PV Tri thức và Cuộc sống có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam và ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam.
Nguyên nhân giá vàng tăng sốc
Thời gian qua, giá vàng diễn biến bất thường, khi liên tục tăng sốc, có thời điểm lại giảm sâu, nguyên nhân là gì?
Ông Huỳnh Trung Khánh: Nguyên nhân dẫn tới tình trạng giá vàng tăng giảm sốc bởi sức cầu tăng, nhưng nguồn cung vàng SJC hạn chế. Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước không còn cấp hạn ngạch dập vàng miếng SJC. Nhiều người có vàng SJC chưa muốn bán ra nên cung - cầu trong nước thêm lệch pha, khiến giá vàng tăng nhanh nhưng khó giảm theo giá thế giới. Chênh lệch giá vàng SJC với thế giới có thời điểm lên tới hơn 19 triệu đồng/lượng.
Một yếu tố khác khiến giá vàng biến động mạnh do tâm lý đám đông. Khi thấy một người mua, những người khác cũng mua. Tâm lý này sẽ lan truyền, đồng thời sinh ra kỳ vọng vàng tiếp tục tăng giá. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn, gây ra tác động đột biến trên thị trường vàng như hiện nay.
|
Ông Huỳnh Trung Khánh.
|
Ông Lê Duy Bình: Giá tăng chủ yếu là vàng miếng SJC, nguyên nhân là nguồn cung hạn chế. Tâm lý của người dân muốn mua tích trữ, trong khi nguồn cung hạn chế, đương nhiên giá sẽ tăng. Đây là quy luật cung - cầu, còn cầu đối với vàng có hợp lý hay không lại là câu chuyện nữa.
Ảnh hưởng tiêu cực điều hành kinh tế vĩ mô
Trong công điện 1426 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng…; kịp thời phát hiện sơ hở, bất cập để xử lý.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức...
Rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức.... Đồng thời, tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định.
Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô như thế nào?
Ông Lê Duy Bình: Trong mọi nền kinh tế, người ta không khuyến khích việc người dân sử dụng, tích trữ vàng miếng làm phương tiện lưu thông hoặc tín dụng, thanh toán. Nhu cầu tích trữ, sử dụng được đáp ứng một cách thoải mái sẽ dẫn đến hiện tượng vàng hóa của nền kinh tế, không tốt cho kinh tế vĩ mô.
Cách đây nhiều năm, chúng ta mất nhiều công sức để hạn chế vàng hóa nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, cách xử lý không có nghĩa là đưa một lượng lớn vàng miếng ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của người dân. Không nên làm việc này, bởi sẽ quay trở lại tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Có nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC?
Một số ý kiến cho rằng, sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước với thế giới còn do SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia theo Nghị định 24 và đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC?
Ông Lê Duy Bình: Tôi cho rằng, việc bỏ độc quyền vàng miếng SJC hay không cần cân nhắc. Quan trọng nhất là sử dụng vàng miếng như thế nào. Bây giờ phải có giải pháp để người dân không nên sử dụng vàng tích trữ hoặc phương tiện thanh toán.
Theo tôi, cần làm sao để có các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn thay vì vàng. Thời gian qua, người dân chuyển sang vàng do không có nhiều kênh đầu tư khác. Bất động sản trầm lắng, lãi suất tiết kiệm thấp. Do đó, cần các kênh phù hợp để người dân đầu tư những món nhỏ.
Ví dụ, một lượng 70 triệu sẽ phù hợp nhu cầu đầu tư của người dân. Nếu có những khoản tiết kiệm hay kênh đầu tư hấp dẫn hơn phù hợp khoản tiền này, người dân sẽ không nặng nề tâm lý chuyển sang đầu tư vàng. Còn nếu tăng cung của thị trường vàng miếng sẽ đi ngược với chủ trương định hướng chống vàng hóa nền kinh tế.
|
Ông Lê Duy Bình.
|
Không chấp nhận vàng “một mình một chợ”
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu của Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc sửa Nghị định 24 là cần thiết, bởi Nghị định này đã ra đời cách đây 11 năm, có vai trò lịch sử nhất định song điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi.
Theo ông Tú, Nghị định 24 quy định Nhà nước độc quyền vàng SJC. Nhưng vàng SJC còn sứ mệnh của nó hay không, có cần độc quyền hay không thì đã đến lúc cần xem xét. Một số chuyên gia kiến nghị không cần thiết độc quyền vàng SJC, nên mở ra nhiều loại khác. Nhưng dù nhiều loại vàng hay không, mục tiêu cuối cùng là phải ổn định thị trường vàng miếng. Nhà nước không bảo hộ kinh doanh vàng, nhưng luôn tôn trọng quyền bảo quản, cất trữ, mua bán vàng miếng của người dân.
Một số ý kiến đề xuất cho nhập vàng nguyên liệu để bình ổn thị trường vừa hạn chế tình trạng doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nữ trang thu gom vàng trôi nổi, vàng lậu vốn nhiều rủi ro, gây thất thoát thuế?
Ông Huỳnh Trung Khánh: Thời gian qua, với vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, nhẫn, các doanh nghiệp cũng nhiều lần kiến nghị nhưng không được nhập. Do đó, một số doanh nghiệp kiến nghị cần sớm sửa Nghị định 24 theo hướng liên thông với giá vàng thế giới.
Trước mắt là cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Cần khơi thông thị trường vàng trong nước bằng cách cho nhập thêm vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang.
Chúng tôi cũng kiến nghị nhiều lần rằng, có thể cấp phép nhập vàng nguyên liệu cho một số doanh nghiệp vàng lớn, mỗi đơn vị khoảng 500 kg, tương đương hơn 30 triệu USD.
Ông Lê Duy Bình: Nhập vàng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu cho vàng trang sức, tôi cho là hợp lý. Tuy nhiên, đối với vàng trang sức, thị trường không biến động nhiều và vẫn bám sát giá thị trường quốc tế. Cho nên, nhu cầu sử dụng giữa vàng trang sức và vàng miếng phải rạch ròi.
Nếu nhập nguyên liệu làm vàng miếng để đáp ứng nhu cầu tích trữ, cần cân nhắc. Nhập vàng phải chi ngoại tệ, khi nền kinh tế nhập quá nhiều vàng có cần thiết hay không? Bởi sẽ dẫn đến hiện tượng chảy máu ngoại tệ để nhập vàng, trong khi vàng không phục vụ nhu cầu thực sự cấp thiết, mà chủ yếu làm thay cho phương tiện thanh toán, thậm chí còn làm ảnh hưởng chính sách về tiền tệ trong nước.
Một số ý kiến cho rằng vàng không phải mặt hàng bình ổn, không cần Nhà nước can thiệp mà nên để biến động theo cung - cầu thị trường?
Ông Lê Duy Bình: Vẫn cần sự can thiệp, cân đối của Nhà nước. Nếu để giá vàng SJC tăng đột biến và hơn giá thế giới như hiện nay, sẽ gây ra hiện tượng sốt vàng, trong khi tâm lý người dân vẫn sử dụng vàng tích trữ, làm phương tiện thanh toán.
Việc này sẽ liên quan tổng cung tiền, cũng như chính sách về tiền tệ, tỷ giá. Do đó, tôi cho rằng, việc can thiệp bằng biện pháp thị trường để ổn định giá vàng SJC là cần thiết.
Hiện xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, cần cân nhắc điều gì để không còn sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế?
Ông Lê Duy Bình: Tâm lý người dân vẫn có nhu cầu rất lớn mua vàng miếng để tích trữ. Như nói ở trên, phải có những kênh khác để giữ tài sản thay thế vàng. Việc tích trữ vàng miếng để dự trữ giảm bớt sẽ giảm nhu cầu đối với vàng miếng.
Ở những nước phát triển, rất ít khi họ có việc cung ứng vàng miếng cho người dân, chủ yếu làm dự trữ cho ngân hàng và ngân hàng Trung ương. Nhu cầu tích trữ vàng ở nước nào cũng có nhưng cần hạn chế thấp nhất nhu cầu tích trữ vàng miếng, khi đó chênh lệch giá vàng cũng giảm bớt.
Nếu nhập vàng sau đó sản xuất vàng miếng tràn ngập thị trường, kéo giá vàng trong nước sát với thế giới, chưa chắc là biện pháp hay, bởi càng kích thích nhu cầu tích trữ vàng miếng.
Ông Huỳnh Trung Khánh: Tôi đề nghị sửa đổi Nghị định 24 theo hướng không còn độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Chính sự độc quyền đã đẩy giá vàng thương hiệu SJC trong nước luôn cao hơn thế giới do nguồn cung khan hiếm. Nếu không cho mở cửa nhập khẩu và cởi bỏ độc quyền, nguồn vàng không chính ngạch sẽ tràn vào để hưởng chênh lệch giá, gây thất thu cho Nhà nước.
Chưa kể, hiện các nước trong khu vực đều có thị trường vàng liên thông với quốc tế. Chỉ riêng ở Việt Nam, giá vàng SJC thường xuyên cao hơn thế giới chục triệu đồng/lượng, gây thiệt hại cho người dân có nhu cầu nắm giữ vàng.
Chuyên gia có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư, người dân trong thời điểm giá vàng bất bình thường như hiện nay?
Ông Lê Duy Bình: Các nhà đầu tư với vốn tương đối hạn chế, cần cân nhắc bởi giá vàng tăng sốc, giảm sâu do yếu tố tâm lý rất nhiều. Quyết định đầu tư vàng cũng phải chuẩn bị tâm lý cho việc giá quay đầu xuống rất nhanh. Nếu không chuẩn bị được tâm lý đó, phải thận trọng khi đầu tư vàng.
Xin cảm ơn các chuyên gia!
Giá vàng chênh lệch nhiều dễ dẫn đến buôn lậu vàng
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải đánh giá lại vai trò của Nghị định 24/2012/NĐ-CP xem còn hiệu quả và còn sứ mệnh hay không để không làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Độc quyền vàng miếng SJC sẽ làm ảnh hưởng đến hàng triệu người dân, trong khi chỉ có một nhóm người có lợi ích. Bây giờ, NHNN mới thấy Nghị định 24 có bất cập. Do đó, cần sửa lại Nghị định 24 và cần có quy định, ngoài NHNN được nhập khẩu, chế biến vàng miếng cần cho phép các doanh nghiệp khác nhưng phải có điều kiện, dưới sự quản lý của NHNN. Hiện giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch nhiều như vậy dễ dẫn đến buôn lậu vàng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mục sở thị “núi kho báu” chất đầy vàng, đá quý của Nga