Giải mã tâm lý bác sĩ giết vợ ở Cao Bằng

Google News

(Kiến Thức) - Chuyên gia tâm lý cho rằng, tính vũ phu của Hải dường như đã ăn vào máu, như con thú điên với quyết tâm duy nhất là chỉ muốn tiêu diệt đối tượng gây phẫn uất, bực bội cho mình.

Liên quan đến vụ án bác sĩ giết vợ tại Cao Bằng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định khởi tố vụ án “Giết người” theo quy định của pháp luật.
Đây là vụ án khiến dư luận bức xúc vì hành vi dã man của nghi phạm Triệu Văn Hải (42 tuổi, ở TP Cao Bằng), bác sĩ tại một bệnh viện trên địa bàn TP. Sau khi, dùng tay bóp cổ vợ là chị Đặng Thị Hiếu (30 tuổi), Hải đã ném xác vợ xuống sông nhằm phi tang sau đó trốn khỏi nơi cư trú.
Giai ma tam ly bac si giet vo o Cao Bang
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng đã khởi tố vụ án Triệu Văn Hải giết vợ là chị Đặng Thị Hiếu (SN 1988) rồi phi tang xác xuống sông. 
Theo hàng xóm của Hải cho biết, Hải có hai đời vợ và mối quan hệ tình cảm phức tạp.
“Trong quá trình sinh sống với người vợ cũ, Hải thường xuyên bạo hành vợ. Đến khi đi học bác sỹ, Hải cặp bồ với người khác, nhưng do Hải có tính vũ phu nên hai người chia tay”, hàng xóm Hải nhận xét.
Sau đó Hải cưới chị Hiếu, nhưng vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn. Nhiều lần Hải dùng tay bóp cổ vợ, còn để lại cả vết thâm.
Phân tích về diễn biến tâm lý và con người của nghi phạm, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc) cho rằng: Tính vũ phu của Hải dường như đã ăn vào máu, từ khi anh ta lấy người vợ đầu đã thường xuyên bạo hành vợ, đến nỗi người vợ phải đưa đơn ly hôn không chỉ một lần.
Nhờ sự hòa giải của tòa án mà vợ Hải rút đơn, nhưng sau đó Hải vẫn tiếp tục bạo hành vợ và cặp bồ. Ngay cả cô bồ sống cùng thời gian đó cũng thường bị Hải đánh đập, bạo hành.
Giai đoạn bồ bịch có lẽ là thời gian người ta chiều chuộng để lấy lòng nhau nhưng Hải đã lộ rõ bản tính vũ phu đến mức cô gái kia cũng không dám tiến đến hôn nhân sau khi Hải đã ly dị vợ.
Nhiều nhân chứng tại nơi làm việc cho rằng Hải là một bác sỹ hiền lành, thậm chí chịu nhún trong nhiều trường hợp, cơ quan cũng chưa từng nhận được phản hồi không tốt của bệnh nhân về Hải.
Chuyên gia Lê Thị Túy cho biết không ít trường hợp người vũ phu, hay bạo hành vợ con ở ngoài xã hội là người nền tính. Vì hoàn cảnh ngoại cảnh ở nhà và ở ngoài xã hội khác nhau. Ở nơi làm việc, anh ta còn phải có tính trách nhiệm và bị ràng buộc bởi kỷ luật. Trong khi đó, ở nhà là nơi anh ta có thể thoải mái thể hiện bản năng.
Một người có tính vũ phu, hay bạo hành có thể do môi trường sống của anh ta từ nhỏ, do hoàn cảnh gia đình có ông hay bố là người bạo hành, do sự giáo dục lệch lạc từ gia đình, khiến cho con người bản năng của anh ta phát triển mạnh, không biết kiềm chế, không thể làm chủ bản thân và không thể kiểm soát hành vi.
Những người đó khi cáu giận với vợ con thường không thể suy nghĩ mạch lạc, như con thú điên với quyết tâm duy nhất là chỉ muốn tiêu diệt đối tượng gây phẫn uất, bực bội cho mình. Nhưng khi thỏa mãn được điều đó, nghĩa là đã tiêu diệt được đối tượng, thì bản năng thú tính sẽ hạ xuống, thoát khỏi cơn giận tức lúc bị kích động, và con người thực sẽ tỉnh ra.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng khi Hải dùng hết sức mình bóp cổ vợ đến chết chính là lúc anh ta nóng giận, phẫn uất nhất, mất đi sự kiểm soát hành vi bản thân và hành động hoàn toàn mang tính bản năng của phần con trong anh ta.
Khi vợ anh ta chết, lúc này anh ta đã thỏa mãn được quyết tâm tiêu diệt đối tượng gây phẫn uất cho anh ta, trở lại con người thực, anh ta hiểu rằng chính hành động đó cũng đã đặt dấu chấm hết cho chính cuộc đời anh ta. Và anh ta mượn rượu để có đủ can đảm viết thư thừa nhận tội lỗi với gia đình.
Thế nhưng sau đó anh ta không đầu thú, không ngồi đó giơ tay chịu trói, bới bản tính tự nhiên của con người là tham sống sợ chết. Khi nhận ra hành vi của mình sẽ bị xử lý theo pháp luật, mà bản án cao nhất có thể là sự trả giá bằng tính mạng, thì anh ta sợ chết, lại tìm cách phi tang và lẩn trốn.
Kẻ tội phạm nào cũng muốn xóa sạch dấu vết phạm tội, để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật đó là tâm lý tự nhiên, dễ hiểu. Tuy nhiên, chính hành vi phi tang xác vợ xuống sông, nhằm mục đích che dấu, trốn tránh tội lỗi lại chính là tình tiết tăng nặng đối với tội phạm khi đưa ra điều tra xét xử.
Hậu quả của vụ án này đặc biệt nghiêm trọng, gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại, gây hoang mang, bất bình trong dư luận nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật
An Lê

>> xem thêm

Bình luận(0)