Trên trang chủ của UBND TP và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, chỉ có thể tìm thấy số người được xác định đã nhiễm virus và số lượng người có nguy cơ lây nhiễm. Trong khi đó, cần thay đổi cách tiếp cận với dịch bệnh, chỉ những người thật sự cần đến sự hỗ trợ y tế mới nên được coi là bệnh nhân.
Việc điều hành, ứng phó nên và chỉ nên dựa vào số người cần đến sự hỗ trợ y tế, cần đến bệnh viện, chứ không phải dựa vào số lượng những người đã được phát hiện nhiễm virus.
Với tỷ lệ dân chúng đã được tiêm chủng rất cao, tỷ lệ F0 không cần đến sự hỗ trợ y tế ở bệnh viện tại Hà Nội chắc chắn sẽ rất lớn, chính quyền nên tập trung vào mục tiêu hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ y tế, đến việc chữa trị các ca nặng, hạn chế tử vong, hơn là trải rộng nguồn lực hạn chế đến cả những người không cần thiết phải tập trung đến cơ sở y tế.
Tất nhiên, để làm vậy, trước hết cần làm tốt cả quy định và công tác tuyên truyền. Việc chính quyền Hà Nội buộc tất cả trẻ em dưới 3 tuổi và người trên 49 tuổi nhiễm virus phải tập trung đến cơ sở y tế không chỉ tạo ra sự quá tải cho hệ thống y tế, mà còn gây tác hại cho chính những người nhiễm virus.
Chắc chắn, hệ thống y tế hiện tại không thể đủ khả năng để phục vụ một số lượng lớn những người nhiễm virus khoẻ mạnh, và việc tập trung họ lại mà không được hỗ trợ sẽ tạo ra nguy cơ lớn, vì rất nhiều người sẽ có thể bị tổn hại bởi các bệnh lý khác khi bị tập trung.
Quy định tại văn bản 276/PA-UBND ngày 2/12 của UBND TP Hà Nội, về đối tượng có thể cách ly y tế tại nhà là trái với quyết định 4038/BYT của Bộ Y tế khi buộc tất cả những người trên 49 tuổi và trẻ em dưới 3 tuổi phải cách ly tập trung. Bộ Y tế chỉ quy định về các điều kiện lâm sàng và đáp ứng thêm tối thiểu 1 trong 2 tiêu chí là đã tiêm vắc xin đầy đủ sau 14 ngày, hoặc trên 1 tuổi và dưới 50 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai.
Không chỉ thế, việc buộc người nhiễm virus phải viết đơn đăng ký, phải có “tổ thẩm định” để đánh giá điều kiện cách ly tại nhà tại văn bản trên sẽ không chỉ tạo ra sự chậm trễ do cả thói quan liêu lẫn sự quá tải của cơ sở, mà còn tạo ra sự nhũng nhiễu không cần thiết lẫn nguy cơ cho cán bộ cơ sở bởi sẽ phải thực hiện một lượng công việc khổng lồ khi số ca nhiễm tăng nhanh.
Việc tuyên truyền, hướng dẫn để từng người dân hiểu và làm tốt, cả việc phòng tránh dịch, lẫn việc tự cách ly, chữa trị cũng rất quan trọng. Những gì tôi tìm thấy trên trang chủ của UBND TP và CDC Hà Nội không cho thấy sự sẵn sàng như vậy.
Trang thông tin về Covid của UBND TP, mục “những điều người dân cần biết” chỉ được cập nhật đến thời điểm… ngày 27/4/2020. Trên trang chủ của CDC Hà Nội, rất khó để tìm được những thông tin hữu ích cho những người nhiễm virus. Chính quyền sẽ cần làm ngay, hoặc huy động ngay các cơ quan truyền thông để làm tài liệu hướng dẫn dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện cho mọi người dân, đặc biệt là những người nhiễm virus và gia đình.
Tổ chức các điểm cách ly tự nguyện ở cấp phường
Việc cách ly người nhiễm virus lẫn người có nguy cơ nhiễm cũng cần phải thay đổi cơ bản, phân tán việc tổ chức cách ly về cơ sở là cần thiết và hiệu quả. Chính quyền đến cấp phường nên được trao trách nhiệm tổ chức các điểm cách ly tự nguyện tại địa bàn cho những người nhiễm virus không cần đến sự hỗ trợ y tế và những người nguy cơ nhiễm, không có đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Hà Nội có ưu thế lớn về cơ sở vật chất với hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, trường học… để phục vụ cho mục tiêu này, và việc đưa các cơ sở này vào phục vụ việc phòng chống dịch là cần thiết và sẽ hiệu quả, khi nó được trao cho chính quyền cấp cơ sở.
Hệ thống y tế tư nhân thủ đô có năng lực cao hơn nhiều địa phương khác, và cần được huy động để chia sẻ nguồn lực với y tế nhà nước. Chính quyền TP nên công bố và cập nhật hàng ngày số giường bệnh mà TP có thể huy động để chữa trị những người nhiễm và số giường trống, số ca bệnh đang chữa trị tại các bệnh viện, số lượng các ca nặng, thay vì công bố số ca F0.
Một vấn đề khác, là tổ chức chăm sóc cho những người chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Một thực tế rõ ràng trong hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế công lập hiện nay, là thiếu dịch vụ chăm sóc bệnh nhân của hộ lý, y tá, trong khi điều này cực kỳ quan trọng với người nhiễm virus.
Nhiều năm nay, bệnh nhân tại các bệnh viện chủ yếu được săn sóc bởi người thân hoặc những người giúp việc, thực tế này không thể khắc phục ngay được vì thiếu nguồn lực. Trong khi đó, người bệnh sẽ không chỉ cần sự hỗ trợ về tinh thần, mà còn thật sự cần người hỗ trợ về ăn uống, dinh dưỡng… để có thể vượt qua khi bệnh diễn tiến nặng.
Tôi nghĩ, chính quyền TP cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc này, bằng nhiều cách phù hợp, như huy động tình nguyện viên đã tiêm 2 liều vắc xin để phục vụ và mở các khoá hướng dẫn khẩn cấp cho họ, chính quyền cũng nên cho phép người thân đã tiêm chủng đầy đủ đăng ký để chăm sóc bệnh nhân.
Với những gì đã diễn ra ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Hà Nội chắc chắn sẽ cần và nên có được sự sẵn sàng để ứng phó với đợt lây nhiễm mới. Nền tảng tốt nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao là một ưu thế, nhưng sự sẵn sàng chuyển trạng thái, thích ứng để vượt qua đợt lây nhiễm mới này là thật sự cần thiết.