Giấc mơ trực thăng cứu hộ ở Việt Nam: 16 năm vẫn còn xa

Google News

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn không phải là người đầu tiên đưa ra đề xuất trang bị trực thăng cứu hộ, nhưng ông là người đề xuất trang bị trực thăng để giải cứu những ca khẩn cấp khi giao thông ùn tắc...

Giac mo truc thang cuu ho o Viet Nam: 16 nam van con xa
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị đưa trực thăng vào cứu hộ trên cao tốc (ảnh: BĐ/Vnexpress).
Nhưng trên thực tế đâu chỉ có những đường cao tốc ùn tắc mới cần trực thăng cứu hộ. Hãy nhìn rộng ra, hàng trăm tòa nhà chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng, khách sạn.v.v… tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… nếu bị sự cố cháy nổ, cần phải giải cứu người kịp thời thì trực thăng cứu hộ chính là phương án tối ưu nhất trong rất nhiều tình huống.
Tôi vẫn còn nhớ vụ cháy tòa nhà ITC tại Quận 1, TPHCM cách đây 16 năm mà mình từng tận mắt chứng kiến. Khói lửa ngùn ngụt bao phủ và lan dần lên các tầng trên. Cả trăm người náo loạn cố thoát thân lên tầng thượng nhưng rồi cũng chỉ còn một cách duy nhất là liều nhảy xuống đất hoặc nhảy sang nóc nhà khác nếu đủ khỏe. Và có người đã chết vì cú gieo mình từ độ cao hàng chục mét nhằm thoát thân khỏi lửa dữ.
Tại hiện trường vụ cháy ITC ngày ấy, một vị lãnh đạo UBND TP.HCM đã gọi điện thoại xin điều trực thăng trợ giúp. Nhưng trực thăng đâu chẳng thấy, kết cục người chết lên đến con số 60 đầy bi thảm. Sau đó trong một số lần họp của thành phố, ý kiến đề xuất trang bị trực thăng cứu hộ được bàn thảo, nhưng cuối cùng những vướng mắc được đưa ra là qui định, thủ tục, thẩm quyền.v.v…
Không lẽ chúng ta cứ để những qui định, thủ tục, thẩm quyền… khiến việc trang bị trực thăng cứu hộ gặp rào cản không thể tháo gỡ?
Vụ cháy ITC 16 năm trước, nếu có trực thăng cứu hộ kịp thời nhiều người đứng chờ trên sân thượng, chắc chắn số nạn nhân xấu số đã không thể lên tới 60 người.
Trường hợp cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ kẹt cứng hàng chục km mới đây, hai ca cấp cứu được giải cứu là nhờ sự nỗ lực của lực lượng chức năng, nhưng cũng phải thấy là có một chút may mắn. Những trường hợp tương tự như thế, nếu có trực thăng cứu hộ từ trên cao, việc giải cứu sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
16 năm rồi từ nỗi đau 60 người chết ngạt chết cháy bi thảm trong vụ cháy tòa nhà ITC, đề xuất trang bị trực thăng cứu hộ đã bị trôi vào lãng quên. Rất may mới đây, điều này được Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn nhắc lại.
Đề xuất của tướng Tuấn, vô tình khơi lại nỗi đau từ vụ cháy ITC 16 năm trước.
Vấn đề trang bị trực thăng cứu hộ còn xa vời bao nhiêu, thì những cái chết do thiếu phương tiện giải cứu trong các vụ cháy nhà cao tầng càng gần hơn bấy nhiêu.
Theo Thẩm Hồng Thụy/Lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)