Giải mã nguyên nhân Phó CA huyện Vũ Thư giúp con nuôi Đường “Nhuệ” thoát án?

Google News

VKSND huyện Vũ Thư đã thống nhất với Cơ quan điều tra trong việc không khởi tố vụ án hình sự, nhằm mục đích không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã khởi tố, bắt Phó trưởng Công an và Phó Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư (Thái Bình).
Vì đơn đề nghị không đi giám định?
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam với 3 người gồm: Vũ Đức Tuấn (36 tuổi, phó trưởng Công an huyện, phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư); Phạm Thị Thu Hiền (phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện) và Nguyễn Hoàng Hà (kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện).
Giai ma nguyen nhan Pho CA huyen Vu Thu giup con nuoi Duong “Nhue” thoat an?
 Phó Trưởng Công an huyện Vũ Thư và một lãnh đạo khác của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư bị bắt vì không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.
Nguyên nhân khiến 3 lãnh đạo, cán bộ kể trên bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến việc làm sai lệch hồ sơ, dẫn đến bỏ lọt tội phạm trong vụ án con nuôi Đường “Nhuệ” là Tiến “trắng” và một số đàn em khác đánh anh Trần Ngọc Hoàng (lái xe ô tô khách 9 chỗ ngồi tuyến Vũ Thư, Thái Bình - Hà Nội) đứt cơ, gân 2 tay và 2 chân tại xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư vào ngày 22/5/2018.
Sau khi sự việc xảy ra, Đường "Nhuệ" đã đến nhà anh Hoàng đưa ra mức bồi thường 130 triệu đồng và yêu cầu anh không đi giám định sức khỏe, để không xử lý hình sự vụ việc. Do lo sợ, anh Hoàng đã có đơn đề nghị không đi giám định vết thương.
Đến ngày 22/7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Vũ Thư ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự kể trên và Viện KSND huyện Vũ Thư sau đó phê chuẩn quyết định không khởi tố này. 
Xác định vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên Cơ quan điều tra, Viện KSND tối cao tiến hành điều tra, yêu cầu trưng cầu giám định thương tích của anh Hoàng; xác định anh bị tổn hại sức khỏe 44%. Cơ quan này cũng xác định trong vụ việc nói trên, Điều tra viên và Cán bộ điều tra Cơ quan CSĐT Công an huyện Vũ Thư, trong đó Vũ Đức Tuấn là Phó Trưởng Công an huyện, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT trực tiếp phụ trách vụ án đã có hành vi vi phạm pháp luật.
Giai ma nguyen nhan Pho CA huyen Vu Thu giup con nuoi Duong “Nhue” thoat an?-Hinh-2
Đường "Nhuệ" và con nuôi Tiến "Trắng". 
Cụ thể, đã không thực hiện giám định thương tích, không dẫn giải người bị hại đi giám định, thiết lập tài liệu khống, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự để không truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Lãnh đạo và kiểm sát viên VKSND huyện Vũ Thư biết rõ Cơ quan điều tra không thực hiện trưng cầu giám định thương tích đối với bị hại nhưng không thực hiện quyền hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ để tiếp tục xác minh. Ngược lại phía VKSND huyện Vũ Thư đã thống nhất với Cơ quan điều tra trong việc không khởi tố vụ án hình sự, nhằm mục đích không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng.
Hành vi nguy hiểm cho xã hội
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, những hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án như tiêu hủy chứng cứ, bỏ ra ngoài hồ sơ những chứng cứ buộc tội, bớt các chứng cứ gỡ tội, bổ sung vào các hồ sơ các tài liệu chứng cứ giả mạo, sửa chữa lời khai, làm thay đổi bản chất của vụ án…đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với những hành vi này, có thể bị truy truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015.
"Như vậy, trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc dẫn đến bỏ lọt tội phạm thì các cán bộ điều tra, kiểm sát viên trong vụ việc có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Đây là mức hình phạt rất nghiêm khắc đối với người thực hành việc tố tụng nhưng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xâm phạm đến hoạt động tư pháp, làm ảnh hưởng đến tính đúng đắn của pháp luật, gây mất niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, tiếp tay dung túng cho tội phạm" - luật sư Cường cho biết.
Ngoài ra, theo luật sư Cường, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội và hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội đều là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Người có chức vụ quyền hạn trong trường hợp này sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp.
Theo đó, đối với người có thẩm quyền ký quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và có thẩm quyền ký phê chuẩn các quyết định này thuộc cơ quan điều tra, viện kiểm sát mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội thì đây được xác định là hành vi bỏ lọt tội phạm.
Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong trường hợp này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 369 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức chế tài phạt tù có thể lên đến 12 năm tù.
Như vậy, trong trường hợp cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có căn cứ cho thấy hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội đối với nhóm đàn em "Đường Nhuệ" là bỏ lọt những tội phạm rất nghiêm trọng hoặc hành vi dẫn đến việc người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trả thù người tố giác hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người phạm tội trong trường hợp này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Luật sư Cường cho biết thêm, vụ việc khởi tố trên có thể gây chấn động đối với cơ quan tiến hành tố tụng ở Thái Bình, tuy nhiên đây cũng là một động thái cho thấy quyết tâm đấu tranh phòng chống tội phạm, quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ. 
Ngày 25/10/2021, TAND tỉnh Thái Bình đã đưa ra xét xử công khai đối với Bùi Mạnh Tiến (25 tuổi, thường gọi Tiến “trắng”) và 5 đồng phạm về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự. 6 bị cáo sau đó bị tuyên phạt tổng cộng 40 năm tù giam, riêng bị cáo Bùi Mạnh Tiến bị phạt mức án cao nhất 8 năm tù giam với vai trò là chủ mưu.

Nguồn: ANTVa

Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)