Nỗi đau chưa nguôi ngoai
Vò võ một mình nơi góc bếp nhỏ hẹp, chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (SN 1975, Quận 1, TP.HCM) chuẩn bị cơm chay cúng chồng. Chồng chị, anh Vũ Quốc Cường (SN 1975, còn gọi là Cường “béo”) không may nhiễm COVID-19 rồi qua đời khi đang hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.
Thắp xong nén nhang cho chồng, chị lại quay về góc bếp vốn được tận dụng từ 1-2m2 hiên nhà để lặng lẽ ăn sáng một mình. Từ khi trở về từ bệnh viện, dù chưa thực sự hồi phục sau khi nhiễm COVID-19, chị Lan vẫn hiếm khi có mặt ở nhà.
|
Chị Tuyết Lan chuẩn bị bữa sáng giản đơn. |
Chị đi làm từ thiện. Chị muốn tiếp nối những hoạt động thiện nguyện của chồng. Khi đang đi cách ly, chị nhận tin anh Cường mất. Nỗi đau xót ấy đến bây giờ, gia đình chị vẫn chưa nguôi ngoai.
Xuất viện được 2 ngày, chị quyết định tiếp tục các hoạt động từ thiện mà trước đó chồng còn dang dở. Chị Lan mua gạo, phát cơm, tặng rau, đồ dùng cần thiết… cho người khó khăn.
"Đó là ước muốn và tâm nguyện suốt một đời của anh Cường”, chị Lan nói rồi lấy khăn lau tấm bảng ghi chữ: “Cường Béo quán cơm chay xã hội tự chọn” treo trước nhà.
Quán cơm chay này đánh dấu hành trình thiện nguyện không ngừng nghỉ của anh Cường “béo” trước khi qua đời. Giữa lúc cơm ăn chưa no, áo mặc chưa đẹp, anh bàn với vợ dốc hết số tiền ít ỏi để mở quán cơm. Anh không thể cầm lòng khi thấy “người xung quanh quá khổ, tìm quán cơm chay ăn cho tiết kiệm cũng không có”.
|
Chị cũng chỉ cúng chồng bằng chén bún chay giản dị. |
Có quán cơm, sáng sáng, anh đi chợ, chuẩn bị rau củ cho chị Lan đứng bếp nấu nướng. Khách của quán chủ yếu là sinh viên, công nhân, lao động nghèo, người lang thang… Ban đầu, để có kinh phí hoạt động, vợ chồng anh bán mỗi suất cơm với giá 5.000 đồng.
Sau này, thấy vẫn còn nhiều người khổ, anh chị dẹp bỏ tấm bảng có ghi giá tiền cơm để thay bằng dòng chữ trả tiền tùy tâm. Ai không có tiền trả cứ việc đến ăn cho no rồi ra về.
Thấy việc làm của anh ý nghĩa, nhiều mạnh thường quân tình nguyện chung tay bằng cách góp gạo, gửi rau củ, mắm muối… Quán cơm dần trở thành điểm ăn ngon, ăn no của những sinh viên, công nhân nghèo, người vô gia cư…
Khi quán cơm dần đi vào ổn định, anh Cường “béo” cũng ở nhà ít hơn. Anh miệt mài với những hoạt động giúp người khuyết tật có xe lăn, trẻ em nghèo có xe đạp, sách vở, người dân nghèo có cầu dân sinh, nhà tình thương…
|
Chị Tuyết Lan nhớ lại những ngày khó khăn, hai vợ chồng phải ăn chén cơm 2000 đồng. |
Chị Lan kể: “Anh ấy đi suốt, nhiều khi mấy ngày không về nhà. Những ngày qua, khi TP.HCM bình thường mới, nhiều bà con, anh chị em ở các tỉnh từng hoạt động thiện nguyện với anh đã đến nhà thắp nhang tưởng nhớ anh”.
“Có nhiều người tôi không hề quen biết. Họ chỉ nói từng nhận được sự giúp đỡ từ anh. Họ đến và mang theo trái cây, hoa… để viếng anh. Nhiều người khóc và nói anh đi nhanh quá, đến giờ họ vẫn chưa dám tin người tốt như anh lại ra đi nhanh đến vậy”, chị Lan chia sẻ.
Gia tài đáng tự hào
Chồng mất, chị Lan và các con cố gắng nuốt niềm đau thương vào lòng để tiếp tục sống, thực hiện những di nguyện của anh. Xuất viện, dù vẫn còn mệt, chị Lan đã thu xếp đi làm từ thiện.
Cũng như anh Cường “béo” trước đây, có bao nhiêu tiền, chị Lan đều mua quà, gạo, thuốc, thực phẩm… phát cho người cần. Từ tháng 9 đến thời điểm này, chị Lan đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thực hiện các hoạt động thiện nguyện.
|
Chị Tuyết Lan ôm di ảnh chồng trong Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: Trương Thanh Tùng). |
Chị kể: “Đó là tiền của các mạnh thường quân, cá nhân, tổ chức thương mến, yêu quý anh Cường gửi đến gia đình thông qua cơ quan báo chí. Ngoài ra còn có một số tiền nhỏ của mẹ tôi để lại cho gia đình tôi trước khi bà mất. Tính ra cũng được mấy trăm triệu đồng”.
“Tất cả số tiền này, tôi đều mua quà, gạo, vật dụng cần thiết… để gửi tặng người khó khăn hết. Tôi không giữ lại cho mình và gia đình một ngàn đồng nào. Tất cả việc tôi làm, tôi đều bàn bạc với các con và được các con đồng ý, ủng hộ”, chị nói thêm.
Tuy vậy, khi biết việc này, nhiều người trách mắng, cho rằng chị không biết thương bản thân, lo cho tương lai con cái. Nghe vậy, chị chỉ cười rồi nói thấy người ta khổ quá nên “mình có điều kiện thì mình cứ giúp họ trước đã”.
Chị không lo cho mình và các con vì “cả nhà vẫn có cơm ăn ngày 3 bữa”. Chị Lan giãi bày: "Tiền ấy là tiền của mọi người gửi cho gia đình tôi. Gia đình không biết làm sao để tri ân mọi người nên tôi xin phép dùng số tiền này làm thiện nguyện để tất cả mọi người đều có công đức”.
|
Anh Cường ra đi, gia tài để lại chỉ là những tấm bằng khen và một tấm lòng vì cộng đồng đến hơi thở cuối cùng. |
“Hơn thế, làm được như vậy, tôi cũng vơi đi nỗi đau buồn do những mất mát quá lớn đem lại. Trước đây, khi gia đình tôi không có tiền, anh Cường vẫn lầm lũi cho đi như thế”, chị Lan nói thêm.
Hướng mắt về phía những tấm bằng khen, giấy khen dán kín bức tường phía sau bàn thờ chồng, chị Lan nở nụ cười hạnh phúc. Suốt một đời anh Cường lầm lũi làm từ thiện. Anh luôn lo cho mọi người, thậm chí dành hết kinh tế của gia đình để lo cho cộng đồng.
Chị Lan tâm sự: “Lúc còn sống, anh dành hết mọi thứ cho cộng đồng. Lúc đi, anh cũng ra đi trong tay trắng. Gia tài anh để lại chỉ là những tấm bằng khen, giấy khen và một tấm lòng vì cộng đồng đến hơi thở cuối cùng”.
“Dẫu vậy, chúng tôi tự hào lắm. Tôi sẽ để “gia sản” này ở đây như một tấm gương, một cách gợi nhắc các con phải noi gương anh, phải nhớ lời anh “Sống là phải biết chia sẻ, cho đi”, chị nói thêm.
|
Chị Tuyết Lan và các con luôn tự hào và mong muốn tiếp nối những việc làm còn dang dở của anh Cường. |
Noi gương cha, các con của anh Cường cũng thực hiện các hoạt động thiện nguyện theo sức lực, độ tuổi của mình. Nguyễn Vũ Kim Như, cô con gái thứ hai của anh Cường sau khi đậu Đại học Y Dược TP.HCM đã lập tức tham gia tuyến đầu chống dịch.
Sau khi kết thúc hành trình làm tình nguyện viên chống dịch, cô sinh viên trẻ tuổi tiếp tục đi dạy thêm miễn phí cho học sinh nghèo, khó khăn. Hai em của Như cũng theo chị để giúp đỡ, ôn lại kiến thức cho các bạn cùng trang lứa.
Trong khi đó, chị Lan vẫn đang chờ đợi tình hình dịch bệnh lắng xuống để tiếp tục đỏ lửa quán cơm từ thiện của mình. Để có kinh phí, ngay từ lúc này, chị Lan nhận thêm công việc tạp vụ, vệ sinh nhà cửa từ 19h-1h sáng cho mọi người.
“Ước muốn của tôi lúc này là làm sao có thể duy trì được quán cơm từ thiện này và lo cho các con học hành đến nơi đến chốn. Đó là những điều anh Cường mong ước trước khi nhắm mắt rời cõi tạm. Dù biết rất khó khăn nhưng tôi sẽ cố hết sức”, chị Lan nói.