Giải pháp nào cho VUSTA gỡ khó trong thực hiện Nghị quyết 27/NQ-TW?

Google News

(Kiến Thức) - Tại Diễn đàn tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 27/NQ-TW của Liên hiệp hội Việt Nam, nhiều ý kiến đã được đưa ra và thảo luận sôi nổi. 

Sáng nay (5/12), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Diễn đàn “Giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 27/NQ-TW của Liên hiệp hội Việt Nam về công tác vận động trí thức”.
Tham dự Diễn đàn có nhiều cán bộ cấp cao của Liên hiệp Hội và đại diện tới từ các ban ngành liên quan như: ông Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch LHH Việt Nam; ông Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng LHH Việt Nam; ông Phạm Ngọc Linh – Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Ban Tuyên giáo TW; ông Lê Gia Vinh, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam…
Ông Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch LHH Việt Nam phát biểu khai mạc.
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Lê Công Lương cho biết, Nghị quyết số 27-NQ-TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được Hội nghị lần 7 – Ban Chấp hành TW (Khóa X) ban hành ngày 6/8/2008. Sau gần 10 năm đưa vào thực hiện, Liên hiệp Hội Việt Nam đã đạt được một số kết quả trong công tác củng cố, kiện toàn sắp xếp lại bộ máy cơ quan; nâng cao chất lượng hoạt động của LHH về phổ biến kiến thức, tư vấn, phản biện giám định xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường – y tế - xóa đói giảm nghèo….
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, yếu kém nhất định. Theo TS. Lê Công Lương - tổ chức của liên hiệp hội trong thời gian qua tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Tỷ lệ trí thức được tập hợp trong các tổ chức của Vusta còn thấp, đặc biệt là trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
Điều kiện hoạt động của liên hiệp hội ở Trung ương và địa phương còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, bộ máy tổ chức và cơ sở vật chất; công tác giáo dục chính trị và tư tưởng đối với đội ngũ trí thức chưa được quan tâm đúng mức; chưa được nhà nước giao nhiệm vụ giải quyết những vấn đề quan trọng trong phát triển KH&CN, GD&ĐT, bảo vệ môi trường, chính sách đối với trí thức…
Để khắc phục những yếu kém này, ông Lương đề nghị Đảng và Nhà nước xem xét thành lập Hội Trí thức Việt Nam và công nhận LHH Việt Nam và Liên hiệp Hội các tỉnh, TP trực thuộc TW là Tổ chức Chính trị - Xã hội xứng đáng với vai trò là thành viên quan trọng trong liên minh Công nhân – Nông dân và Tri thức.
Ngoài ra, TS. Lê Công Lương cũng đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo TW quan tâm hơn nữa công tác tư tưởng trong đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, tăng cường gặp gỡ, trao đổi nhằm thuyết phục động viên tri thức vững vàng bản lĩnh chính trị.
 Nhiều ý kiến đóng góp được đưa ra.
Phát biểu góp ý tại diễn đàn, Ông Phạm Ngọc Linh, Vụ KH&CN,MT- Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức.
Theo đó, lấy đối thoại, thuyết phục và đồng hành làm chính; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để xã hội hiểu đúng vai trò, vị trí quan trọng của trí thức; để trí thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với tổ quốc và dân tộc, chủ động và tích cực đóng góp trí tuệ cho công cuộc xây dựng đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh thể chế hoá Nghị quyết 27- NQ/TW và Kết luận 90-KL/TW của Bộ Chính trị thành các cơ chế, chính sách để phát huy tốt năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức; nâng cao vai trò nhận thức chính trị và đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức đối với đất nước.
Tăng cường và đổi mới công tác tư tưởng của Đảng đối với trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ, sinh viên và học sinh vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, của dân tộc và trách nhiệm trước xã hội. Khắc phục sự thiếu chủ động trong hoạt động của các hội trí thức và hiện tượng suy thoái tư tưởng chính trị trong một số trí thức hiện nay.
Về phần ông Vũ Tấn Phú – Phó Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh Bắc Giang thì đề nghị LHH kiến nghị với TW Đảng và Chính phủ xác định LHH là tổ chức chính trị - xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị (khóa X); có cơ chế, chính sách cụ thể về tổ chức, quản lý, để gắn kết chặt chẽ giữa LHH với các hội thành viên. Hoặc đề xuất thành lập đoàn thể chính trị - xã hội chuyên trách tập hợp trí thức, trên cơ sở nòng cốt là LHH VN, cùng với các tổ chức hội liên quan thành Hội Trí thức Việt Nam, nhằm thống nhất một đầu mối tập hợp và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức của cả nước.
P.H

>> xem thêm

Bình luận(0)