Yêu cầu, nhiệm vụ TP đặt ra trong 15 ngày tiếp tục giãn cách xã hội này là phải thực hiện quyết liệt, thực chất hơn nữa, “ai ở đâu ở yên đấy” đang được các địa phương tập trung thực hiện.
Giải pháp đúng và trúng
Như nhận định của lãnh đạo TP, 15 ngày giãn cách vừa qua, Hà Nội đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng; tận dụng hiệu quả thời gian này để truy vết, khoanh vùng, bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng... Số ca mắc mới được phát hiện tăng mạnh, có ngày ghi nhận lên tới hơn 100 người, cho thấy giãn cách là giải pháp đúng và trúng.
Tuy nhiên, sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, diễn biến dịch vẫn rất phức tạp. Xuất hiện các ca bệnh mới xuất hiện trong bệnh viện, các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, DN, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối; có mặt ở hầu hết 30 quận, huyện, thị xã, với 10 chùm ca bệnh khác nhau. Cùng với đó, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn lơi là, chủ quan, chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội, vẫn còn tình trạng đông người đi lại trên đường, tại các chợ, siêu thị. Việc TP tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tới 6 giờ ngày 23/8/2021; siết chặt công tác kiểm tra, giám sát, được dư luận người dân cho là giải pháp cần thiết tại thời điểm này.
|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một chốt ''vùng xanh'' ở xã Tân Triều (huyện Thanh Trì). Ảnh: Phạm Hùng. |
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức xét nghiệm, sàng lọc để chủ động phát hiện người nhiễm virus trong cộng đồng, nhưng TP vẫn luôn tồn tại nguy cơ tiềm ẩn các ca mắc và ổ dịch lẩn khuất trong cộng đồng. Điểm đáng lo ngại là số ca mắc vẫn rải rác trên nhiều quận, huyện, khu vực. Chính vì thế việc chặt chẽ, đồng bộ và thực hiện tốt các biện pháp đã đề ra, thậm chí phải nghiêm ngặt hơn nữa là rất cần thiết.
"Trước nguy cơ tiềm ẩn như vậy cũng như biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, việc Hà Nội tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND thêm một thời gian nữa là để bảo vệ thành quả vừa qua. Nhưng việc thực hiện Chỉ thị này phải rất nghiêm. Nếu không làm nghiêm, chúng ta sẽ lại rơi vào tình huống như một số tỉnh, TP thời gian qua dẫn đến virus lây lan mạnh" - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định: Thực tiễn cho thấy, nếu không thực hiện kịp thời giãn cách xã hội, Hà Nội có thể đã không giữ được tình hình dịch như hiện nay. Nếu không tiếp tục kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội, TP sẽ không thể bảo đảm được thành quả hiện tại, không có đủ điều kiện để tiếp tục kiểm soát và tiến tới khống chế dịch. Do đó, lúc này, giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng nhất để dập tắt các ổ dịch, bảo vệ sức khỏe an toàn tính mạng Nhân dân.
“15 ngày đầu giãn cách có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng 15 ngày tiếp theo càng có ý nghĩa quan trọng, quyết định hơn. Nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở và toàn thể người dân Thủ đô lúc này là chấp hành nghiêm nguyên tắc "người cách ly với người", "gia đình cách ly với gia đình”, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đấy”” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Tránh việc ra đường khi không cần thiết
Để thực hiện nghiêm nguyên tắc giãn cách xã hội, TP đã siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường để bảo đảm các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy định: Bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thực sự cần thiết như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp thiết khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
Thực tế tại các quận, huyện cho thấy, ngày đầu tiên thực hiện việc siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội tiếp theo, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát, nhắc nhở người dân tuân thủ đúng quy định; yêu cầu phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định, nếu là người đi làm phải có giấy giới thiệu, lịch làm việc. Tuy nhiên, buổi đầu thực hiện, lực lượng chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở Nhân dân chấp hành Công điện số 18/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP. Việc xử lý vi phạm thiếu các giấy tờ liên quan đến lịch công tác, xác nhận của chính quyền địa phương sẽ được thực hiện từ ngày 10/8.
Ghi nhận chung cho thấy, hầu hết người dân cũng ý thức về việc cần thiết quy định và kiểm soát chặt chẽ, áp dụng giấy đi đường một cách có hiệu quả thực tế, giúp tránh việc ra đường khi không cần thiết. Việc siết chặt quy định liên quan đến giấy đi đường chính là một điển hình cho việc TP đang hành động theo hướng tập trung chống dịch một cách quyết liệt hơn, thực chất hơn. Tuy nhiên, từ thực tế, cũng đã nảy sinh những vướng mắc trong việc cấp, kiểm soát vấn đề này cần phải tháo gỡ để việc kiểm tra, kiểm soát có sự thống nhất, hiệu quả và đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch.
Để tạo nguồn lực trong phòng chống dịch, Hà Nội triệt để thực hiện việc rà soát cắt giảm, tiết kiệm thêm theo quy định tại Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 8/6/2021 của Chính phủ, bao gồm: 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại và 10% chi thường xuyên còn lại sau khi loại trừ các khoản kinh phí theo quy định.
Ngoài ra, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các đơn vị sử dụng ngân sách các cấp của TP tạm dừng triển khai mua sắm trang thiết bị từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (trừ trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác) để dồn nguồn lực cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội trong trường hợp cần thiết.