Giáo dục Việt Nam tăng 5 bậc, đứng thứ 59 thế giới

Google News

Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

Chiều 18/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành. Dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Việt Nam tăng 5 bậc các quốc gia tốt nhất về giáo dục
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết 29 của Trung ương.
Giao duc Viet Nam tang 5 bac, dung thu 59 the gioi
 Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành giáo dục.
Ngành giáo dục đã tích cực xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới; triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình.
Năm học qua cả nước có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non (giảm 67 trường so với năm học trước) và 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông.
Cả nước có 1.976.744 học sinh các cấp (tăng 499.960 em). Tỉ lệ học sinh/lớp ở cấp Tiểu học là 32,1, THCS là 37,71 và THPT là 40,27. Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai... 
Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đạt kết quả cao với 11 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 12 huy chương đồng và 5 bằng khen.
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn quốc đạt 98,88%, phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.
Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2023 tại Hoa Kỳ; các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).
Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn, hoàn thiện; tuyển sinh giáo dục đại học cơ bản giữ ổn định qua các năm, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022-2026.
Bộ GD&ĐT trình và được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác.
Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các địa phương thực hiện rà soát, dồn dịch điểm trường lẻ, sát nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư, bảo đảm điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học.
Mới đây, ngày 15/8, Bộ GD&ĐT tổ chức thành công chương trình "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023".
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ được đông đủ nhất đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục trong cả nước. Chương trình được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Bộ GD&ĐT kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và khoảng 40 nghìn điểm cầu tại địa phương, cơ sở giáo dục trên khắp mọi miền đất nước, với sự tham dự của gần 1 triệu giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. 
Vẫn còn áp lực tuyển sinh đầu cấp 
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. 
Trong đó, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022 - 2023. Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có chính sách đột phá thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn.
Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn bất cập; vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp và áp lực tuyển sinh đầu cấp, nhất là tại Hà Nội và TP HCM.
Việc các trường tổ chức dạy học theo các tổ hợp lựa chọn không giống nhau đã khiến cho việc thay đổi tổ hợp và chuyển trường của học sinh lớp 10 năm nay gặp nhiều trở ngại.
Vẫn còn có một số cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lồng ghép việc bán sách giáo khoa đi kèm với sách tham khảo, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và xã hội.
Năm học 2023-2024, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Năm học 2023-2024, toàn ngành giáo dục tập trung triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm với chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất khi là một cô giáo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)