Hà Nội phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 7 và lớp 10, giáo viên nói gì?

Google News

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 7 và lớp 10.

Theo danh mục được Hà Nội phê duyệt, có 42 SGK lớp 7 được lựa chọn. Bao gồm: 2 sách ngữ văn, 3 sách toán, 9 sách tiếng Anh, 3 sách khoa học tự nhiên, 3 sách lịch sử và địa lý, 3 sách giáo dục công dân, 3 sách âm nhạc, 4 sách mỹ thuật, 3 sách tin học, 3 sách công nghệ, 3 sách giáo dục thể chất, 3 sách hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.

Có thể thấy, với mỗi môn học, hoạt động giáo dục đều có ít nhất từ 2 SGK trở lên.
Ha Noi phe duyet danh muc sach giao khoa lop 7 va lop 10, giao vien noi gi?
Cán bộ, giáo viên các trường phổ thông ở Hà Nội tìm hiểu về sách giáo khoa lớp 7, lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Hà Nội Mới.

Với lớp 10, có 55 SGK được lựa chọn sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Các sách giáo khoa được lựa chọn của nhiều nhà xuất bản gồm: Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà Xuất bản Đại học Huế, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Việc lựa chọn sách giáo khoa hoàn toàn minh bạch

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập 38 hội đồng chọn lựa SGK để làm nhiệm vụ lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 theo chương trình GDPT 2018 (gồm 11 hội đồng lựa chọn SGK cấp tiểu học, 12 hội đồng lựa chọn SGK cấp THCS và 15 hội đồng lựa chọn SGK cấp THPT trên địa bàn TP năm 2022).

Các hội đồng có nhiệm vụ lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo quy định; đề xuất danh mục SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP với UBND TP Hà Nội.

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ThS Lê Thị Hương Giang, giáo viên Trường THPT Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, việc lựa chọn SGK hoàn toàn khách quan, minh bạch, các giáo viên được trao quyền tự chủ. “Hoàn toàn không có một tác động nào trong việc lựa chọn sách”, cô Giang nói.

Trong tháng 3 vừa qua, cô Giang cùng với hơn 40.000 cán bộ, giáo viên có dịp tìm hiểu kỹ hơn về từng cuốn sách qua việc trao đổi với các chủ biên, tác giả sách trong hội nghị giới thiệu sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tại hội nghị này, các giáo viên được nghe các tác giả sách trình bày, chia sẻ về quá trình biên soạn, nội dung cơ bản, thông điệp của các cuốn sách. Từ đó, nắm bắt các nội dung cơ bản, cốt lõi của bộ sách để đưa ra những quyết định trong việc lựa chọn SGK.

Ngoài ra, các giáo viên cũng được các tác giả hướng dẫn cách triển khai phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh qua các phương pháp dạy học tích cực, phát triển năng lực học sinh.

“Buổi trao đổi này rất có ý nghĩa, bởi giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về các bộ sách để lựa chọn. Bản thân tôi, lúc đầu tôi nghiêng về chọn bộ sách Cánh Diều, bởi có nhiều tác phẩm trong sách giáo khoa cũ. Tuy nhiên, sau khi nghe người chủ biên giới thiệu bộ Kết nối tri thức với cuôc sống, thì tôi lại chọn bộ sách Kết nối vì thấy thích sự mới mẻ, cách viết rất “văn chương””, cô Giang chia sẻ.

ThS Trần Thị Hằng, giáo viên Trường THPT Kim Anh, Hà Nội cũng cho biết, khi lựa chọn SGK, toàn bộ các thành viên ở tất cả các tổ bộ môn đều được đưa ra ý kiến của mình. Sau đó thảo luận, và đưa ra quyết định.

Đối với SGK mới, tuy chưa thực hiện dạy, nhưng qua quá trinh đọc để lựa chọn thì thấy sách có nhiều ưu điểm, trong đó đặc biệt phần hướng dẫn tự học rõ ràng hơn, hướng tới việc hình thành tri thức và kỹ năng theo thể loại, đọc nhiều loại văn bản khác nhau…

Việc ở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với các nhà xuất bản  tổ chức hội nghị giới thiệu sách giáo khoa đã cho giáo viên có cơ hội được tiếp xúc với các chủ biên, nhà biên soạn, giải đáp được những băn khoăn, rất ý nghĩa.

"Chỉ có một điều hơi đáng tiếc một chút, đó là các chủ biên, nhà biên soạn mới chỉ đưa ra những ưu điểm của các bộ sách. Chúng tôi mong được lắng nghe cả những điểm còn hạn chế, những điều mà có thể vì lý do nào đó người làm sách chưa thực hiện được. Điều đó có thể giúp các giáo viên trong quá trình dạy sẽ lưu ý, và nếu có điều kiện thì điều chỉnh để có thể làm giảm bớt được những hạn chế đó đi", cô Hằng nói.

Cô Hằng cho biết, để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới và triển khai SGK mới, Sở GD&ĐT cũng đã có nhiều chuỗi hoạt động tập huấn cho các giáo viên.Tất cả những điều đó đã thể hiện sự quan tâm, chu đáo của lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội.

Tuy nhiên, cô Hằng cũng mong muốn, những chương trình sẽ được thực hiện tốt hơn nữa. Ví dụ, trước các buổi tập huấn thì có thể gửi email nội dung đến các nhà trường. Sau đó, tổ chức thành các buổi tọa đàm để lắng nghe những ý kiến phản hồi của giáo viên, cụ thể hóa bằng những đơn vị bài học nhỏ…

Hoặc người được giao nhiệm vụ tập huấn thay vì chỉ thuyết trình với những chữ trên màn hình thì có thể sử dụng các hình thức sáng tạo khác để buổi tập huấn theo đúng tinh thần giáo dục phổ thông mới.

Sắp tới, trong thời gian học sinh nghỉ hè, các giáo viên sẽ tiếp tục tham dự các buổi tập huấn. Cô Hằng mong sẽ có được những buổi tập huấn thực sự chất lượng.

Cũng liên quan đến việc chọn SGK, cô giáo Đỗ Phương Nam, giáo viên Trường THCS Ngô Gia Tự cho biết, giáo viên được trao quyền trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

Và việc được trực tiếp đối thoại với các nhóm tác giả sách giáo khoa giúp giáo viên được giải đáp các thắc mắc, tháo gỡ nhiều băn khoăn trong quá trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới mới.

Về công tác tập huấn cho giáo viên, cô Nam mong muốn sẽ có thêm những buổi tập huấn kỹ càng hơn nữa, và được hướng dẫn phương pháp dạy học khi triển khai sách mới.

“Bởi vì, với mỗi đối tượng học sinh khác nhau, có thể lại cần những phương pháp khác nhau. Đó cũng là điều giáo viên mong muốn được hướng dẫn kỹ hơn”, cô Nam nói.

Các SGK đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt sẽ được đưa vào sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2022-2023 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Mai Nguyễn

>> xem thêm

Bình luận(0)