Sau hơn 4 năm thi công, dự án vành đai 2 trị giá gần 10.000 tỷ đồng ở Hà Nội được khánh thành. Tuyến đường được khởi công từ tháng 4/2018 với 2 hợp phần: Mở rộng đường dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng và xây dựng tuyến đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Hợp phần đường dưới thấp có quy mô 8-10 làn xe rộng 53,5-63,5m, vỉa hè rộng 4-6 m mỗi bên và được lát đá, trồng cây giáng hương. Công trình đường trên cao dài hơn 5 km với 4 làn xe dành riêng cho ôtô (rộng 19 m), nối liền 4 quận trung tâm là Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân.
Toàn tuyến đường vành đai này có 8 nhánh lên xuống tại đoạn giao với cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng (trên phố Đại La và phố Trường Chinh) cùng lối lên xuống ở Ngã Tư Sở.
|
Thông xe toàn tuyến đường vành đai 10.000 tỷ ở Hà Nội. |
Trong đó, nhánh lên xuống qua Ngã tư Vọng là hạng mục phức tạp nhất với trụ cầu cạn cao nhất Hà Nội. Tại đây độ cao từ nền đường trên cao tới mặt đất khoảng 30 m - gấp 1,5 lần so với các trụ cầu của các dự án khác. Trong tương lai, khu vực này sẽ hình thành nút giao 4 tầng xe chạy.
Theo phương án phân luồng Ngã Tư Sở mới nhất, phương tiện bị cấm rẽ trái theo hướng Láng - Tây Sơn. Thay vào đó, các xe sẽ đi thẳng qua nút giao và rẽ trái tại điểm quay đầu đường Trường Chinh, sau đó rẽ phải về Tây Sơn.
Đồng thời, người tham gia giao thông cũng không được đi thẳng phía dưới cầu vượt Ngã Tư Sở để ra đường Tây Sơn. Phương án đưa ra là đi thẳng bằng cầu vượt hoặc rẽ phải về đường Trường Chinh rồi rẽ phải để đi Tây Sơn.
Dự án vành đai 2 có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 9.998 tỷ đồng theo hình thức BT. Nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup, liên danh nhà thầu thi công là Trung Nam E&C - Trung Chính. Theo phương án thu hồi vốn được thông qua, nhà đầu tư được tạo điều kiện khai thác quỹ đất 90 ha khu Sài Đồng A (quận Long Biên) và quỹ đất 130 ha trải trên 4 xã Tân Hội, Liên Trung, Tân Lập, Liên Hà (huyện Đan Phượng).
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm: