Ngày 29/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, Mai Thị Lan (44 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) nằm trong một đường dây chuyên giả danh công an để lừa đảo, Công an quận Bắc Từ Liêm đang mở rộng điều tra vụ án.
Trước đó, rất nhiều vụ án các đối tượng giả danh công an để lừa đảo đã bị cơ quan chức năng các địa phương triệt phá. Vậy thủ đoạn của chúng thế nào? cách nhận diện ra sao để phát hiện, tránh bị lừa đảo tiền bạc, tình cảm?
Chuyên gia tội phạm học chỉ cách vạch mặt công an "dởm"
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia Tội phạm học, trung tá Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) nhận định, công an là lực lượng bảo vệ pháp luật, trong mắt người dân, cán bộ chiến sĩ công an là những người mang sức mạnh của quyền lực Nhà nước, đại diện cho lẽ phải, công lý, trật tự pháp luật... do vậy họ có sẵn niềm tin, thiện cảm dành cho lực lượng này.
Cũng chính vì yếu tố tâm lý này mà nhiều đối tượng đã giả danh công an để thực hiện hành vi phạm tội, nhất là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Đối tượng Mai Thị Lan. |
"Khi giả danh, mạo nhận là công an, đối tượng dễ dàng tạo dựng được sự tin tưởng, cảm tình của nạn nhân. Đó là tiền đề quan trọng để đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, vì khi đã tin tưởng, nạn nhân dễ làm theo mọi yêu cầu về tài sản của đối tượng. Ngoài ra, nhiều người quan niệm công an thường có quan hệ xã hội rộng, có thể giúp họ giải quyết công việc nào đó. Đối tượng phạm tội khi giả danh công an, dễ tạo được sự trông cậy, nhờ vả từ phía người dân, thông qua đó chúng có thể chiếm đoạt được tài sản" - trung tá Đào Trung Hiếu nói.
Bởi vậy, khi thiết lập được quan hệ với người trong sắc phục công an, nhiều người đặt ngay lòng tin mà thiếu đi sự kiểm tra, dẫn đến hàng loạt các vụ lừa tình, lừa tiền, lừa chạy việc, xin học, chạy dự án… mà thủ phạm sắm cho mình những bộ đồng phục CAND mua trên mạng.
|
Chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu. |
Về kỹ năng xử lý tình huống khi phát hiện những biểu hiện nghi vấn giả mạo của người thực thi công vụ, theo chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu, khi quan sát thấy những dấu hiệu bất minh, như trang phục CAND thiếu biển tên, cách nói không thể hiện là người hiểu biết pháp luật thì cần phải kiểm tra bằng các biện pháp khác nhau. Đầu tiên, cần yêu cầu cán bộ đó cho xem giấy chứng minh CAND (thẻ ngành), các giấy tờ liên quan. Tuy nhiên cần lưu ý những giấy tờ này cũng có thể bị làm giả (scan dấu, dấu giả).
Tiếp theo, cần hỏi về đơn vị công tác, xin số máy lãnh đạo và xác minh nhanh (tra số trên đường dây nóng, cổng thông tin các đơn vị công an niêm yết trên mạng), gọi hỏi xem có cán bộ như vậy không. Có thể hỏi tên một số người tại đơn vị mà đối tượng nói làm việc ở đó.
Có thể "bịa" ra vài cái tên không có thật, nếu đối tượng gật như đúng rồi, chắc chắn là giả mạo; hỏi về công việc, kẻ giả mạo sẽ lúng túng. Một cách hiệu quả khác là dùng điện thoại chụp ảnh đối tượng nghi vấn, vì tâm lý chung của kẻ giả mạo là rất sợ "lưu vết". Cuối cùng, khi có nhiều dấu hiệu bất minh, hãy gọi điện báo công an cơ sở, đề nghị cử người xuống kiểm tra.
"Điều quan trọng nhất là người dân cần tự nâng cao hiểu biết về pháp luật, về quy định, quy trình công tác của ngành công an để có thể bình tĩnh suy xét, đánh giá về tính hợp pháp, hợp lý của công việc mà bản thân đang phải giải quyết với những người mặc trang phục CAND.
Người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành yêu cầu của lực lượng thực thi nhiệm vụ, nhưng cũng phải tỉnh táo, cảnh giác trước những chiêu trò mạo danh. Nếu có nghi ngờ, người dân có quyền chất vấn người đang làm việc với mình để làm rõ mọi chuyện" - trung tá Đào Trung Hiếu tư vấn.
Đối diện mức án 20 năm tù
Dưới góc nhìn pháp lý của vụ án trên, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, thủ đoạn của đối tượng này rất tinh vi, tạo ra niềm tin và đưa ra những thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của nhiều nạn nhân. Căn cứ vào các thông tin tài liệu như vậy, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Luật sư Cường nêu quan điểm: "Trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối quan hệ của đối tượng này đối với các nạn nhân, làm rõ số lần chuyển tiền và lý do chuyển tiền. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối để làm dân tin tưởng rồi chuyển tiền cho đối tượng, sau khi nhận tiền thì đối tượng không có ý định trả lại thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Còn trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối làm cho nạn nhân hiểu lầm rồi chuyển tiền nhưng có căn cứ cho thấy đối tượng này đã gian dối để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì cũng sẽ xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Mỗi giao dịch với những người tố cáo là một hành vi có thể xem xét để xác định dấu hiệu tội phạm".
Trường hợp đối tượng đưa ra những thông tin gian dối để xây dựng hình ảnh không có thật làm cho các nạn nhân tin tưởng cho vay tiền, sau đó đối tượng không có ý định trả lại số tiền đó thì đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tùy thuộc vào sự tin tưởng của nạn nhân đến đâu và thủ đoạn gian dối được thể hiện như thế nào. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
"Vụ việc trên là bài học cho những ai nhẹ dạ cả tin, tin tưởng vào những hình ảnh hào nhoáng bên ngoài để thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế. Đồng thời cũng là bài học cho những đối tượng lười lao động, muốn chiếm đoạt tài sản của người khác bằng các thủ đoạn gian dối. Việc sử dụng mạng xã hội, quen biết trên mạng xã hội luôn tìm ẩn những rủi ro, nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, tài sản. Bởi vậy, với các mối quan hệ quen biết trên không gian mạng mà có liên quan đến vấn đề tiền bạc, làm ăn thì cần phải hết sức thận trọng, cần phải xác minh làm rõ thông tin, có những hiểu biết nhất định thì mới đi đến các giao dịch" - luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo luật sư Cường, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy đối tượng đã gian dối để chiếm đoạt với số tiền đến 20.000.000.000 đồng của nhiều người như vậy thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nghiêm khắc có thể đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.