Theo số liệu từ Sở Y tế Hà Nội, tổng số trẻ từ 6 đến dưới 36 tháng tuổi được uống vitamin A trong dịp này là 405.389 trẻ với 1.700 điểm uống.
Để chiến dịch đạt kết quả cao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và Trung tâm Y tế (TTYT) các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai uống bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, tích cực điều tra, rà soát, viết giấy mời. Tập huấn cho cán bộ y tế và cộng tác viên trực tiếp tham gia chiến dịch cho trẻ uống bổ sung vitamin A, đồng thời, hỗ trợ công tác vào sổ số trẻ đã uống vitamin A...
|
Ảnh minh họa. Nguồn: VTV. |
Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các TTYT, các trạm y tế xã, phường, thị trấn chuẩn bị đầy đủ vật tư, gửi giấy mời đến từng hộ gia đình có trẻ trong độ tuổi uống vitamin A. Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, vật tư như khay, kéo; nước uống, cốc/thìa uống nước. Thùng đựng giấy lau, vỏ viên nang vitamin A có nắp đậy...
Ngoài ra, tại các điểm uống, cần phân bổ số trẻ hợp lý, mời trẻ uống theo giờ, tránh tình trạng quá đông gây ùn tắc, quá tải, bảo đảm quy định phòng, chống dịch...
Cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống thuốc cần phải sàng lọc trước khi cho trẻ uống. Những trẻ có dấu hiệu chống chỉ định thì tạm dừng và cho uống bù vào thời gian thích hợp sau khi hết các dấu hiệu chống chỉ định này.
Bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn để nhân viên y tế, người đưa trẻ đến uống và trẻ được đưa đến địa điểm uống có thể sử dụng. Cán bộ y tế Trạm Y tế cho đối tượng uống vitamin A phải đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng đối tượng, đủ liều lượng, giữ trẻ lại theo dõi ít nhất 30 phút sau uống để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Nhân viên y tế, người đưa trẻ đến uống và trẻ được đưa đến địa điểm uống phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, bảo đảm vệ sinh cá nhân. Những người mắc Covid-19, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 không được phép đến địa điểm uống...
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 cho biết, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng được cải thiện rõ nhưng vẫn thiếu hụt ở bà mẹ và trẻ em. Trong đó, thiếu vitamin A tiền lâm sàng (thiếu hụt nhưng chưa có biểu hiện bệnh) ở trẻ em dưới 5 tuổi là 9,5%, vitamin A trong sữa mẹ thấp là 18,3%. Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%, phụ nữ có thai là 25,6%, phụ nữ tuổi sinh đẻ là 16,2%. Thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 63,5% và 58% ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), vitamin A có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ các biểu mô giác mạc, da, niêm mạc. Thiếu vitamin A, trẻ chậm lớn, còi cọc, hay mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp; thiếu nặng sẽ bị khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa.
Nhu cầu vitamin A ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi là 400 mcg/ngày, trẻ từ 3 - 5 tuổi là 500 mcg/ngày. Các thực phẩm có nhiều vitamin A là: thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn… Rau có màu xanh sẫm, quả có màu vàng, đỏ (gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ) có nhiều beta carotene (là tiền vitamin A).
Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ, các bà mẹ nên cho con bú ngay sau sinh để trẻ được bú sữa non, vì trong sữa non có hàm lượng vitamin A cao giúp trẻ khỏe, tăng sức đề kháng và chống được các bệnh. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm tự nhiên có đủ vi chất dinh dưỡng đáp ứng được nhu cầu của trẻ.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các bữa ăn cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm và thường xuyên thay đổi ngay từ khi trẻ nhỏ mới bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm).
Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói về việc cần có quỹ bình ổn giá xăng dầu". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.