Gia đình bị "giời đày" ở Hòa Bình

Google News

(Kiến Thức) - Đôi vợ chồng có 3 đứa con và một đứa cháu đều như bị giời đày. Cứ đến ngưỡng tuổi cắp sách đến trường thì đôi mắt mờ dần...

Người xã Mông Hóa (Kỳ Sơn, Hòa Bình) gọi gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở xóm Vành là "ngôi nhà bóng tối". Trong ngôi nhà tồi tàn ấy có tất thảy 7 người thì chỉ có hai người lành lặn, một người liệt giường hàng chục năm nay, 4 người còn lại thì mù tịt. Chẳng biết rồi sau này, khi đôi mắt của hai người lành lặn nhắm lại, trở về với đất thì những người còn sống kia sẽ ra sao. 
Bi kịch đến tuổi là... mù
Ông Nguyễn Văn Bình và bà Nguyễn Thị Vinh kết hôn với nhau năm 1985, cả hai vợ chồng đều là người dân tộc Mường ở xã Mông Hóa. Năm sau, đôi vợ chồng trẻ tràn trề hạnh phúc khi đứa con gái đầu lòng Nguyễn Thị Linh chào đời. Năm sau nữa họ sinh thêm được một cậu con trai cho nhà có nếp có tẻ. Gia đình đặt tên cho cậu bé là Nguyễn Văn Liêm. Hai năm sau, tức 1989 đứa con thứ ba chào đời tên là Nguyễn Thị Ba.
Ba đứa con đều lành lặn, xem ra đó là một hạnh phúc không gì sánh bằng. Nhưng rồi, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Nỗi lo bóng tối cứ rình rập như một tên trộm sẵn sàng cướp mất ánh sáng của gia đình ấy. Đầu tiên là với cô bé Nguyễn Thị Linh.
Từ lâu, người Mông Hóa đã gọi gia đình ông Bình là Ngôi nhà bóng tối. 
Khi Linh bắt đầu bước chân vào lớp 1 thì đôi mắt cứ mờ dần đi. Khi lên lớp 2, giáo viên cho Linh ngồi bàn đầu nhưng cũng không nhìn rõ chữ. Vợ chồng ông Bình lo lắng chạy vạy tiền đem con xuống Hà Nội khám bệnh. Bác sĩ kết luận, Linh bị tiêu hủy võng mạc.
Năm sau Linh mù hẳn. Cô bé 8 tuổi tức tưởi khóc đòi bố mẹ trả lại ánh sáng cho mình. Đôi vợ chồng chưa hết buồn phiền, lo lắng thì lại hốt hoảng khi nghe tin cô giáo của đứa con thứ hai thông báo Liêm có vấn đề về mắt. Lại một lần nữa, gia đình chạy vạy tiền đưa Liêm xuống Hà Nội. Bác sĩ khám xong, kết luận Liêm bị tiêu hủy võng mạc giống người chị. 
"Vợ chồng tôi nghĩ, tương lai của hai đứa con coi như không còn. Tất cả sẽ phải phụ thuộc vào đôi mắt của đứa em út Nguyễn Thị Ba. Nó là đứa duy nhất còn sáng mắt, vợ chồng tôi cũng chỉ cầu trời cho con đừng bất hạnh giống như anh chị nó, nhưng rồi...", ông Bình ngập ngừng.
Năm sau, cô bé Nguyễn Thị Ba lại xuất hiện triệu chứng mờ mắt. Lần này, vợ chồng ông Bình rút kinh nghiệm, tức tốc đưa con xuống viện mắt dưới Hà Nội để nhanh chóng chữa trị. Nhưng bác sĩ vẫn kết luận không thể chữa được. Họ lại tủi thân đưa con về quê nhờ các ông lang, bà mế Mường đắp thuốc cứu vãn. Nhưng như là số phận, vài tháng sau thì Ba không còn nhìn thấy gì nữa.
Ông Bình cùng hai người con bị khiếm thị. 
Bất hạnh mới ra đời
Gia đình vốn đã khó khăn, ruộng ít, vườn tược không có nên vợ chồng ông Bình phải lăn lộn khắp nơi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi 3 đứa con tật nguyền. "Hễ chồng đi làm xa thì vợ phải ở nhà trông coi các con. Điếc hay ngóng, ngọng hay nói, mù lại hay đi cho nên đã nhiều lần 3 đứa con tôi mất tích vì lạc đường", bà Vinh cho hay.
Ở địa phương, nhiều người cho rằng ông Bình đi bộ đội nên nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, ông Bình thật thà: "Năm 1982 tôi mới nhập ngũ, mà lại đóng quân ở trường Sĩ quan Lục quân I, không có liên quan gì đến da cam. Trong gia đình tôi cũng chưa có ai từng bị khiếm thị như thế".
Năm 2006, đứa con út của vợ chồng ông Bình là Nguyễn Thị Ba có thai với một người không rõ danh tính. Đứa con Ba sinh ra đặt tên là Nguyễn Văn Thương và cũng giống như mẹ và hai bác, đôi mắt Thương cứ mờ dần rồi mù hẳn. Ngôi nhà bóng tối vốn đã nhiều đau khổ, giờ lại thêm một bất hạnh mới ra đời.. 
Chị Lan nguyện đem lòng yêu và gánh vác khó nhọc của gia đình ông Bình.  
"Chỉ sợ khi tôi chết"
Gần 30 năm nay, vợ chồng ông Bình phải vay công mượn nợ nuôi 3 con và cháu bị mù. Họ còn phụng dưỡng mẹ già ở tuổi 90 bị liệt gần chục năm nay. Thế nên kinh tế đã khó khăn, những món nợ ngày một chồng chất. Dù những đứa con khuyết tật được trợ cấp số tiền 360.000đ/tháng, nhưng xem ra chỉ như muối bỏ bể.
Ông Nguyễn Văn Án, Trưởng thôn Vành cho hay: "Gia đình anh Bình thuộc diện khó khăn nhất xã. Bà con hàng xóm thi thoảng cũng giúp đỡ nhưng chỉ là mớ rau, củ sắn, không có nhiều hơn để giúp họ trang trải cuộc sống".
Hiện tại, Ba và đứa con nhỏ đã được gia đình gửi xuống Hải Phòng học chữ nổi Braille. Linh và Liêm không muốn là gánh nặng cho gia đình nên xin học một lớp tẩm quất người mù. "Bọn em sinh ra đã không giúp gì cho gia đình rồi, phải tự kiếm sống thôi. Nhiều lúc bọn em rủ nhau đi chết nhưng không đành, vì dù gì bố mẹ cũng đã sinh ra mình", Linh tâm sự.
Ông Bình tỏ ra lo lắng: "Chẳng biết sau này ra sao nữa. Ừ thì cho là các cháu nó có nghề nghiệp hết đi. Nhưng chỉ sợ sau này khi tôi chết đi, chúng không còn ai dẫn đường chỉ lối nữa thì sẽ thế nào".
Ánh sáng từ tình yêu 
Theo bà Vinh, may mắn lớn nhất đối với gia đình cho đến lúc này có lẽ là sự thương cảm từ một cô gái trẻ Nguyễn Thị Lan. Lan cũng là người Mường ở Kỳ Sơn, thấy gia cảnh của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Liêm quá nghiệt ngã nên đã đem lòng yêu mến.
"Nhiều người bảo sao lại dại dột như thế. Gái chưa chồng, gia đình lại có điều kiện, có công ăn việc làm sao lại đâm đầu vào chỗ tối để cả đời phải khổ. Nhưng tôi không nghĩ là khổ, bởi đó là tình yêu của tôi. Tôi có thể gánh vác tất cả để anh Liêm và gia đình bớt đi mặc cảm và bớt đi những bần bách trước mắt", chị Lan chia sẻ.
Nhưng không biết rồi sau này, khi vợ chồng ông Bình mất đi, 4 người mù trong gia đình bóng tối kia sẽ thế nào? Liệu cô gái trẻ thiện nguyện Nguyễn Thị Lan có đủ sức vác gánh nặng ấy không? Chỉ biết rằng, với những người khiếm thị nói riêng và những người khuyết tật nói chung, tình yêu và sự đồng cảm luôn là niềm khao khát để họ vững tin vào cuộc sống.
Biết đâu, tình yêu chính là thứ ánh sáng soi dẫn họ đến với hạnh phúc. Mong là vậy, và mong những tấm lòng hảo tâm từ cộng đồng xã hội để những người khiếm thị thấy được ánh sáng của tình người.
"Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay nên nhiều lúc chúng tôi cũng buồn lắm. Buồn nhưng chẳng than với ai được. Hai vợ chồng chỉ mong có sức khoẻ để làm lụng kiếm bát cơm nuôi nấng các cháu. Số phận đã không cho các cháu sự may mắn thì thôi, mình cố tạo cho các cháu nụ cười là đủ rồi".
Ông Nguyễn Văn Bình
"Gia đình anh Bình thuộc diện gia cảnh khó khăn nhất xã. Dù các cháu trong gia đình anh Bình đã được hưởng trợ cấp khuyết tật nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Chúng tôi rất mong mỏi lòng hảo tâm của xã hội để giúp gia đình họ vượt qua những khó khăn này".
Ông Nguyễn Đăng Dung (Chủ tịch UBND xã Mông Hóa)
Trần Thế

Bình luận(0)