Giả danh “nhiếp ảnh gia” lừa đảo thiếu nữ trẻ

Google News

Tự giới thiệu là nhiếp ảnh gia của một số ảnh viện nổi tiếng ở Hà Nội Sơn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các thiếu nữ trẻ, đẹp.

Lời mời hấp dẫn
Ngồi trên chiếc Vespa LX mới cáu cạnh, Trang đang lướt trên phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội thì bất ngờ có một chàng thanh niên tầm ngoài 30 tuổi, dáng cao lớn, gương mặt vuông vức trông rất đàn ông, ăn mặc sành điệu điều khiển một “con” Sh màu trắng vượt lên, chạy song song, mắt liếc sang nhìn cô. Sau nụ cười thân thiện, anh ta giới thiệu, tên là Tùng Kevin, hiện đang làm việc trong ảnh viện Juliet. Tùng khen Trang đẹp rồi ngỏ lời muốn mời cô làm người mẫu cho một bộ ảnh mới của anh ta. Mới 21 tuổi đầu, Trang được một nhiếp ảnh gia khen đẹp, mời chụp ảnh mẫu, lẽ nào cô lại không thích. Vì thế, khi thấy Tùng ngỏ lời muốn xin số điện thoại để liên lạc, Trang đồng ý cho anh ta.
Sáng hôm sau, Trang nhận được điện thoại của Tùng mời cô đến ảnh viện của anh ta trong tòa nhà Vincom ở Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội để chụp ảnh mẫu. Theo hẹn, khoảng 10h hôm ấy, Trang điều khiển chiếc Vespa LX đi gặp Tùng. Khi Trang đi đến phố Đoàn Trần Nghiệp thì Tùng chạy ra đón rồi đưa cô vào một quán cà phê. Sau khi trao đổi với Trang nội dung làm việc cũng như khoản “bồi dưỡng” cho người mẫu, Tùng nói với cô: "Ảnh viện của anh ở trên tầng 8 của tòa nhà Vincom. Anh đèo em vào hầm gửi xe rồi đi mình lên ảnh viện”. Khi đèo Trang đến trước cửa hầm gửi xe, Tùng dừng lại, hỏi mượn cô chiếc iPhone 5 để gọi lên cho đồng nghiệp chuẩn bị làm việc.
Sau đó, anh ta để Trang đứng ngoài cửa hầm chờ, cầm luôn chiếc điện thoại của cô đưa xe xuống hầm gửi. Biết là Tùng còn cầm chiếc điện thoại di động nhưng nghĩ rằng, lát nữa còn gặp nhau nên Trang không nỡ lên tiếng đòi. Đứng ngoài cửa đợi Tùng mười phút rồi mười lăm phút mà không thấy anh ta quay ra, không còn điện thoại trong tay, sốt ruột, Trang chạy xuống hầm gửi xe. Cô chạy đi tìm khắp nơi mà không thấy chiếc Vespa LX của cô cũng như “nhiếp ảnh gia” đâu? Biết là bị lừa, Trang vội đến CAP Lê Đại Hành trình báo.
Ít ngày sau, trên địa bàn Cầu Giấy, Hà Nội, cũng xảy ra vụ lừa tương tự. Sáng hôm ấy, cô Dương Hồng Hạnh, 21 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội, điều khiển chiếc Sh đang đi trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội thì có một thanh niên đi trên chiếc Sh màu trắng chạy cùng chiều lân la làm quen. Anh ta giới thiệu là “nhiếp ảnh gia” tên Hùng Remy.
Sau vài lời khen Hạnh xinh đẹp, vóc dáng chuẩn, Hùng Remy gạ cô làm người mẫu cho anh ta, mỗi lần chụp ảnh mẫu sẽ trả công từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Không chỉ được khen đẹp, Hạnh còn được mời chụp ảnh mẫu, lại còn được nhận tiền bồi dưỡng nên cô nhận lời. Sáng hôm sau, Hùng điện hẹn gặp Hạnh ở khách sạn Daewoo vào lúc 11h30.
Đúng hẹn, khi Hạnh tìm đến khách sạn Daewoo thì Hùng Remy đã đứng đón cô từ ngoài đường Kim Mã. Gặp nhau, Hùng bảo Hạnh đưa chiếc Sh để anh ta mang vào điểm gửi xe rồi hai người sẽ vào quầy cà phê trong khách sạn bàn bạc triển khai công việc chụp ảnh. Không nghi ngờ gì, Hạnh trao chiếc Sh, bên trong cốp có 1 điện thoại di động iPhone 4, 12 triệu đồng và một số giấy tờ tùy thân của cô cho Hùng để anh ta mang đi gửi. Sau khi Hùng dắt chiếc xe đi, giống như Trang, Hạnh cứ đứng chờ trước cửa khách sạn mãi mà chẳng thấy “nhiếp ảnh gia” quay lại. Đến lúc cô nhận ra mình bị lừa thì kẻ lừa đảo đã kịp cao bay, xa chạy.
Truy tìm kẻ lừa đảo
Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy… liên tiếp xảy ra gần chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khá tinh vi, trắng trợn, gây xôn xao dư luận. Theo trình báo của các bị hại, các trinh sát Phòng PC45 - CATP Hà Nội nhận thấy, thủ phạm chủ yếu nhằm vào các cô gái trẻ sử dụng điện thoại iPhone, đi xe máy tay ga đắt tiền và các vụ lừa đảo này đều diễn ra theo cùng một “kịch bản”.
Đối tượng tự giới thiệu là “nhiếp ảnh gia” chuyên chụp ảnh cho người mẫu, gạ gẫm các cô gái trẻ đồng ý nhận làm người mẫu rồi lừa gạt chiếm đoạt xe máy, điện thoại di động của họ. Điều đáng chú ý, nhận dạng đối tượng các vụ lừa đều giống nhau nhưng khi tiếp cận với mỗi bị hại, đối tượng mang một tên khác, lúc là Tùng Kevin, khi là Hùng Remy hay Dũng, Hoàng…
Từ nhân dạng đối tượng mà bị hại cung cấp, các trinh sát tổ chức rà soát đối tượng trên địa bàn, tập trung vào những gã “trai lơ” ăn chơi sành điệu, thích gắn mác nhiếp ảnh gia dởm. Mất khoảng 3 tháng rà soát, theo dõi, các trinh sát mới phát hiện được một đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn. Đối tượng này tên Sơn, quê ở Quảng Ninh, lên Hà Nội kiếm sống nhưng hiện anh ta ở đâu thì không rõ.
Có nguồn tin quần chúng cung cấp, hàng ngày Sơn thường ăn mặc khá bảnh bao, khoác chiếc túi da, đeo kính đen… trông khá sành điệu, đi chiếc Sh màu trắng không mang biển số, không thấy làm ăn gì mà chỉ lượn khắp các phố phường trên các quận nội thành Hà Nội… Hình dạng bên ngoài nghi can cùng phương tiện mà Sơn sử dụng phù hợp với lời khai về kẻ mạo danh nhiếp ảnh gia của các bị hại. Tuy nhiên, do Sơn thường xuyên thay đổi sim điện thoại, thay đổi địa điểm hẹn hò với “con mồi” nên việc điều tra, truy bắt cũng gặp không ít khó khăn.
Tập trung điều tra về nghi can này, các trinh sát phát hiện một chi tiết, hiện anh ta cặp bồ với một cô gái khá trẻ, xinh. Mặc dù cặp bồ với Sơn nhưng cô gái này ỷ vào sắc đẹp, không bỏ lỡ thời cơ khi gặp các “hoàng tử” đẹp trai, giàu có khác. Vì cái tính lẳng lơ của người tình mà Sơn thường nổi máu ghen tuông. Anh ta thường bám theo người tình và bất ngờ xuất hiện mỗi khi cô ta ngồi với trai lạ. Nắm được chi tiết này, các trinh sát bí mật triển khai phương án vây bắt.
Tối hôm ấy, cô bồ của Sơn có cuộc hẹn hò với một thanh niên đẹp trai, cao to trong một quán cà phê nằm trên phố Trần Huy Liệu, Ba Đình, Hà Nội. Không biết vì sao Sơn cũng biết được cuộc hò hẹn này. Khoảng 22h hôm ấy, khi cặp trai gái ấy đang ngồi bên ly cà phê say sưa tâm sự thì bất ngờ Sơn xuất hiện. Khi anh ta vừa bước tới bàn mà cô bồ đang ngồi cùng người bạn trai thì các trinh sát cũng ập vào bắt giữ.
Không thể tả được sự ngỡ ngàng đến tột cùng của Sơn cùng cô bồ khi các trinh sát xuất hiện. Lúc đầu Sơn định chống cự nhưng rồi anh ta đành phải ngoan ngoãn theo các trinh sát về trụ sở cơ quan công an. Trước cơ quan điều tra, Sơn cố chối cãi loanh quanh nhưng với các tài liệu, chứng cứ cùng sự nhận diện của bị hại, anh ta đành phải cúi đầu thừa nhận tội lỗi. Kẻ lừa đảo ấy là Phạm Hồng Sơn, sinh 1980, ở khu 4, phường Hà Lầm, TP Hạ Long, Quảng Ninh, thuê trọ trong ngõ 160 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
Sinh ra trong một gia đình có 4 chị em nhưng chỉ có Sơn là con trai. Có vợ và 2 con nhưng Sơn không chịu tu chí làm ăn mà thích chơi bời, lêu lổng nên anh ta bỏ nhà lên Hà Nội. Không nghề nghiệp, chỉ sống lang thang nên Sơn sớm sa vào phạm tội. Cuối tháng 11-2000, anh ta bị TAND quận Cầu Giấy xử phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội trộm cắp và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau đó 9 năm, vào tháng 8-2009, Sơn lại bị TAND quận Hoàn Kiếm xử phạt 24 tháng tù cho hưởng án treo về tội cướp tài sản. Gần đây, không có tiền tiêu xài, Sơn nghĩ ra “chiêu độc”, vào “vai” là “nhiếp ảnh gia” gạ gẫm các thiếu nữ làm người mẫu ảnh để chiếm đoạt tài sản của họ. Hàng ngày, Sơn lượn lờ trên các phố, mỗi khi tăm tia thấy cô gái nào đi xe tay ga đắt tiền như Sh, LX… và có nhan sắc là anh ta tiếp cận, làm quen.
Trưa hôm ấy, Sơn giả vờ mang xe của Trang xuống hầm tòa nhà Vincom gửi rồi chuồn thẳng ra lối cổng sau. Lừa lấy được chiếc Vespa LX và chiếc iPhone 5 của Trang, anh ta tháo biển số xe vứt đi rồi mang về Quảng Ninh tiêu thụ. Còn chiếc iPhone 5 sau đó cũng được Sơn bán lấy 9 triệu đồng. Ngoài 2 chiếc xe máy của Trang và Hạnh, Sơn khai còn lừa chiếm đoạt được 7 xe máy cùng 5 điện thoại di động và 1 máy tính của 7 cô gái khác với tổng giá trị tài sản lên tới gần 600 triệu đồng. Theo Sơn, mỗi khi lừa được xe máy và điện thoại của các cô gái, anh ta thường mang bán với giá rẻ từ 15 đến 50 triệu đồng đối với xe máy và từ 8 đến 10 triệu đồng đối với điện thoại di động.
Gia danh nhiep anh gia lua dao thieu nu tre
Phạm Hồng Sơn.
Mặc dù, Sơn lừa đảo các cô gái với thủ đoạn khá tinh vi nhưng trước cơ quan pháp luật, anh ta nại ra rằng bị bệnh tâm thần sau tai nạn giao thông. Mỗi khi lên cơn đau đầu, anh ta thường hay đập đầu vào tường hoặc gây ra chuyện lừa đảo, trộm cắp để… giải tỏa tâm lý. Tuy nhiên, sau khi Sơn được đưa đi giám định với kết luận, anh ta chỉ bị hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi ở thể nhẹ.
Vì thế, phiên tòa sơ thẩm mở vào cuối tháng 7-2016, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Phạm Hồng Sơn 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt với bản án 2 năm tù treo trước đó do TAND quận Hoàn Kiếm tuyên phạt vào năm 2009 về tội cướp tài sản, Sơn phải nhận bản án 14 năm tù giam.
* Tên bị hại đã được thay đổi.
Theo infonet

Bình luận(0)