Giải mã gây "sốc" chiếc F-86 đầu tiên rơi vào tay Liên Xô

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 6/10/1951, Liên Xô sau nhiều nỗ lực đã lấy được một chiếc máy bay chiến đấu F-86 rất quý giá của Mỹ trên mặt trận Triều Tiên.

Trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Mỹ và Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) là hai nước Đồng Minh. Trong khi đó ở chiến tuyến bên kia, Liên Xô và Trung Quốc là đồng minh với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Mối quan hệ đồng minh này kéo theo một kết quả tất yếu đó là vũ khí của Triều Tiên sẽ toàn là đồ Trung Quốc, Liên Xô còn vũ khí của Hàn Quốc toàn là Mỹ.

Kỳ phùng địch thủ

Không quân Mỹ đã đưa vào sử dụng những máy bay chiến đấu F-86 đầu tiên vào năm 1949. Kiểu thiết kế Cánh quét (Swept-wing) cho phép những chiếc F-86 có khả năng bay với tốc độ siêu thanh lên tới 1235 km/h (trên lý thuyết). Với tốc độ “vô tiền khoáng hậu” như vậy, những chiếc phản lực cơ đối thủ đến từ phía Liên Xô thời bấy giờ dùng kiểu cánh thẳng truyền thống chỉ còn có thể “ngửi khói” F-86.

Giai ma gay "soc" chiec F-86 dau tien roi vao tay Lien Xo
 Chiếc F-86 của Mỹ. Ảnh: Warhistory.

Nhanh chóng, những chiếc phản lực cơ F-86 không đối thủ của Mỹ được sử dụng như một loại máy bay chủ lực trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Để chiếm lại lợi thế trên không, tháng 11/1950 phía Liên Xô đã quyết định mang đến Triều Tiên những máy bay Mikoyan-Gurevich MiG-15 để ‘san bằng cách biệt” với những chiếc F-86 của Mỹ.

F-86 của Mỹ và MiG-15 của Liên Xô có thiết kế khá tương đồng, đặc biệt là kiểu cánh quét được sử dụng để đưa các máy bay này đạt tới vận tốc siêu thanh gần như giống hệt nhau.

Thực tế, các máy bay F-86 Sabre có thể bay với tốc độ tối đa khoảng 1.100 km/h (thấp hơn so với lý thuyết). Ngay cả khi lượn, rẽ chiếc F-86 vẫn có thể với tới tốc độ kinh hoàng đó, thậm chí khi bổ nhào máy bay có thể đạt được vận tốc lớn hơn nữa. So với những chiếc MiG-15 của Liên Xô, máy bay F-86 của Mỹ có thiết kế khí động học tốt hơn, được trang bị radar AN/APG-30 cho phép bắn khẩu súng máy 12,7 ly trên máy bay có thể nhắm nhanh và chuẩn xác trong những tình huống hỗn chiến trên không.

Giai ma gay "soc" chiec F-86 dau tien roi vao tay Lien Xo-Hinh-2
 MiG-15 của Liên Xô. Ảnh: Warhistory.

MiG-15 có thể đạt tốc độ khoảng 1.070 km/h, chậm hơn đôi chút so với những chiếc F-86 của Mỹ. Tuy nhiên chiếc máy bay chiến đấu của Liên Xô có khả năng leo cao tốt hơn, tăng tốc nhanh hơn và có trần bay lớn hơn so với F-86.

Ngoài ra, độ cơ động của MiG-15 cũng khiến các phi công F-86 phải nể phục dù nó có tốc độ không thể bằng được loại chiến đấu cơ phản lực của Mỹ. Về hỏa lực, nếu F-86 chỉ được trang bị súng 12,7 ly thì trên MiG-15 là hai pháo 23mm và một pháo 37 mm. Dù không có hệ thống hỗ trợ nhắm bắn như trên chiếc F-86 nhưng với hỏa lực vượt trội như vậy, chỉ một loạt đạn trúng đích thôi cũng có thể “tiễn” bất cứ chiếc máy bay Mỹ nào về với đất mẹ ngay lập tức.

Có thể nói, về cơ bản, hai chiếc MiG-15 của Liên Xô và F-86 của Mỹ “hòa nhau”. 

Nhìn chung trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, hai cỗ máy bay này trở thành "kỳ phùng địch thủ". Tất nhiên, hai bên đều không muốn dừng lại ở thế giằng co mà phải là chiến thắng tuyệt đối. Cho nên, hai bên không ngừng tìm cách có được vũ khí của nhau để nghiên cứu đối phó. 
Cuối năm 1951, Liên Xô sau nhiều nỗ lực đã giành được một phần chiếc tiêm kích F-86 để mổ xẻ. Tuy nhiên, vụ việc này không phải là chiến công của tình báo chiêu mộ phi công lái máy bay F-86 bay sang Triều Tiên như nhiều vụ việc trong lịch sử (ví dụ phi công Viktor Belenko đào ngũ mang theo MiG-25 sang Nhật Bản) mà là kết quả của một trận không chiến. 
Không chiến giành xác F-86

Phi vụ Liên Xô giành được chiếc phản lực F-86 Sabre của Mỹ diễn ra vào ngày 6/10/1951 khi một phi đội máy bay MiG-15 của Liên Xô và F-86 của Mỹ chạm chán nhau trên vùng trời Triều Tiên.

Một chiếc F-86 dưới sự điều khiển của Trung úy Phi công Mỹ Bill N. Garret đã bị dính đạn và nhận lệnh quay trở về sân bay. Đen đủi cho Garret, trên đường đang một mình quay trở lại sân bay ông đã gặp một tốp 4 chiếc MiG-15 của Liên Xô và bị họ phát hiện.

Lúc này, chiếc F-86 của Garret đã bị hỏng nặng, động cơ bốc khói đen xì dọc theo đường bay của chiếc phi cơ. Ngay lập tức, một chiếc MiG-15 dưới sự điều khiển của Đại úy Phi công Liên Xô ông Konstantin Sheberstov đã tách ra đội hình, hướng về phía chiếc F-86 của Garret với mục đích “kết liễu” số phận của chiếc máy bay này.

Việc đuổi kịp một chiếc máy bay F-86 bị “thương tật đầy mình” là nhiệm vụ không mấy khó khăn đối với phi công Sheberstov. Sau khi tiếp cận được chiếc F-86 của Trung úy Garret ở khoảng cách khoảng 300 mét, chiếc MiG-15 của Liên Xô tiếp tục khai hỏa, khiến chiếc F-86 của Mỹ bị hư hại động cơ nặng, bắt đầu dần dần mất độ cao.

Viên phi công Mỹ không thể bắn trả mà chỉ còn cách cố cơ động né tránh dù khi này chiếc F-86 của anh ta đã rơi vào trạng thái mất lực nâng, động cơ yếu dần và độ cao tụt nhanh. Về phía Shebertsov, Đại úy phi công Liên Xô vẫn tiếp tục bám theo đuôi chiếc F-86 của Mỹ và có thể kết thúc số phận của chiếc máy bay “què quặt” này bất cứ lúc nào nhưng lại chần chừ do Shebertsov biết, chính phủ Liên Xô muốn có trong tay một chiếc F-86 của Mỹ.

Chiếc máy bay Mỹ cố bay trở về không phận Hàn Quốc. Trên lý thuyết thì Liên Xô không can dự vào cuộc chiến tranh Triều Tiên, các phi công Liên Xô chiến đấu ở Triều Tiên đều mặc quân phục Triều Tiên và họ không được phép bay vào vùng trời của Hàn Quốc nếu không muốn căng thẳng leo thang thêm nữa. Hiểu được điều này, viên phi công Liên Xô đã cố gắng bắn thêm một vài loạt đạn nữa, đủ để khiến chiếc F-86 không rơi ngay mà có thể hạ cánh khẩn cập được nhưng cũng phải đủ “bầm dập” để viên phi công Mỹ không thể bay thoát khỏi không phận Triều Tiên được.

Cuối cùng, chiếc F-86 với phi công Garret của Mỹ đã phải chịu thua sự đeo bám dai dẳng của chiếc MiG-15, chiếc F-86 rơi xuống bãi biển Triều Tiên trong khi Garret đã nhảy dù ra ngoài trước đó chỉ ít giây và được trực thăng cứu hộ của Mỹ từ ngoài biển vào đón. Những nhân viên cứu hộ và phi công Garret cố quay lại chỗ chiếc F-86 để đặt thuốc nổ phá hủy chiếc máy bay nhưng không thành do bộ đội địa phương của Triều Tiên đã có mặt và bắt đầu khai hỏa về phía họ.

Tối hôm đó, phía Triều Tiên và Trung Quốc đã tranh nhau "xâu xé" từng mảnh vụn của chiếc F-86 dưới làn mưa bom bão đạn từ phía các tàu chiến Mỹ ngoài biển "cẩu vào". Kết cục là phía Triều Tiên cũng gom được một vài xe tải mảnh vỡ để chuyển cho Liên Xô, tuy nhiên một lượng lớn các mảnh vỡ, bộ phận của chiếc F-86 cũng đã rơi vào tay Trung Quốc.

Việc có được trong tay những mảnh vỡ của chiếc F-86 đã cho phép Liên Xô nắm được các điểm yếu chí tử của chiếc phi cơ này và xây dựng các cách đánh khống chế, tiêu diệt các phi cơ F-86 của Mỹ. Lợi thế trên không đã nghiêng hẳn về phía Liên Xô trong suốt một năm sau đó cho tới ngày 21/9/1952, phi công Trung Úy No Kum Sok của Triều Tiên đã đào ngũ sang phía Hàn Quốc, mang theo một chiếc MiG-15 của Liên Xô.
Nhật Vi

>> xem thêm

Bình luận(0)