi động từ nhiều năm và hoàn thành ở một số chung cư, nhưng vẫn là con số rất nhỏ so với thực tế cấp thiết.
Trong nhiều năm qua, TP luôn xác định cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách với nhiều nhiệm vụ cụ thể được đặt ra nhằm đẩy nhanh tiến độ và tính khả thi như tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ bằng nguồn vốn ngân sách; lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định…
Để tạo cơ sở pháp lý cho vấn đề này, ngay kỳ họp đầu nhiệm kỳ khóa XVI (Kỳ họp thứ 2), HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội” và ngay sau đó UBND TP đã ban hành đề án này để đưa vào triển khai với những định hướng, giải pháp, kế hoạch, tiến độ cụ thể.
Cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư của T.Ư, TP cũng đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đặc thù phù hợp với quy định, nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia.
Để những chính sách, mục tiêu được thực thi, việc phân công rõ người, rõ việc trong chỉ đạo điều hành rất quan trọng. Lần này, Ban Chỉ đạo dưới sự điều hành chung của Bí thư Thành ủy, đã xác định rất rõ nhiệm vụ của từng cá nhân với rất nhiều đầu việc liên quan.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cũng thể hiện quyết tâm cao bằng kế hoạch hành động, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tiến độ triển khai…
Để qua đó xây dựng quy trình, phương pháp, giải pháp và chính sách hiệu quả, đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật về nhà ở, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai… Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá kết quả kiểm định chất lượng hiện trạng các chung cư cũ trên địa bàn TP.
Theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tập thể cũ ở Hà Nội và nhiều địa phương khác liên quan đến việc xác định hệ số đền bù giải phóng mặt bằng, tiếp theo là việc lựa chọn chủ đầu tư.
Những vấn đề này không thể tiến hành một cách vội vã, mà phải thực hiện theo từng bước, từng giai đoạn sau khi đánh giá cụ thể tình hình triển khai thực tế, nhằm đảm bảo lợi ích cho Nhân dân, DN và Nhà nước.
Vì vậy, cần có sự quyết tâm hơn nữa của chính quyền cấp cơ sở từ quận, huyện phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan, như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc nhằm xác định rõ mức độ nguy hiểm của từng khu nhà, từ đó đưa ra quyết định địa điểm nào làm trước, làm sau.
Bên cạnh đó, sự đồng thuận từ người dân cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tái thiết đô thị này. Người dân có quyền yêu cầu lợi ích cho mình, nhưng cũng cần sự hài hòa và trách nhiệm với cộng đồng.
Tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV mới đây, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời gian qua, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô gặp nhiều khó khăn, để tháo gỡ những vướng mắc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, HĐND TP cũng có Nghị quyết thông qua về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, trên thực tế khi triển khai cũng sẽ nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc, nhưng TP. Hà Nội đang rất quyết tâm triển khai, đảm bảo chỉnh trang đô thị. Tới đây, Hà Nội tiếp tục quan tâm và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai, đảm bảo quyền lợi của Nhân dân trong công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Có thể nói rằng, việc cải tạo, đầu tư xây dựng đối với từng khu chung cư để đảm bảo tính khả thi không chỉ cần sự quan tâm đặc biệt để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc từ quy hoạch, các chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư… còn cần sự quyết tâm lớn từ người đứng đầu.